Chuyện ít biết của vị tướng không quân huyền thoại

Chuyện ít biết của vị tướng không quân huyền thoại

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

10 lần xuất kích bắn hạ 9 máy bay nhưng phải mất hơn 8 năm mới chinh phục được trái tim một người con gái.

Một vị tướng không quân Việt Nam từng nói: “Ở Việt Nam ra ngõ là gặp anh hùng, trong một đại đội không quân cũng có đến gần chục anh hùng”. Tuy nhiên, với tướng Cốc, có lẽ không quá khi nói rằng ông xứng đáng là “anh hùng của những anh hùng”. Vừa tròn 27 tuổi, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông cũng đang giữ kỷ lục Việt Nam là người bắn rơi nhiều máy bay nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Hơn 10 lần xuất kích, riêng “Chim cắt số 2” đã hạ 9 máy bay địch đồng thời hỗ trợ đồng đội bắn hạ thêm 9 chiếc nữa. Chiến tích của ông từng là nỗi khiếp đảm của các đối thủ trên bầu trời. Bản thân các cựu binh Mỹ sau này cũng phải dùng từ “thán phục” khi nói về tài năng của tướng Cốc

Thế giới - Chuyện ít biết của vị tướng không quân huyền thoại.

Tuổi thơ dữ dội và giấc mơ “người giời”

Theo chân đoàn công tác của Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi”, chúng tôi đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc khi ông đang được điều trị tích cực tại tư gia của thầy thuốc. Căn phòng ông nằm ở sâu phía trong ngôi nhà, được trang bị những dụng cụ chẳng khác gì trong bệnh viện. Bác sĩ trị liệu luôn túc trực và sẵn sàng can thiệp lúc cần thiết. Cú ngã “thập tử nhất sinh” (ngã từ cầu thang xuống) vào năm 2004, đã khiến ông bị chấn thương dây thần kinh sọ não, bị liệt toàn thân phải nằm một chỗ. Nhưng người anh hùng năm xưa vẫn chưa bao giờ tuyệt vọng. Ngày ngày ông vẫn luyện tập và lặng lẽ vượt lên dốc đứng của số phận...

Nếu không được giới thiệu từ đầu, có lẽ khách đến chơi không thể hình dung được rằng người bệnh đang ngồi xe lăn, tuổi ngoại lục tuần, phong cách bình dị, điệu cười đôn hậu này là Anh hùng, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, nguyên Tư lệnh quân chủng Không quân, nguyên Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam.

Có lẽ đã rất lâu, từ sau khi bị tai nạn, tướng Cốc mới có dịp bộc bạch nhiều về mình như vậy. Ông kể, sinh ra phải thời loạn lạc, mới 4 tuổi đã phải đón nhận tin “sốc”, cả hai người thân là bố và chú ruột đều hi sinh một lúc. Khi địch đưa quân về càn tại Bích Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) quê ông, bố và chú đã tổ chức nghi binh để đồng đội rút lui. Hai người đã cùng anh em chiến đấu ngoan cường chặn bước tiến của địch nhưng chẳng may bị bắt. Không hớt được cả mẻ lưới, địch điên cuồng đốt phá xóm làng, xâu dây thép gai vào tay 20 người rồi dong đi khắp nơi thị uy, bắt chỉ chỗ Việt Minh ẩn náu. Mọi người thà chết không chịu khai. Giặc Pháp đã thẳng tay ném 20 người xuống giếng làng, biến nơi đây thành mồ chôn tập thể.

Thế giới - Chuyện ít biết của vị tướng không quân huyền thoại (Hình 2).

Phi công Nguyễn Văn Cốc báo công với Bác Hồ

Nhắc đến chuyện xưa tướng Cốc như lặng đi, khuôn mặt trùng xuống, ẩn sâu nơi đáy mắt, hai giọt lệ rưng rưng như trực trào ra. Có lẽ đó là những ký ức đau buồn mà vị tướng lão thành này không muốn nhắc lại. “Sau khi ba và chú tôi ngã xuống, bà nội khóc thương đến mù cả hai mắt. Một năm sau bà cũng bỏ chúng tôi mà đi. Quê hương bị giặc Pháp tàn phá, nhiều lúc mẹ phải gánh hai anh em tôi chạy lên tận vùng Thái Nguyên sơ tán, rồi lại trở về xóm làng. Hồi đó tôi còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện. Hàng đêm, nằm trong vòng tay mẹ, hai anh em lại hỏi: “Bố đi đâu sao không về hả mẹ”. Mẹ tôi bảo: “Các con cứ đếm sao trên trời, khi nào đếm hết sao thì bố sẽ trở về”. Nói xong, mẹ tôi khóc nức nở. Hai anh em nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm có những vì sao lấp lánh, mỏi mắt đếm từng ngôi, đếm mãi đêm này qua đêm khác mà tin bố vẫn bặt tăm. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu được nỗi mất mát của mình”.

Theo lời kể của trung tướng Nguyễn Văn Cốc, giấc mơ chinh phục bầu trời, làm chủ những con “chim sắt” khổng lồ được nhen nhóm ngay từ khi ông còn nhỏ. Ở gần quê ông có sân bay Chũ. Ông thường say mê ngắm những chú “chim sắt” bay lượn trên bầu trời mà không biết chán. Nhìn những người lính dù, ông thầm nghĩ, không biết cảm giác được lơ lửng, làm chủ bầu trời sẽ thế nào?.

Khi ông đang là học sinh cấp 3, có đoàn bác sĩ về khám sức khỏe và tuyển chọn phi công. Chẳng do dự, biết cơ hội đã đến, ông lập tức đăng ký khám tuyển. Thật bất ngờ, ông nằm trong tốp đầu, xuất sắc vượt qua hàng trăm học sinh khác để trúng tuyển cùng với hai người nữa. Ông cười nói: “Tôi đến với phi công như một mối nhân duyên tiền định vậy!”.

Thế giới - Chuyện ít biết của vị tướng không quân huyền thoại (Hình 3).

Phi công Nguyễn Văn Cốc (ở giữa) cùng đồng đội

“Chim cắt số hai”

Theo một thống kê mới đây, trong chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ chỉ có hai phi công trở thành “Át”, là Randy “Duke” Cunningham (Hải quân Hoa Kỳ) và Steve Ritchie (Không lực Hoa Kỳ) thì Việt Nam có đến 16 phi công đạt được danh hiệu tự hào đó. Trung tướng Nguyễn Văn Cốc là “Át chủ bài” dẫn đầu, với thành tích hạ 9 máy bay Mỹ (7 máy bay và 2 chiếc “xe trên trời không người lái” Firebees). Trong số 7 chiếc của ông, có 6 chiếc được chính thức xác nhận bởi Không lực Hoa Kỳ. Còn chiếc thứ 7 nữa, F-102A của phi công Mỹ Wallace Wiggins (chết) bị hạ ngày 3/2/1968, sau này được kiểm tra chính xác bởi Không quân Việt Nam.

Theo hồi tưởng của tướng Cốc, ngày 9/6/1961, ông chính thức được nhận giấy gọi nhập ngũ. Ông được điều về huấn luyện tại Trường Dự khóa bay ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Cuối năm đó, ông sang Liên Xô học lái máy bay. “Tôi vẫn còn nhớ, lúc đầu, đoàn có 120 người. Sau khi học xong lý thuyết tại nước bạn còn đỗ lại 60 người. Tuy nhiên khi về nước chỉ còn có 23 người đủ tiêu chuẩn trở thành phi công. Tôi là một trong 17 người học lái máy bay MiG – 17”, tướng Cốc nhớ lại.

Sau khi về nước, tướng Cốc được phân công về Đại đội 1, Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ) đóng tại sân bay Nội Bài. Không lâu sau, ông lại được chọn để đi học chuyển loại máy bay MiG-21 ở Liên Xô một năm, rồi lại về đơn vị cũ chiến đấu vào đầu năm 1967. Trong đội hình biên đội MIG-21, số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp cho số 1 vào công kích. Tướng Cốc được phân công bay ở vị trí số 2 với mục đích bảo vệ cho số 1 tiêu diệt đối phương.

Sau này, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc đã cải tiến chiến thuật, cùng tham gia tiêu diệt máy bay đối phương. Do đó, hiệu suất phi đội tăng lên. Theo lời kể của ông, trước kia, do chỉ có số 1 công kích nên tối đa phi đội chỉ bắn hạ được 2 máy bay đối phương. Theo chiến thuật cải tiến, phi đội của ông có lúc bắn hạ được 3 máy bay đối phương. Để đạt được điều này, số 2 phải phán đoán và hành động chớp thời cơ rất nhanh. Do chiến thuật cải tiến này, ông được đồng đội đặt cho biệt danh “Chim cắt số 2”. Trong thành tích bắn rơi 9 máy bay Mỹ có tới 6 chiếc được ông bắn hạ ở vị trí số hai.

Thế giới - Chuyện ít biết của vị tướng không quân huyền thoại (Hình 4).

Đại diện của quỹ “mãi mãi tuổi hai mươi” đến tặng quà và động viên trung tướng Nguyễn Văn Cốc

Tướng Cốc nhớ lại, ông bắt đầu tham gia chiến đấu từ giữa năm 1966 nhưng do còn “non kinh nghiệm” nên chưa bắn rơi được máy bay địch. Bước sang năm 1967, những trận xuất quân của ông đã trở thành cơn ác mộng của kẻ thù. Sáu “pháo đài bay” từng làm mưa làm gió trên bầu trời đã bị ông tiêu diệt trong năm này. Gần 9h sáng ngày 30/4/1967, có tin địch từ hướng Sầm Nưa – Tuyên Quang - Tam Đảo vào, biên đội của ông được lệnh vào cấp 1 cất cánh chiến đấu. Hai chiếc MiG-21 xuất kích bay vút lên vùng trời Hòa Bình, Sơn La bám đuôi địch. Nguyễn Ngọc Độ ở vị trí số 1, còn ông ở vị trí số 2 bay lên độ cao khoảng 4.000m, cao hơn máy bay địch trên dưới 1.000m. Vừa nhập cuộc ông đã lập tức phát hiện 4 chiếc F105 màu đen bay theo hình thang cách nhau từ 1,5 đến 2km phía dưới, phía sau là các tốp cường kích có nhiệm vụ oanh tạc các mục tiêu. Khi cự ly còn khoảng 2km, phi công Nguyễn Ngọc Độ hô “Tốt rồi đấy, bắn đi”. Đúng lúc đó thì tên lửa ở máy bay ông cũng cho tín hiệu bắt nhiệt. Ông nhanh chóng nhấn cò, quả tên lửa phụt đi, trong tích tắc, chiếc F105 bùng cháy cùng tiếng reo của biên đội trưởng “Cháy rồi”. Cả hai nhanh chóng thoát ly, tập hợp đội hình và trở về sân bay. Đó là trận đầu tiên mở màn cho những trận đánh lập công của ông trong năm đó.

Trong hành trình làm chủ bầu trời, kỷ niệm “nhớ đời” nhất có lẽ là lần ông bị địch bắn rơi. Tướng Cốc cười hóm hỉnh: “Một lần, tôi cùng anh Phạm Thanh Ngân, cất cánh khỏi sân bay Nội Bài, vòng về phía núi Tam Đảo chiến đấu. Vừa lên được khoảng trên 1000m, ra khỏi mây, đã bị vài con F4 bám đuôi. Lúc đó, anh Ngân tỉnh táo phát hiện ra, đuổi theo bắn rơi một chiếc. Do mây mù che khuất, chưa kịp nhận diện mục tiêu tôi đã nghe thấy tiếng “uỳnh”..., một chiếc F4 của địch bắn tên lửa trúng chúng tôi. Trúng đạn quá bất ngờ, tôi bị mất điều khiển. Tuy nhiên, máy bay may mắn không bị cháy. Tôi lái vòng về phía thị trấn Kim Anh (thị xã Mê Linh, Vĩnh Phúc) thoát khỏi sự đeo bám của địch. Được một lúc thì máy bay rơi, tôi phải nhảy dù hoát thân. Đang loay hoay cuốn dù, bỗng bà con khắp vùng kéo đến hò hét “Bắt giặc lái”. Nhìn thấy tôi, một cụ già nhận ra người mình bèn chào: “Ô! Anh đấy à”. Lúc đó, tôi ngượng chín mặt. Tôi đành quay sang hối thúc: “Thôi bà con về đi, trên trời vẫn còn máy bay địch đó!”. Một lúc sau, ô tô của quân y đến đưa tôi trở về doanh trại và chuyển đến bệnh viện quân y 108. Sau này, anh Phạm Thanh Ngân gặp lại tôi có cười nói: “Tớ bắn rơi một chiếc, cậu phải nhảy dù, coi như ta với địch hòa một đều”.

“Mong có nhiều Cốc hơn nữa”

Một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời của tướng Cốc là lần được gặp Bác Hồ. Bác đến dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua của Quân chủng Phòng không-Không quân. Tướng Cốc nhớ lại, dáng Bác cao gầy, sức khỏe có vẻ không được tốt. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay và hô vang tên Bác. Bác bước vào, ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác ngồi nghe Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo. Sau khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đại hội, Bác hướng xuống hội trường bảo: “Chú Cốc đâu, lên Bác gặp”. Ông ngượng nghịu bước lên, Bác bắt tay ông và hỏi: “Chú đã bắn được mấy máy bay rồi?”. Ông trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu bắn được 9 cái ạ”. Bác lại hỏi: “Thế chú được tặng mấy huy hiệu của Bác rồi?”. “Dạ thưa Bác, 9 chiếc ạ”.

Bác cầm tay ông giơ cao và hướng xuống hội trường nói: “Năm mới, Bác chúc cho Quân chủng Phòng không – Không quân có nhiều Cốc hơn nữa”. Khoảnh khắc đáng nhớ ấy đã được phóng viên ảnh ghi lại. Bức ảnh đó đã trở thành vật kỷ niệm đáng quý nhất trong cuộc đời ông với vị lãnh tụ kính yêu, vì cuối năm đó Người ra đi mãi mãi.

Anh Đức


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.