Người sống sẽ biết được những tâm tư nguyện vọng của người chết để thực hiện tiếp ý nguyện. Người chết cũng biết được người sống đang sống như thế nào và không còn phải băn khoăn gì với những điều mình chưa làm được ở cõi dương gian.
Trò chuyện với người đã mất?
Cho đến nay, làng Xuân Ổ A (Xuân Ó cũ), phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện ly kỳ về những cuộc gặp mang màu sắc liêu trai giữa người sống và người đã chết ở chính khu chợ nhỏ nằm cuối làng, hay còn gọi là chợ Âm Dương, một năm chỉ họp đúng một lần.
Truyền thuyết xưa kia kể lại, năm Nhâm Dần 43 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng tập hợp quân sĩ chống trả 50 vạn quân Hán do tướng Mã Viện cầm đầu. Hai bên giao chiến với nhau tại khu vực hồ Lãng Bạc, thuộc trấn Vũ Ninh nay là huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Tại đây, quân sĩ của ta hy sinh với số lượng lớn vì sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Thời gian sau đó, nhiều người thân của các chiến sĩ đến đây hương khói gọi hồn và cầu mong vong linh con em mình được siêu thoát. Làng Ó ngày đó, người dân sống bằng nghề làm vàng mã. Do vậy, mọi người đến đây đều mua chút hàng mã đốt cho người thân đã mất để an ủi họ nơi chín suối.
Được người dân nơi đây cho biết: "Ông Tụy là người duy nhất ở làng còn minh mẫn và am tường về phiên chợ cũng như giữ được trong trí nhớ nhiều câu chuyện huyền bí”. Tôi hồi hộp tìm đường đến nhà người duy nhất còn nặng lòng với lễ hội Âm Dương. Biết tôi đến tìm hiểu về chợ Âm Dương, ông Hoàng Thanh Tụy (SN 1936) vui lắm.
Toàn cảnh khu diễn ra chợ Âm Dương tại làng Xuân Ổ A, Võ Cường, TP. Bắc Ninh.
Theo lời kể của ông: Ngày còn chợ Âm Dương, cứ đêm mùng 4 Tết, người khắp nơi lại tìm về chợ để được một lần tâm sự với người thân đã mất. Tích xưa còn truyền lại, có một người phụ nữ chồng mắc bệnh mất sớm. Bà chỉ có người con trai duy nhất cho theo Hai Bà Trưng đánh giặc giúp nước. Tiễn chân con đi ba tháng mười ngày không hay tin tức gì, bà thương nhớ con đã không quản ngại đường sá xa xôi đi tìm con theo vết ngựa chiến. Đến vùng đất Vũ Ninh, sau một chặng đường tìm vất vả lại nhận được tin con chết trận tại đây, bà không còn tâm trí và sức lực đã nằm gục ngay trước gốc đa đầu chợ.
Trước xác của rất nhiều binh sĩ, không biết lật tìm mảnh thi thể bé nhỏ của cậu con trai ở đâu, bà cứ ngồi đó khóc cả tuần liền, không ăn không ngủ. Người dân thương tình dìu bà vào nhà, mời ăn uống và động viên bà ngủ nghỉ lấy sức tìm con. Trong phút hoảng loạn tinh thần vì nỗi buồn đau quá lớn, bà có một niềm tin rằng, con trai bà sẽ trở về. Bà ăn chay niệm Phật và cầu mong được nói chuyện với con bởi trước khi con ra đi, bà chưa kịp dặn dò câu gì.
Một đêm bà nằm mơ có người mách rằng, cứ thắp hương cầu khấn, mua đồ mã đốt gửi cho con, đúng 100 ngày thì cậu con trai linh thiêng ở một thế giới khác sẽ nhận được và có thể trở về gặp bà một lần. Tỉnh dậy, bà thấy an lòng hơn, với một niềm tin mơ hồ, bà quyết tâm ở lại Vũ Ninh đủ 100 ngày, thắp hương cầu khấn vong hồn con trai.
Đúng 100 ngày sau, bà mua đồ mã, thắp hương kêu tên con giữa bãi chiến trường, rồi bà thiếp đi lúc nào không hay. Khi có người gọi dậy, bà mừng mừng tủi tủi khi nhìn thấy cậu con trai yêu quý. Trong lúc hạnh phúc, bà chạy lại ôm lấy con nhưng con trai bà nói rằng con chỉ có thể nói chuyện với mẹ thôi, con không còn sống nữa. Bà bàng hoàng nhưng vẫn đủ bình tĩnh để tin rằng, mình đã được gặp lại con nhưng con trai bà đã thuộc về một cõi khác. Bà hỏi về những mong muốn, ý nguyện và lắng nghe những tâm sự mà khi còn sống con trai bà chưa một lần nói với mẹ.
Buổi sáng tinh mơ khi chợt có ánh sáng ban ngày chiếu rọi thì cậu con trai tạm biệt người mẹ già với lời hẹn ước một năm sau đúng ngày này gặp lại. Người mẹ vui sướng, mang chuyện gặp con đi kể khắp nơi. Không ai tin vì nghĩ bà thương nhớ con quá mà thành ra lẩm cẩm. Nhưng câu chuyện người mẹ gặp con cứ lưu truyền khắp nơi này đến nơi khác. Rồi ngày 4 Tết hàng năm, ngày càng nhiều người tìm đến với chợ Âm Dương làng Ó.
Hầu hết là những người có người thân hy sinh trong trận chiến dưới cờ trướng của Hai Bà Trưng. Khi đến đây, người hài lòng, người buồn tủi. Những người tin tưởng và tự nguyện sẽ gặp lại người thân đã mất trong tâm tưởng. Những cuộc gặp gỡ liêu trai cũng vì vậy mà trở nên kỳ bí hơn. Câu chuyện gặp lại người thân chẳng có ai xác thực, nhưng chuyện người mẹ năm nào cũng đến chợ vào một ngày duy nhất trong năm. Bà chọn cho mình một góc nhỏ tĩnh lặng, nói đủ thứ chuyện trên đời với một ai đó trước mặt mà những người xung quanh không nhìn thấy gì vẫn lưu truyền đến tận bây giờ. Rồi sau phiên chợ ấy, người ta thấy bà vô cùng mãn nguyện. Nhiều người khác cũng có cảm giác mãn nguyện như thế khi rời khỏi phiên chợ độc đáo này.
Ông Hoàng Thanh Tụy.
Chỉ còn trong tâm tưởng
Ông Tụy cho biết: "Chợ Âm Dương là một trong những nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống lễ hội. Tuy nhiên, hiện nay phiên chợ chỉ còn trong tâm tưởng của những người gần đất xa trời như chúng tôi".
Huyền tích thì vẫn còn, nhưng để phục dựng lại một phiên chợ Âm Dương như thế thì không phải chuyện dễ dàng. Ông Nguyễn Thanh Thủy (SN 1962), trưởng thôn, cũng là con trai ông Tụy chia sẻ: "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi được biết đã có dự thảo phục dựng lễ hội Âm Dương. Tuy nhiên, mọi kế hoạch chỉ là trên bản thảo giấy tờ. Dù rất mong muốn nhưng chúng tôi cũng đành đợi một dịp khác hội tụ đầy đủ điều kiện hơn".
Ông Tụy kể: "Sau này, thế hệ người thân của những người lính chiến chết trận khi theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa không còn nữa, thì chợ Âm Dương vẫn được lưu truyền trong một thời gian khá dài. Người đến đây đa số là những người có thân nhân chết trẻ, hoặc là khi người thân mất, họ còn quá nhiều điều chưa tâm sự hết với nhau. Có người tìm đến gặp lại người yêu đã mất trong một tai nạn giao thông, có người đến gặp lại mẹ vì lúc mẹ mất mình không kịp có mặt ở nhà. Có người đến để lắng nghe, có người đến để dặn dò, cũng có người đến để nói lời xin lỗi... Đôi khi người ta tìm đến chợ chỉ để lòng thanh thản với những tiếc nuối dở dang giữa hai thế giới Âm và Dương.
Khi đến với chợ, mọi người thường mua hương, vàng mã của chính người dân làng Ó. Chợ Âm Dương diễn ra trong tĩnh lặng của màn đêm. Người đến chợ đều mang một niềm tin tâm linh mong manh. Mọi cái ác, sự bon chen đều gửi lại đằng sau cánh cổng chợ. Trong phiên chợ đặc biệt này, chỉ có tình yêu thương, sự trân trọng, nâng niu và những lời sám hối. Để rồi khi rời khỏi chợ vào sáng ngày hôm sau, ai cũng sẽ mang theo về một sự thanh thản, thỏa nguyện. Chợ hoàn toàn diễn ra trong bóng tối, không ánh đèn, nến.
Lời nói cũng chỉ thì thầm trong gió thoảng, đủ để mình và một hình bóng nào đó trong tâm tưởng nghe thấy. Khi trở về, ra đến cổng chợ, mỗi người đều chọn mua một con gà đen, người mua không mặc cả, người bán không rao bán. Họ bán và mua để cho nhau sự bình yên trong tâm hồn và giải thoát lòng mình khỏi những băn khoăn, những ân hận của những vong hồn khi còn sống trên cõi dương gian. Người ta quan niệm rằng: Mua một con gà đen về nhà, cắt tiết gà vẩy ra trước cổng nhà để vong hồn người đã mất không bị dằn vặt bởi những điều người sống chia sẻ. Mặt khác, cách làm này cũng là để bảo vệ cho người còn sống không bị quấy quả bởi những vong hồn lang bạt không người thân thích gặp ở chợ Âm Dương theo về?
Vẫn mong giữ gìn một nét văn hóa tâm linh Ông Hoàng Thanh Thủy, trưởng thôn Xuân Ổ A cho biết: "Lễ hội Âm Dương mặc dù chỉ còn trong tâm tưởng của người dân nhưng hàng năm vào ba ngày mùng 4, mùng 5, mùng 6 Tết âm lịch vẫn diễn ra các lễ hội quan trọng. Người dân ở đây có câu: Thứ nhất là chợ Âm Dương, thứ hai chợ lụa, thứ ba hội chùa. Bây giờ ở chợ Âm Dương, người ta không còn bán gà đen, không còn tìm gặp người đã mất, nhưng vào ngày này ở thôn vẫn tổ chức hát quan họ để gìn giữ một nét văn hóa tâm linh của người Việt từ lâu đời. Chúng tôi cũng mong chợ Âm Dương sẽ có ngày được phục dựng trở lại vì nó là chợ của tâm linh, chợ để làm cho tinh thần người sống được thanh thản, vơi bớt buồn đau khi mất đi người thân yêu của mình”. |
Dương Thu