Chuyện ít biết về 700 năm cực thịnh của Samurai

Chuyện ít biết về 700 năm cực thịnh của Samurai

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, Samurai luôn là biểu tượng đẹp tượng trưng cho xứ sở hoa anh đào. Samurai từng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và suy tàn của các triều đại Nhật hoàng thời trung cổ.

Quyền lực thực sự của Samurai

Samurai được nhiều người biết đến như những kiếm sĩ huyền thoại của Nhật Bản trong các bộ phim võ thuật. Họ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Nhật Bản suốt 1.500 năm qua. Nhiều người coi lịch sử của Nhật Bản cũng chính là lịch sử của các chiến binh Samurai. Võ sĩ Samurai là một bộ phận trong tầng lớp võ sĩ Nhật, phục vụ các tướng quân và lãnh chúa phong kiến. Nổi tiếng với tính cách can trường, trung thành và trọng danh dự, Samurai luôn là một hình ảnh đầy cao quý của những người dân xứ sở hoa anh đào.

Samurai được biết đến nhiều nhất như các chiến binh oai hùng, nhưng họ khác hẳn những chiến binh khác trên thế giới. Họ là các chiến binh được đào tạo và có kỹ năng chiến đấu điêu luyện. Samurai chỉ phục vụ một lãnh chúa hay chủ tướng duy nhất với lòng trung thành tuyệt đối. Thậm chí khi chủ chết, họ sẵn sàng mổ bụng chết cùng. Họ thuộc tầng lớp ưu tú, ở đẳng cấp cao hơn dân thường và binh lính thông thường. Cũng chính vì điều này mà các chiến binh Samurai được đào tạo rất khắt khe và xuất thân của họ cũng rất quan trọng.

Thông thường, các Samurai đều là con trai của những gia đình giàu có, thuộc tầng lớp trung lưu hoặc có chức sắc trong triều đình. Địa vị của samurai xuất phát từ sự gia tăng các gia tộc quyền lực sống xa thủ đô, nắm giữ lãnh địa rộng lớn và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hàng trăm năm. Những thành viên trong gia tộc của các vị tướng này cũng sẽ mang địa vị quý tộc.

Các Samurai không phải là các chiến binh đánh thuê như Ninja mà là thuộc hạ của các lãnh chúa, tuân theo giá trị luân lý được gọi là tư tưởng võ sĩ đạo Bushido. Tuy nhiên, tinh thần Bushido đã thay đổi rất nhiều trong suốt chiều dài lịch sử của Nhật Bản và chỉ được viết ra cho đến tận thế kỷ XVII, trong khi các Samurai đã xuất hiện trước đó hàng thế kỷ.

Cho đến nay, các nhà sử học vẫn chưa xác định được ai là Samurai đầu tiên, ai là người mở đầu cho các thế hệ Samurai sau này. Lịch sử bắt đầu để ý tới Samurai vào thế kỷ thứ X. Ban đầu, họ chỉ là lính riêng của vua và các lãnh chúa trên đất nước Phù Tang. Nhưng dần dần, Samurai đã tạo thành một thế lực mới lấn át cả triều đình. Khi Samurai đạt được quyền lực lớn, các Hoàng đế bắt đầu bị biến thành bù nhìn, mọi việc triều chính thực chất đều do bàn tay của các lãnh chúa xếp đặt.

Thế giới - Chuyện ít biết về 700 năm cực thịnh của Samurai

Các Samurai đã từng có một vị thế rất cao trong triều đình

Tầng lớp Samurai đã chi phối lịch sử Nhật Bản trong suốt gần 700 năm. Thời đại Samurai bắt đầu từ việc tướng quân Youritomo lên nắm quyền nhiếp chính. Và nó chỉ kết thúc khi Hoàng đế trẻ tuổi Meiji cùng rất nhiều Samurai cấp tiến đã quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ để đưa nước Nhật bước vào thời kỳ hiện đại. Trong 7 thế kỷ tồn tại đó, 20 phe cánh Samurai đã đẩy nước Nhật vào tình trạng như "ngồi trên đống lửa".

Tất cả mọi đau thương chỉ chấm dứt khi vị tướng tài ba Tokugawa Ieyasu đánh bại các đội quân Samurai để tái thống nhất Nhật Bản, mở ra một thời kỳ hưng thịnh. Xuất thân trong gia đình nhà binh rồi trở thành Samurai can trường nhất, Tokugawa xứng đáng là một vị vua xuất sắc của Nhật Bản thời xưa.

Triều đại Tokugawa đã chia đất nước ra làm bốn tầng lớp: Samurai, nông dân, nghệ nhân và thương gia. Samurai là tầng lớp cao quý nhất, được triều đình bao cấp toàn bộ. Nhiều người trong số họ đã trở thành những quý tộc nhàn rỗi, tách biệt khỏi tất cả những gì được coi là hạ đẳng. Trong lâu đài của mình, họ dành một phần thời gian để tổ chức tọa đàm về nghệ thuật cùng các họa sĩ, học giả, kịch tác gia. Thời gian còn lại, họ chỉ luyện chữ, cắm hoa, chơi đàn luýt và đắm mình trong tửu sắc.

Cái kết của một thời đại Samurai

Tokugawa và con cháu của ông đã cai trị Nhật Bản hòa bình trong hai thế kỷ rưỡi. Vai trò của các Samurai đã giảm dần trong giai đoạn này bởi sự đô thị hóa ở Nhật Bản và sự đi xuống của chủ nghĩa cô lập "bế quan tỏa cảng". Ngày càng có ít nông dân sản xuất lúa, trong khi dân số tăng lên cùng cuộc sống xa hoa trụy lạc của các lãnh chúa đã làm nền kinh tế Nhật Bản yếu đi. Nhiều người Nhật bao gồm cả Samurai thuộc tầng lớp thấp hơn rất bất mãn với Mạc phủ vì tình trạng đi xuống của đất nước.

Vào năm 1853, một số con tàu của Hoa Kỳ cập bến vịnh Edo. Trưởng đoàn đã trao một bức thông điệp từ Tổng thống Millard Fillmore đến Thiên Hoàng, khi đó tồn tại như bù nhìn. Tổng thống Fillmore bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ thương mại với Nhật Bản. Sau sự kiện đó, một sự chia rẽ lớn đã xảy ra ở Nhật Bản. Nhật Hoàng và các Samurai muốn từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ, duy trì chủ nghĩa biệt lập, duy trì truyền thống họ.

Trong khi đó, Mạc Phủ (chính quyền của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản) lại muốn Nhật Bản thay đổi, hòa nhập cùng người phương Tây để hiểu biết thêm về Hoa Kỳ, một cường quốc của thế giới. Cuối cùng, Mạc phủ đã quyết định mở cửa Nhật Bản, bất chấp việc Nhật Hoàng từ chối ký hiệp ước. Một vài nhóm Samurai đã nổi loạn hỗ trợ Nhật Hoàng duy trì một Nhật Bản truyền thống và bắt đầu một cuộc nội chiến chống lại Mạc phủ. Không ngờ, họ đã thành công, kết thúc thời kỳ Tokugawa và khôi phục lại quyền lực thực sự của Nhật Hoàng. Điều này đồng nghĩa với việc tầng lớp Samurai mất đi vị trí lãnh đạo, không còn quyền kiểm soát Chính phủ như trước nữa.

Năm 1876, sau khi nắm quyền cai trị, Chính phủ Meiji mới đã quyết định xóa bỏ giai cấp phong kiến, tịch thu lâu đài, chấm dứt trợ cấp. Quyền lực của các lãnh chúa cũng mất khi Chính phủ tịch thu đất đai của họ. Chính phủ đã quyết định trả tiền cho họ với trái phiếu dựa theo đẳng cấp. Samurai bắt đầu phải đối mặt với thiếu thốn, điều họ chưa từng bao giờ nghĩ đến. Việc này ảnh hưởng đến cả Samurai có đẳng cấp cao hay thấp. Họ sẽ phải tự lao động để nuôi mình, không còn được Chính phủ bao cấp toàn bộ nữa. Nhiều Samurai đã trở lại làm nông dân hoặc nông dân ở các thành phố. Từ đó, các Samurai không còn có vị thế nào nữa ở Nhật Bản.

Hơn nữa, Thiên Hoàng còn cấm các Samurai đeo gươm (niềm tự hào của các Samurai), dẫn đến việc chấm dứt một thời kỳ Samurai hùng mạnh. Mặc dù có một số cuộc nổi loạn của các Samurai ở một số tỉnh nhỏ, nhưng rồi cuối cùng, họ cũng đảm nhiệm vai trò mới trong xã hội Nhật Bản, khi mà xứ sở Hoa anh đào chuyển sang thời đại công nghiệp. Rất nhiều Samurai nghèo khổ đã phải làm viên chức, võ sư, cảnh sát, kế toán. Để có thêm thu nhập, họ sẵn sàng làm cả những việc chân tay như sản xuất ô, chuồng chim hay đồ gia dụng.

Bộ phim "Samurai một thời" của đạo diễn Yoji Yamada đã phản ảnh rất rõ nét thời kỳ đi xuống của Samurai. Họ đã phải vất vả bươn chải vì cuộc sống. đạo diễn Yoji nói: "Các bộ phim cường điệu về anh hùng Samurai đã làm tôi chán ngấy. Tôi muốn mọi người biết rằng, các Samurai khi không còn chỗ đứng, họ đã phải chịu rất nhiều khó khăn, có người còn bị chết đói. Nhân vật chính trong bộ phim của tôi thậm chí đã bán cả thanh gươm, vật báu của các Samurai để chi trả cho đám ma của vợ. Tuy nhiên, các Samurai vẫn là các anh hùng trong lòng người Nhật Bản".

Tinh thần võ sĩ đạo là tôn chỉ của Samurai

Cuộc sống của Samurai tuân theo tinh thần võ sĩ đạo, một hệ thống luân lý đề cao danh dự. Mỗi Samurai đều có sẵn trong dòng máu của mình tính quân tử và tinh thần thượng võ. Danh dự của một Samurai được tính bằng số chiến lợi phẩm thu được sau trận chiến. Khi một trận đấu kết thúc, các chiến binh Samurai sẽ xưng công bằng thủ cấp của kẻ thù. Và họ sẽ được thưởng lại vàng, bạc, đất đai chiến lợi phẩm hay chức tước, bổng lộc. Công càng lớn càng được hưởng nhiều và danh dự sẽ càng tăng. Samurai thua cuộc cũng có cách riêng để giữ danh dự của mình. Đó là seppuku - mổ bụng tự sát để xóa đi nỗi nhục chiến bại. Cách trừng phạt này đau đớn đến nỗi dần dần các Samurai phải tìm cho mình một cái chết êm ái và nhanh hơn như hình thức chém đầu. Mặc dù các Samurai không còn tồn tại, nhưng tinh thần coi trọng danh dự và kỷ luật của họ vẫn phổ biến trong xã hội Nhật hiện đại. Từ các phi công cảm tử của Nhật Bản trong Thế chiến II, võ sĩ và thậm chí cả doanh nhân hiện đại luôn coi tinh thần võ sĩ đạo của Samurai như một kim chỉ nam trong cuộc sống, hình ảnh Samurai vẫn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Nhật ngày nay.

An Mai


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.