Trộm mộ là hành vi của những kẻ tiến vào phần mộ người quá cố và xâm phạm di vật của người quá cố. Tại Trung Hoa, trộm mộ đã trở thành một vấn nạn có nguồn gốc lâu đời.
Theo các nhà nghiên cứu, trộm mộ là hiện tượng xuất hiện gần như đồng thời với sự nảy sinh của văn hóa mộ táng tại Trung Hoa. Từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc, trong nhân gian đã có chuyện trộm mộ. Ở vào thời kỳ nhà Hán, hậu táng ngày càng phát triển với những ngôi mộ bề thế, quy mô và nhiều của cải.
Ngay cả khi triều đại này rơi vào cảnh suy tàn, những kẻ trộm mộ thậm chí còn được nước hoành hành.
Và ít ai biết rằng, Tào Tháo nhân vật nổi tiếng thời Tam quốc cũng là một trong số những kẻ trộm mộ. Năm xưa khi Tào Tháo và Viên Thiệu quyết chiến, đại tài tử đương thời là Trần Lâm từng giúp họ Viên thảo ra một trang "Vi Viên Thiệu hịch Dự Châu".
Trong áng văn này, Trần Lâm đã chỉ ra không ít tội trạng của Tào Tháo. Trong số đó có bao gồm cả tội trộm mộ - hành vi bị xếp vào dạng tồi tệ nhất thời bấy giờ.
Hơn nữa, trang hịch văn nói trên thậm chí còn không ngần ngại chỉ rõ các thủ đoạn đạo mộ tinh vi do thủ hạ của Tào Tháo làm nên.
Trên thực tế, năm xưa Tào Tháo vì quanh năm xuất chinh nên không có thời gian chú trọng phát triển kinh tế.
Trong khi đó, việc cung ứng cho đại quân cần một số lượng không nhỏ lương thực. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai, lương thực thời bấy giờ dần trở nên khan hiếm.
Do đó, ông đã tìm ra một cách để làm giàu nhanh chóng nhằm giảm đi gánh nặng tài chính và giải quyết vấn đề nuôi quân vào thời điểm bấy giờ. Đó chính là trộm mộ để đem bảo vật đổi lấy tiền bạc.
Trong số những phi vụ đạo mộ của mình, ngôi mộ từng giúp Tào Tháo vớ bẫm hơn cả lại là nơi an nghỉ của một nhân vật nổi danh thuộc hoàng tộc nhà Hán. Đó chính là Lương Hiếu vương Lưu Vũ.
Lưu Vũ (184 TCN – 144 TCN), là tông thất và một phiên vương nhà Hán. Ông từng tham gia dẹp loạn 7 nước, tranh chấp ngôi thái tử, đồng thời cũng là chư hầu có thế lực nhất đương thời và sở hữu đãi ngộ, quyền uy không khác gì thiên tử.
Về của cải của vị phiên vương này, sử liệu ghi rằng năm xưa sau khi dẹp loạn 7 nước, ông đã được tăng thêm phong ấp, sở hữu tổng cộng hơn 40 thành trì và trở thành chư hầu có lãnh thổ lớn nhất lúc đó.
Sử cũ còn ghi lại, năm xưa Lưu Vũ ở nước Lương từng ở trong tòa cung điện có tổng quy mô trải dài tới 30 dặm. Chưa dừng lại ở đó, tương truyền rằng chỉ riêng số tiền cất giữ trong kho ở đất phong của ông đã có thể lên tới con số cả ngàn tỷ.
Theo lời thuộc hạ của Lưu Vũ thì dạ hồ (dụng cụ dành cho nam giới đi tiểu vào buổi đêm) của ông cũng phải mời nghệ nhân nổi tiếng làm ra, và phải dùng loại vàng thượng hạng nhất làm nguyên liệu, bát đũa hay chuỗi rèm trong phòng ngủ cũng phải được làm từ loại ngọc đắt đỏ nhất, vợ của ông cũng dùng cây trâm phượng hoàng quý giá, hình phượng hoàng trên cây trâm sống động như thật, chỉ một cây trâm thôi cũng có thể đổi lấy được cả một thành trì của quốc gia khác.
Vừa có tiền vừa có thế, nhưng Lưu Vũ khi về già vẫn không hài lòng, vì muốn tranh đoạt hoàng vị với Hán Cảnh đế mà cuối cùng thất bại rồi buồn bực đến chết.
Hán Cảnh đế nể tình những công lao mà Lưu Vũ đóng góp khi còn sống nên đã chiếu theo quy mô xây mộ cho hoàng đế mà xây cho Lưu Vũ một lăng mộ, gọi là Lương Hiếu vương lăng. Hán Cảnh đế vì không có hứng thú với khối gia tài khổng lồ của Lưu Vũ mà đã đem tất cả tài sản bồi táng theo ông.
Thiết nghĩ thân là một nhân vật nức tiếng trong hoàng tộc thời nhà Hán, lăng mộ của Lưu Vũ ít nhiều cũng có thể trụ vững cho tới khi triều đại này bị thay đổi.
Thế nhưng sự thực là ngay cả khi nhà Hán còn làm chủ Trung Hoa dù chỉ trên danh nghĩa, nơi an nghỉ của ông đã bị một kẻ mang danh thần tử của triều đình "khoắng sạch". Và kẻ đó không phải ai khác ngoài Tào Tháo.
Từ đó có thể thấy, Tào Tháo không chỉ nhằm vào mộ cổ của người xưa mà ngay tới lăng mộ của hoàng gia đương triều cũng chẳng hề kiêng kỵ hay nể mặt.
Theo Thủy kinh chú sơ ghi lại, Tào Tháo năm ấy khi phát hiện ra mộ Lưu Vũ đã cho binh đoàn của mình vào phá quan tài, số tài vật thu về lên tới cả mấy chục ngàn cân.
Cũng nhờ lần phát tài ấy, Tào Tháo mới có thể vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn đỉnh điểm về kinh tế lúc bấy giờ.
Thậm chí có giai thoại còn truyền lại rằng, phi vụ trộm mộ của vương gia nhà Hán mà Tào Tháo thực hiện trót lọt năm ấy đã đem tới cho ông số tiền tài kếch xù tới nỗi đủ để cấp dưỡng cho toàn bộ đại quân trong vòng 3 năm mà không cần phải lo nghĩ, từ đó có thêm chỗ dựa để xưng bá một phương.
Cho tới ngày nay, lăng của Lương Hiếu vương Lưu Vũ thực sự chôn giấu bao nhiêu tài sản vẫn không có cách nào kiểm chứng.
Chỉ có điều nhìn vào địa vị và tài lực của ông lúc sinh thời cũng đủ biết rằng bên trong nơi an nghỉ của vị chư hầu ấy chắc chắn ẩn chứa một kho báu với giá trị mà ít ai có thể tưởng tượng nổi.
Quốc Tiệp (t/h)