Chuyện hoàn lương nơi cận kề cạm bẫy cuộc đời

Chuyện hoàn lương nơi cận kề cạm bẫy cuộc đời

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Về cửa khẩu quốc Cầu Treo, Hà Tĩnh để tìm những người chuyến hàng qua cửa khẩu "đặc biệt", họ là những người đã mãn hạn tù trở về với đời thường. Trong khung cảnh nhộn nhịp của cửa khẩu dịp gần Tết, nên công việc của đội bốc vác "đặc biệt" cũng nhiều hơn, bận rộn hơn.

Những người đàn ông gầy guộc đang cần mẫn vác từng bao hàng nặng trĩu từ những chuyến hàng chuyển tải qua cửa khẩu. Thật khó có thể phân biệt được họ với những người làm nghề bốc vác khác, nhưng mỗi bước chân, mỗi bao hàng trên vai của họ đều ẩn chứa biết bao nỗi niềm.

Pháp luật - Chuyện hoàn lương nơi cận kề cạm bẫy cuộc đời

Chiến sỹ biên phòng đang trao đổi với đội bốc vác sau một ngày làm việc

Những người làm lại cuộc đời bên cửa khẩu

Họ, những người đàn ông từng có một thời ra tù vào tội. Trong số họ, thậm chí có người làm bạn với ma túy và đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Những cái tên như Chiến "Tân", An "đại ca", Dũng "hoàng tử"... nức danh trong giới giang hồ và là nỗi ám ảnh của người dân cửa khẩu ngày nào giờ đang lặng lẽ gây dựng cuộc sống mới cho mình. Những đôi tay trước đây chỉ chuyên đâm thuê chém mướn, trộm cắp, cướp giật thì nay đã chai sần do lao động nặng nhọc để mang về cho gia đình những đồng tiền chính đáng. Mỗi người trong đội bốc vác là một số phận, một cuộc đời.

Một ngày như bao ngày khác, từ lúc trời chưa sáng, họ đã í ới gọi nhau đi làm. Nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Khi được thuê bốc vác hàng chuyển tải từ xe này sang xe khác, mỗi người một việc phân công nhau cùng làm. Người khỏe đỡ người yếu. Chiến "Tân", người đàn ông bây giờ đã là Đội trưởng đội bốc vác thốt lên: "Lam lũ và cực nhọc! Nhưng với chúng tôi, liệu có con đường nào nhẹ nhàng hơn để làm lại cuộc đời".

Hết buổi, họ cùng nhau trở về lán nghỉ của đội. Tiền công thu được trong ngày sẽ chia đều cho mọi thành viên. Và theo lệ, tùy tâm mỗi người sẽ đóng góp một phần nhỏ vào quỹ chung của đội. Số tiền ấy được dành để thăm hỏi, giúp đỡ những anh em trong đội lúc đau ốm hay gia đình có việc hiếu hỉ. Cái phần đời làm "công dân loại ba" khiến cho họ bị người đời lên án, cha mẹ, vợ con tủi nhục giờ đã trở thành quá khứ. Một quá khứ không mấy tốt đẹp để nhắc nhớ, nhưng có lẽ với họ, đó là một bài học về sự làm người.

Đau đáu đường về nẻo thiện

Anh Nguyễn Văn An, đội bốc vác cửa khẩu Cầu Treo tâm sự: "Trước đây tôi tin lời bạn bè, chơi bời nghiện ngập, vào tù ra tội. Sau khi ra tù thì tôi chán nản với cuộc đời. Nghĩ mình không còn gì tương lai."

Pháp luật - Chuyện hoàn lương nơi cận kề cạm bẫy cuộc đời (Hình 2).

Bốc vác tại cửa khẩu Cầu Treo

Còn với gia đình họ, những người mẹ, người vợ chỉ biết âm thầm khóc trước sự xa lánh của hàng xóm láng giềng thì nay đã lấy lại được niềm tin và nghị lực sống. Chị Lê Thị Tương, vợ anh An đã phải nhiều lần chứng kiến cái cảnh anh lên cơn nghiện, vật vờ, lay lắt, có cái gì trong nhà anh đưa đi hết. Nhà trống hươ, trống hoắc! Vợ chồng suốt ngày đánh nhau. Bà con, chòm xóm lâu dần xa lánh. Những ngày chưa lâu, khi anh An mới ra tù, chị buồn vì anh bị xa lánh. Có những đêm hai vợ chồng nằm bên nhau, chỉ biết thở dài ngao ngán. Có hôm, anh An bảo với vợ: "Hay mẹ nó ở nhà, tôi đi thật xa, Tây Nguyên hay Sài Gòn, nơi không ai biết tôi từng mang tội để kiếm việc làm, kiếm tiến". Lúc đó, chị Phương bật dậy: "Anh mới về, em và mọi người chờ đợi đã khổ. Giờ xa nữa biết làm sao qua nỗi lúc buồn...".

Anh An vẫn biết vợ mình là người cam chịu, trong những ngày anh còn trả án còn chịu đựng được, huống hồ bây giờ, hàng tháng có tiền gửi về. Anh biết chị lo vì việc khác, lo nhất là anh không đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, trở lại với con đường nghiện ngập lại khó mà dứt ra được. Biết ý tứ của vợ, anh An nói: "Mẹ nó yên tâm, tôi đã cai được rồi, sẽ cố gắng đoạn tuyệt". Rồi sau đấy anh cũng hứa rất nhiều với vợ là sẽ đoạn tuyện hẳn với ma túy. Một lần nữa chị nài nỉ anh ở lại: "Thôi em xin anh, khối người hứa này hứa nọ, cuối cùng chỉ phút nao núng là quay lại con đường nghiện ngập, khó mà dứt ra được. Bây giờ em chỉ xin anh ở nhà, kiếm việc. Rồi mọi người cũng hiểu ra thôi...".

Nghe lời vợ anh không bỏ đi, mà ở lại quê rồi được giới thiệu lên cửa khẩu Cầu Treo tìm việc làm, tuy vất vả, cực khổ nhưng cũng là cách để anh xa rời con đường ma túy, làm người lương thiện.

Còn ông Nguyễn Đình Hòe, bố của Chiến "Tân" tâm sự: "Gia đình chúng tôi đã bất lực! Nhưng những người lính Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã không bỏ cuộc. Họ đã cứu nốt phần đời còn lại của con tôi". Thế là, cũng như nhiều anh em tại đây, con đường phục thiện không hề dễ dãi, nhưng với tấm lòng của người vợ, người mẹ và cộng động đã động viên họ vượt qua lúc khó khăn nhất.

Cứu tinh của cuộc đời lầm lỗi

Cùng sát cánh bên những mảnh đời lầm lỗi kia trong hành trình làm lại cuộc đời là những người lính biên phòng. Hiểu được họ, có lẽ không ai khác hơn là những người lính biên phòng đang đứng chân tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Các anh thuộc tên, nhớ mặt và quãng đời quá khứ của từng người. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo xác định được rằng, để cứu họ, không có con đường nào khác ngoài sự đồng cảm sẻ chia, sự quan tâm tận tình. Đội bốc vác được thành lập với gần 60 đối tượng có tiền án tiền sự, nghiện hút...

Quyết định đúng đắn, kịp thời của những người lính biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày nào giờ đã cho trái ngọt. Hầu hết mọi thành viên của đội bốc vác đều đã cai được ma túy và trở về với cuộc sống đời thường. Không những vậy, đội bốc vác đặc biệt này còn là đội quân "tai, mắt" cho lực lượng chức năng trước những sự việc bất thường ở cửa khẩu. Bất cứ một đối tượng lạ, có biểu hiện nghi vấn hay một chuyến hàng khả nghi đều được họ nhanh chóng báo cho các cán bộ chiến sỹ. Hầu hết các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy được đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo phá án thành công trong năm năm qua đều có sự góp sức của họ.

Trung tá Võ Trọng Hải - Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu treo cho biết: "Muốn ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thì phải tạo được công ăn việc làm cho các đối tượng, đặc biệt là nghiện và nhiễm HIV. Ngày chúng tôi mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nay đã tạo được công ăn việc làm cho họ. Chính họ đã giúp Bộ đội Biên phòng rất nhiều trong công tác bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, chống vượt biên xâm nhập, phát hiện các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy, vũ khí, phụ nữ trẻ em...".

Tâm niệm, "sống sao cho cho thật ý nghĩa" của những con người trên hành trình phục thiện này được thể hiện qua những điều giản dị. Họ luôn có mặt tại các gia đình có việc tang gia hay những hộ còn nhiều neo khó. Dù chỉ giúp được dăm ba việc vặt như khênh cái bàn, xếp cái ghế, sửa chữa nhà cửa hay vệ sinh đường sá ... nhưng, đó là lời xin lỗi muộn mằn của họ đối với bà con chòm xóm, là cách để họ tìm lại tình thương yêu của mọi người.

Quang Linh - Thế Mạnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.