Bộ phim Hoàn Châu cách cách phát sóng từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi của khán giả.
Phần một của phim ra mắt lần đầu vào tháng 4/1998 tại Đài Loan, đến tháng 10/1998 chiếu trên đài Hồ Nam thu được mức rating trung bình 47%, cao nhất là 62,8%.
Vì sự bùng nổ của phần một, nữ sĩ Quỳnh Dao ngay lập tức thực hiện phần 2. Khi chiếu, tác phẩm đạt rating trung bình 54%, cao nhất 65,95%, trở thành bộ phim có lượng người xem cao nhất trong lịch sử phim truyền hình Trung Quốc.
Phần hai của Hoàn Châu cách cách có kinh phí dồi dào hơn nhờ thành công vang dội của phần một. Theo nhà sản xuất, cảnh quay tốn kém nhất là cảnh công chúa Hàm Hương múa gọi bướm, mỗi giây tốn tới 30.000 Đài tệ (hơn 1.000 USD). Cảnh quay chỉ khoảng 10 phút nhưng đã có chi phí lên tới 18 triệu Đài tệ, hơn 600.000 USD (khoảng 14 tỷ đồng).
Có thể nói ở thời điểm những năm 2000 khi công nghệ đồ họa chưa thực sự phát triển, khó có phân đoạn truyền hình nào được chăm chút kỹ lưỡng đến như vậy.
Có người từng đưa ra ý kiến nên đơn giản hóa cảnh quay bằng việc vẽ một vài con bướm và ong đơn giản nhưng Quỳnh Dao không đồng ý, thậm chí sẵn sàng cắt bỏ các cảnh không cần thiết để hiện thực hóa cảnh nàng công chúa múa gọi bướm.
Nhờ vậy cho đến hiện tại nhiều khán giả khi xem lại bộ phim vẫn cảm thấy cảnh quay trong phim rất tinh tế, không hề mang lại cảm giác giả tạo. Nhiều ý kiến cho rằng khi so sánh với phiên bản Hoàn Châu cách cách sản xuất năm 2011 thì những cảnh này còn thu hút hơn.
Ra mắt lần đầu năm 1998, Hoàn Châu cách cách đã tạo nên cơn sốt khắp châu Á nhờ nội dung mới lạ, dàn sao trẻ đẹp. Tác phẩm xoay quanh Tiểu Yến Tử (Triệu Vy đóng) - cô gái biểu diễn võ nghệ đường phố - trở thành công chúa giả trong cung đình nhà Thanh. Nàng tìm cách đưa công chúa thật - Hạ Tử Vy (Lâm Tâm Như đóng) vào cung. Cùng người hầu Kim Tỏa (Phạm Băng Băng), Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vy, trải qua hoạn nạn, đấu tranh cho tình bạn, tình yêu.
Đạo diễn Tôn Thụ Bồi và biên kịch Quỳnh Dao đều yêu cầu cao, chấp nhận bỏ thêm kinh phí để có những cảnh hoàn hảo nhất. Phim có đoạn Tiểu Yến Tử ăn trộm ở vườn hồng chín, nhưng ở Bắc Kinh, nông dân thường hái khi quả còn xanh để ủ chín đem bán, không ai để hồng chín vàng trên cây mới hái.
Nhân viên đạo cụ thuyết phục đạo diễn quay khi quả hồng còn xanh nhưng ông không đồng ý vì cho rằng lên hình không đẹp. Vậy là ê-kíp quyết định chi tiền bao toàn bộ vườn hồng. Khi hồng chín, chủ vườn gọi điện báo ê-kíp tới ghi hình.
Theo Quỳnh Dao, những cảnh quay với động vật khiến đoàn phim vất vả nhất, vì không ai kiểm soát được chúng. Bà vẫn sợ khi nhớ lần quay với chó lai sói (lang cẩu) trên sa mạc. Kịch bản yêu cầu Hàm Hương và người tình Mông Đan chạy trốn, bị lang cẩu đuổi theo.
Lo ngại chó cắn người lạ, chủ chó kiêm luôn người đóng thế cho Mâu Phượng Bân (Mông Đan). Nhà quay phim theo sát ghi hình đàn chó chạy trên sa mạc, bỗng vài giây sau, trước mắt ông chỉ một màu đen. Hóa ra một con chó chạy về phía máy quay, há mồm ngoạm ống kính đắt đỏ mà ê-kíp mới sắm. Ông phải giành lại dụng cụ quay phim với lang cẩu.
Theo The Paper, ngoài vai trò biên kịch, Quỳnh Dao còn đầu tư, tham gia sản xuất bộ phim. Bà lên kịch bản chi tiết, đề nghị đạo diễn và diễn viên không chỉnh sửa câu chữ của bà. Tài tử Châu Kiệt từng tiết lộ chỉ một từ thay đổi so với kịch bản, anh và Quỳnh Dao phải thảo luận cả ngày.
Minh Hoa (t/h)