Và cũng chính nơi này, nhiều câu chuyện tưởng chừng chỉ là chuyện siêu nhiên mới có vậy mà ở nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị này thì đó là những câu chuyện thiêng có thật.
Nơi ghi dấu hồn thiêng
Chiều tháng 6 ở nghĩa trang Trường Sơn, giữa một màu trắng mênh mong chừng như vô tận, từng tâm linh thanh xuân, trinh nguyên cứ dội về nghe thiêng liêng vô cùng. Từng đoàn người tấp nập trên khắp nẻo đường của đất nước đã về đây đang kính cẩn nghiêng mình, kính viếng các anh hùng liệt sĩ, trong màu trắng hoa cúc và khói hương nghi ngút giữa núi rừng của đại ngàn Trường Sơn.
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn.
Ngay chính giữa đài Tổ Quốc ghi công, chúng tôi gặp đoàn khách đến từ Hải Phòng đang nghiêm trang làm lễ dâng hương cho các anh liệt sĩ, tất cả đều không cầm được nước mắt, và phía xa ở những quả đồi của nghĩa trang từng dòng người cứ lặng lẽ thắp lên phần mộ các anh những nén hương thơm với lòng tri ân vô tận.
Trong số ấy chị Trịnh Thị Thâm (Hải Phòng) cho biết: “Là thân nhân của hai liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Tri, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, song khi đi đến các nghĩa trang ở tỉnh mình được hương khói chăm sóc hết sức chu đáo, điều đặc biệt hơn nửa bởi nghĩa trang Trường Sơn cũng là nơi có sông, có núi giao hoà như khúc nhạc hát ru giấc ngủ ngàn thu cho các anh trong lòng đất mẹ Quảng Trị”.
Không riêng gì chị Thâm, mà còn có hàng vạn người khác khi đến đây hoặc đang ở trên mọi miền đất nước luôn hướng về đây để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh thân mình cho sự nghiệp nước nhà.
Nghĩa trang Trường Sơn nằm ở dưới chân phía đông của dãy Trường Sơn, bên cạnh đường Hồ Chí Minh cách cầu Bến Tắt khoảng 400 m, được xây dựng tháng 10.1975, rộng 39,8 ha, trên khu vực đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường huyện Gio Linh nằm phía nam thượng nguồn sông Bến Hải, dòng sông với cầu Hiền Lương là chứng tích nỗi đau của đất nước bị chia cắt 2 miền ròng rã suốt 20 năm liền đánh Mỹ.
Hiện nghĩa trang là nơi yên nghỉ của 10.263 nghìn liệt sĩ của 64 tỉnh thành trong cả nước, mà phần lớn là các anh hùng liệt sĩ của đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Kể từ ngày xây dựng cho đến nay nghĩa trang Trường Sơn đã 3 lần nâng cấp và cải tạo.
Từng đoàn người thay nhau thấp hướng viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn.
Chuyện thiêng ở nghĩa trang Trường Sơn
Chúng tôi theo bác Hồ Tất Ái, trưởng ban quản trang lên trên phía đỉnh đồi để viếng hương hồn các anh. Tôi hỏi bác về những câu chuyện huyền bí, linh thiêng ở nghĩa trang mà bấy lâu nay tôi được nghe có đúng không?, bác Ái trả lời với giọng trầm: "Có chứ!".
Ngoài chuyện về 2 mạch ngước ngần tự nhiên nằm dưới chân đồi nghĩa trang, phun lên tạo thành một hồ nước trong xanh không bao giờ cạn và chuyện cây bồ đề không có người trông nhưng bỗng mọc ngay sau tượng đài, ôm lấy tượng đài che mát quanh năm đã tạo cho nghĩa trang Trường Sơn vốn trang nghiêm nay càng linh thiêng hơn. Nhưng theo bác Ái thì còn nhiều chuyện linh thiêng khác nữa.
Bác Ái từng là lính trinh sát đặc công. Đối với người chiến sĩ được rèn luyện vững vàng như bác thì chuyện sống chết, hoang đường không có gì đáng sợ. Sau mấy mươi năm được gần gủi với các anh, một kỷ niệm làm bác còn nhớ mãi.
“Đêm 14.11.2001 tôi và đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ quan lên khu nghĩa trang thắp hương, chúng tôi thấy một người ngồi bên cạnh tượng đài. Chuyện thân nhân liệt sĩ lên nghĩa trang đêm hôm khuya khoắt cũng không phải là lạ. Tôi cứ nghĩ, có lẽ khách phương xa tới muộn. Dù sao tôi cũng đánh tiếng từ xa, không thấy người đó trả lời.
Tôi ngạc nhiên quá, đến gần hơn, cách khoảng chục mét, tôi lại cất tiếng chào hỏi. Người đó vẫn im lặng. Khi chúng tôi tới gần tượng đài còn cách khoảng vài mét, người đó đi lùi ra một đoạn. Tôi đốt hương, và nói: “Chúng tôi lên đây thắp hương và có vài lời với các anh hùng liệt sĩ, anh ở đâu tới vậy?”.
Phía bên kia đáp lại: 'Tôi cũng là liệt sĩ, ở nơi khác đến đây thăm anh em. Quả thật lúc đó tôi vã mồ hôi hột, còn anh Chủ tịch công đoàn thì châm cả lửa vào tay. Cả hai quay lại thì không thấy người ấy đâu nữa”.
“Nhiều năm trước có một đoàn các Mẹ Việt Nam anh hùng ở ngoài Bắc vào thăm nghĩa trang, có một gia đình trong đoàn đi tìm mộ người thân, cả năm rồi không thấy. Hôm ấy, bác đi thắp hương ở các phần mộ, cũng là ngẫu nhiên. Bỗng thấy bác hét lên một tiếng rồi ngất đi, chúng tôi cứ tưởng bác bị cảm...
Thế nhưng khi tỉnh lại, bác bảo với chúng tôi đúng đây là phần mộ của người em mà bác đang tìm kiếm nhiều năm qua. Rồi nhiều trường hợp khác, chỉ biết con em mình hy sinh trong chiến tranh, không biết phần mộ ở đâu. Gia đình đã đi tìm nhiều năm mà không thấy. Vậy mà trong một chuyến đi cùng mấy đoàn khách thăm nghĩa trang, đốt hương xong, họ như có người cầm tay dẫn đường, đi vòng vèo tới mấy ngôi mộ ở tận xa thắp hương, nhìn lại mới biết là mộ người nhà mình”, bác Ái kể tiếp.
Anh em ở Ban quản lý nói khu ấy thiêng lắm. Ngày rằm, mùng một đến thắp hương tại đó, họ vẫn nghe thấy tiếng anh em liệt sĩ nói, cười, chào hỏi. Ở nơi linh thiêng này, lời hứa là rất quan trọng, điều gì đã hứa là phải làm.
“Một lần vào dịp cuối năm 2003, anh em ban quản lý nghĩa trang bàn nhau dự định chiều 26.12 âm lịch sẽ làm vài mâm cỗ, trước là thắp hương cúng các anh, chị, sau nữa là bữa cơm tất niên coi như động viên anh chị em trong cơ quan sau một năm làm lụng vất vả. Thế rồi nhiều đoàn lên thăm viếng, thành ra công việc bận quá, chưa tổ chức được. Đêm hôm ấy, và nhiều ngày sau, đêm nào các anh cũng gọi: 'Anh em đã hứa sao không làm?'... cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần”, bác Ái nhớ lại.
Chị Trần Thị Thê, công tác ở đây đã hơn 20 năm kể, thời kỳ đầu có hơn chục người, chủ yếu là chị em. Những ngày mới lên nghĩa trang, đêm đêm nằm nghe thấy tiếng các anh linh liệt sĩ, cười đùa, rồi đàn hát những bài ca thời xưa, chị em cũng hoảng. Hai ba người quây lại ngủ chung một giường. Rồi sáng sớm, nghe tiếng các anh tập thể dục, tiếng bước chân hành quân trong đội ngũ, tiếng hô chào cờ, tiếng hô khẩu hiệu. Các chị mới đầu rất sợ, nhưng sau nghĩ đến các liệt sĩ xả thân vì nước lại cảm thấy thương vô cùng, nên khi nào rảnh hay ngày lễ đều lên thắp hương viếng mộ.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Rừng trường Sơn đã xanh lại những cánh rừng, nơi những trận địa năm xưa giờ là làng bản đầm ấm, yên bình. Nhưng vẫn còn đó một nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trương Sơn – nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ.
Nghĩa trang Trường Sơn mãi mãi là một tượng đài thiêng liêng, bất tử, đó cũng là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Theo Tri thức thời đại