Theo một trinh sát, hình xăm con hổ ở chân trái của các đối tượng chủ chốt, chủ mưu trong đường dây ma túy xuyên quốc gia là để nhận biết của một tổ chức các ‘ông trùm’ ma túy người Đài Loan – Trung Quốc.
Những đối tượng tham gia vào đường dây ma túy do các ‘ông trùm’ ngoại quốc này điều hành, thường sẽ được xăm hình con hổ ở chân trái.
Trước đó, ngày 11/5, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 – Bộ Công an) phối hợp với Cục Hải quan TPHCM và các đơn vị triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy (ketamine) có số lượng lớn nhất từ trước đến nay về Việt Nam. Số ma túy có giá trị ước tính lên đến gần 500 tỷ đồng. Đường dây do đối tượng người Đài Loan – Trung Quốc cầm đầu.
Theo lãnh đạo cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (bộ Công an), để triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia này, trinh sát đã phải phải mất hơn một năm lăn lộn, lần theo dấu vết của các đối tượng.
Quá trình thu thập tài liệu, lực lượng chức năng đã gặp phải vô vàn khó khăn. Các đối tượng trong đường dây có rất nhiều kinh nghiệm, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng.
Trong đó, khi liên lạc với nhau, “ông trùm” và đám “chân rết” thường sử dụng công nghệ cao hoặc thông qua ngôn ngữ “ám hiệu” để ngầm trao đổi. Bọn chúng cũng thường xuyên thay đổi nhà xưởng, chỗ ở để tránh bị chú ý, phát hiện.
Cách thức hoạt động của chúng là đưa ma túy lên xe ô tô, giả như xe giao hàng cho các siêu thị, rồi để “hàng” ở đó và có đối tượng khác tới đem đi.
Các nhà kho bọn chúng lựa chọn thuê cũng là nơi kín đáo, được che chắn kỹ càng, rồi cho lắp camera xung quanh để theo dõi, người ngoài khó có thể thâm nhập được.
Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây ma túy này hết sức tinh vi.
“Các đối tượng đưa ma túy lên xe giao hàng, giả như xe giao hàng cho siêu thị, dừng gần siêu thị để từ đó đồng bọn đến lái xe, mang ma túy đi tiếp”, thiếu tướng Các nói và cho biết thêm, bằng thủ đoạn này mà các đối tượng đã vận chuyển hơn 500kg ma túy qua quảng đường dài gần 2000km.
Ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Đội kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan TPHCM) cho biết, các đối tượng liên lạc với nhau bằng những thiết bị hết sức hiện đại như qua các thiết bị vệ tinh. Thường xuyên thay đổi kho chứa ma túy khiến việc đeo bám theo dõi của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Theo ông Nam, sau nhiều vụ án ma túy bị triệt phá, các đối tượng ma túy đã chuyển sang hình thức vận chuyển chất lỏng, giấu vào các loại máy móc để qua mặt cơ quan chức năng. Từ đó, số ma túy tập kết tại TPHCM và được đưa đi xuất lậu qua nước thứ 3 theo ý đồ của các đối tượng.
Ngoài ra, các “mắt xích” quan trọng trong đường dây ma túy cũng ít khi xuất hiện và không giao du với mọi người xung quanh nên không ai biết chúng kinh doanh thứ gì và quy luật hoạt động ra sao.
Thậm chí, có thời điểm, “mắt xích” quan trọng bỗng dưng “biến mất” một thời gian rồi sau đó mới xuất hiện trở lại khiến việc lần theo dấu vết của chúng gặp rất nhiều khó khăn…
Khi triệt phá chuyên án này, mệnh lệnh đặt ra đối với các thành viên tham gia chuyên án là phải tuyệt đối bí mật, bất ngờ và an toàn. Có những lúc liên tiếp nhiều ngày đêm, các trinh sát ma túy và lực lượng nghiệp vụ của hải quan đã quên ăn, quên ngủ để lần theo dấu vết của các “mắt xích” quan trọng trong đường dây ma túy nói trên.
Lãnh đạo bộ Công an, lãnh đạo tổng cục Hải quan cũng thường xuyên sát sao chỉ đạo. Trực tiếp Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã cùng cán bộ trong ban chuyên án phân tích, đánh giá tình hình, vạch ra các phương án, lộ trình để triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia nói trên.
Cho đến ngày 10/5, nguồn tin từ quần chúng nhân dân báo về, cho thấy việc các nghi phạm thuê hàn gia cố 6 trục ru-lô của 3 máy ép bao bì tại kho hàng “bí mật” tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Kết hợp với các tài liệu khác thu thập được, ban chuyên án quyết định “cất mẻ lưới lớn” vào ngày 11/5.
Theo đó, khoảng 16h ngày 11/5, hàng trăm cảnh sát đã bao vây, đột kích vào 1 kho hàng nằm ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 500kg ketamin (ma túy tổng hợp), 4 máy ép bao bì, nhiều ô tô các loại...
Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra đã bắt giữ các đối tượng gồm: Liu Ming Yang (34 tuổi, người Đài Loan - Trung Quốc); Jhu Minh Jyun (32 tuổi, người Đài Loan); Nguyễn Thị Thu Vân (36 tuổi, người Đài Loan, trú tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) và Tô Gia Mỹ (33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, trú tại quận 5, TP.HCM).
Trong đó, bước đầu xác định, Liu Ming Yang có vai trò chủ mưu, điều hành các đối tượng khác.
Theo thiếu tướng Phạm Văn Các, ketamine là ma túy có giá trị cao hơn rất nhiều so với ma túy đá. Ví dụ 1kg ma túy đá khoảng 200 triệu thì 1kg ketamine gần 1 tỷ đồng. Đây là giá trị thị trường trong nước, nếu được xuất sang nước thứ 3 tiêu thụ thì giá trị tăng lên rất nhiều.
Minh Anh (tổng hợp)