Thế nhưng, ở độ tuổi chín muồi nhất của nghề nghiệp, người được mệnh danh là "khắc tinh của mọi loại tội phạm" đã ra đi mãi mãi để lại trong lòng người dân TP.HCM nỗi tiếc thương vô hạn.
32 năm trong nghề, là 32 năm đại tá công an Lý Đại Bàng lập nên những kỳ tích, chiến công vang dội, có ý nghĩa tiên phong trên mặt trận phòng chống tội phạm hình sự. Nhiều đồng đội, đồng chí của đại tá Lý Đại Bàng tâm sự: "Lý Đại Bàng gần như sinh ra để hóa giải cái khó, cái mới. Ở vị trí mới, công việc mới, khó khăn mới, Lý Đại Bàng đều là người tiên phong và trở thành tấm gương cho những thế hệ kế cận".
Đại Bàng săn bắt cướp
Huyền thoại săn bắt cướp Lý Đại Bàng (1960-2010) lớn lên trên mảnh đất thép Củ Chi trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tuổi thơ nhọc nhằn của anh gắn liền với người mẹ hiền từ hay đau ốm. Ngay từ nhỏ, Lý Đại Bàng đã thể hiện sự dũng cảm, kiên cường với ý thức tự thân vươn lên vượt qua mọi gian khó.
Bà Lê Thị Muôn (89 tuổi, ngụ khu phố 2, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi), thân mẫu của đại tá Lý Đại Bàng nhớ lại: "Nhà nghèo, tôi không có tiền cho nó khi đi học. Vậy mà nhiều lần vô tình lục trong túi xách của nó, tôi thấy có rất nhiều viết và chỉ. Hỏi thì nó bảo là nó lên lớp vận động kín các bạn quyên góp các vật dụng cần thiết cho các anh bộ đội sử dụng. Thời đó, giặc lục xét gắt gao thế mà nó nghĩ và làm được như vậy tôi vừa mừng vừa lo".
Ở trường hay ở nhà, bạn bè đồng trang lứa, những người lớn tuổi không chỉ khâm phục cậu bé nhà nghèo học giỏi mà còn nể trọng sức sống mãnh liệt và ý thức tự thân vươn lên của Bàng. Chị Lý Thị Đồng, người chị thứ Năm của anh kể: "Hồi còn nhỏ, Bàng đã dám khẳng định với đứa bạn: "Học thế này tự tao vượt lên chứ không ai có thể đỡ tao lên được". Đó cũng là phương châm sống suốt đời của nó. Em tôi ít nói lắm nhưng nói câu nào như đinh đóng cột. Nó được đồng nghiệp thương yêu, bà con lối xóm quý trọng cũng từ nỗ lực vượt khó của nó".
Tháng 11/1977, 17 tuổi, Lý Đại Bàng gia nhập lực lượng cảnh sát. Giai đoạn này, anh cảnh sát khu vực trẻ tuổi đã tự khẳng định sự gan dạ, mưu trí của mình một cách khiêm nhường nhưng thuyết phục. Tháng 5/1978, anh được cấp trên điều sang cảnh sát hình sự và làm trinh sát trong đội Săn bắt cướp (SBC) công an quận 5.
Chân dung AHLLVTND Lý Đại Bàng.
Kể lại chuyện này, trung tá Nguyễn Hữu Toàn (Phó đội trưởng Đội 3, PC 17 công an TP.HCM), người đồng nghiệp, đồng chí gần gũi với Lý Đại Bàng hơn 20 năm qua, cho biết: "Những năm 78-80, tình hình cướp giật trên địa bàn TP.HCM diễn biến hết sức phức tạp, bọn tội phạm rất liều lĩnh và táo tợn, đặc biệt ở quận 5. Vì lẽ đó, công an quận 5 đã nghĩ ra mô hình SBC để thực hiện trinh sát và đeo bám địa phương kịp thời ngăn chặn các vụ cướp giật ở địa bàn. Tôi cùng anh Bàng đều tham gia lực lượng này từ những ngày đầu tiên, cùng nhau lập nên nhiều chiến công, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân".
Kể từ ngày ấy, hình ảnh anh trinh sát trẻ cùng chiếc xe 67 rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để truy bắt tội phạm trở nên quen thuộc với người dân TP.HCM. Nhiều đối tượng giang hồ khét tiếng đã phải khuất phục huyền thoại SBC Lý Đại Bàng như Nguyễn "tàn bạo", Tuấn "Côn Đảo", Hoàng "Cần Thơ", Sinh "Phú Nhuận"...
Đồng đội, đồng chí của anh vẫn nhớ lần truy bắt 2 tên đàn em của tên cướp khét tiếng Nguyễn "tàn bạo". Lần ấy, Lý Đại Bàng đã cùng đồng đội trinh sát trên khắp nẻo đường nắm bắt mọi hoạt động và phục kích sẵn để tóm gọn 2 tên cướp.
Trước đó, Nguyễn "tàn bạo" đã bị các trinh sát và nhân dân tổ 43-44 đánh chết khi đang thực hiện vụ cướp đồng hồ và nhẫn vàng tại đường Nguyễn Công Trừng quận 5. Khi ấy, trinh sát thu giữ được 2 khẩu súng nhưng để 2 tên đàn em của Nguyễn là Chính và Thắng trốn thoát. Hai tên này nổi tiếng từ trước giải phóng với biệt tài bắn súng và đi xe máy siêu đẳng, nên việc đuổi bắt được xem như nhiệm vụ bất khả thi.
Thế nhưng, không ai ngờ đội SBC của Lý Đại Bàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tóm gọn 2 tên cướp sừng sỏ. Một ngày trong năm 1984, Lý Đại Bàng cùng đồng đội mai phục gần chợ Tân Thành, anh phát hiện 2 tên Chính và Thắng giật giỏ xách của một phụ nữ đi đường rồi phóng xe như bay. Không chần chừ, Lý Đại Bàng tăng tốc bám theo hai tên cướp.
Đến ngang tầm xe chúng, anh buông tay lái, nhún người phóng sang ôm chặt tên ngồi sau quật xuống đường, đá bay khẩu súng hắn vừa móc ra từ bụng. Tuy bị bắn vào chân nhưng tên Chính vẫn phóng xe bạt mạng hòng tẩu thoát. Giao tên Thắng cho đồng đội xong, Lý Đại Bàng lập tức lần theo dấu máu tên cướp liều lĩnh. Khi Chính vừa leo lên một chiếc xích lô, thì chiếc xe 67 của Lý Đại Bàng cũng vừa trờ tới. Không chần chừ, anh phi thân ngoạn mục đoạt trái lựu đạn tên cướp đang định rút chốt và nhanh chóng khóa chặt bàn tay đã chạm khẩu rulo của hắn.
Không chỉ nổi danh là một chiến sĩ cảnh sát mưu trí, Lý Đại Bàng còn không ít lần trở thành diễn viên bất đắc dĩ của những thước phim hình sự sống động. Trung tá Nguyễn Hữu Toàn tự hào chia sẻ: "Khoảng thời gian anh Bàng tham gia quản lý địa bàn quận 5, ngay cả giới giang hồ quận 8 còn ngán ngẩm kháo nhau: "Đi đâu chứ qua quận 5 ngán lắm”.
Ngay cả tên cướp Huỳnh Tấn Công khi bị bắt vào buồng tạm giữ còn công nhận anh vô cùng mưu trí. Hắn khẳng định: "May mắn cho ông Bàng bắt tôi vào lúc sáng, nếu đêm mà ông mò vào nhà tôi thì khó mà về". Trước đó, qua xác minh điều tra, Lý Đại Bàng nắm được tên Công đang lẩn trốn ở nhà bạn gái nên nhanh chóng tấn công, bắt giữ hắn vào lúc 3h chiều để hắn không thể mượn bóng đêm mà tẩu thoát".
Lý Đại Bàng đã từng đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau như Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự quận 5, Đội trưởng đội SBC... Và ở vị trí nào, anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng, đồng đội đồng chí yêu thương.
Khắc tinh của tội phạm ma túy
Chúng tôi rất tâm đắc với nhận xét của trung tá Nguyễn Hữu Toàn về người đồng đội mẫu mực Lý Đại Bàng: "Lịch sử luôn đặt vào tay đồng chí Bàng những trọng trách đặc biệt, những nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa tiên phong. Với trí tuệ tuyệt vời, biết thu phục nhân tâm, dụng binh đúng cách, lĩnh vực nào khó khăn, đến tay Lý Đại Bàng đều đâu vào đó. Nhân dân cùng các chiến sĩ công an sẵn sàng cung cấp thông tin tội phạm và chiến đấu chỉ vì sự yêu mến và cảm mộ tài năng của anh ấy".
Khi nạn cướp giật lộng hành, Lý Đại Bàng trở thành cánh chim đầu đàn của đội SBC, và lúc đảm nhận vị trí Phó trưởng công an quận 5 năm 2000, dưới sự chỉ đạo của anh, công an quận 5 là đơn vị đầu tiên khám phá thành công các chuyên án ma túy tổng hợp.
Chuyên án tháng 3/2001 do Lý Đại Bàng chỉ đạo thành công, bắt Việt kiều Jonh Nguyễn thu giữ 1.222 viên Ecstasy (ma túy tổng hợp) và một máy bào chế ma túy tổng hợp, số tang vật lớn nhất vào thời điểm ấy. Hiện, chiếc máy này vẫn đang được sử dụng để giảng dạy cho các chiến sĩ ở công an thành phố, là niềm tự hào cho những ai từng tham gia chuyên án ma túy do Lý Đại Bàng chỉ đạo.
Tháng 6/2001, Lý Đại Bàng được điều động về làm Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC17 - công an TP.HCM). Tại đây, anh được phân công làm Trưởng ban 5 chuyên án và Phó ban thường trực 12 chuyên án lớn cấp thành phố. Trong đó, không thể không kể đến chiến công lẫy lừng đập tan "tập đoàn ma túy" của Hải “luận”, Hạnh “cầm”, Lệ “mập”, Dũng “lừng” năm 2003, bắt 29 tên, thu giữ và kê biên số tài sản bất chính của các đối tượng lên đến 16 tỷ đồng.
Lý Đại Bàng từng ăn sương nằm gió, nhiều ngày ăn chuối rừng trừ cơm để cùng đi trinh sát với thuộc cấp. Anh từng đem cầm chiếc nhẫn cưới để có tiền cho anh em, đồng đội mua tạm đồ dùng, ăn uống đảm bảo sức khỏe đeo bám theo đối tượng tình nghi. Ở cương vị lãnh đạo, anh không bao giờ ngồi một chỗ nghe báo cáo mà luôn trực tiếp đi kiểm tra thực tế.
Tối 27/3/2003, Lý Đại Bàng cùng Đội trưởng Đội 3 Nguyễn Hữu Toàn và 5 trinh sát bám theo chiếc Toyota Camry của đối tượng từ Long Khánh qua ngã ba Sông Trầu về căn nhà hoang ở ấp Tây Lạc, xã Bắc Sơn, huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Dưới cơn mưa tầm tã, các anh phát hiện có ba xe du lịch đậu sát nhau và khoảng bảy, tám người chuyển hàng từ xe này sang xe khác. Biết chắc bọn chúng đang giao nhận heroin với số lượng lớn, Đội trưởng Toàn thấy ngon ăn xin lệnh bắt quả tang nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của chỉ huy Lý Đại Bàng. Đến đêm 20/8/2003, Lý Đại Bàng và lực lượng trinh sát phải chốt chặn, ăn ngủ vật vờ ngoài đường ở Long Hồ, Vĩnh Long, chờ thời cơ tóm gọn Lệ “mập”, Hải “luận”.
Vừa đưa hai tên này về thành phố, ngay trong đêm, anh được lệnh dẫn một cánh quân lên Long Khánh triển khai phương án bao vậy, bắt được Hạnh cầm và 4 đàn em rạng sáng 22/8. Nếu như tối 27/3, anh cho phép tấn công thì khó có thể tháo gỡ hết toàn bộ đường dây ma túy lớn này.
Những chuyên án như trên đã là chuyện thường ngày của PC17 nói chung và Lý Đại Bàng nói riêng. Thế nhưng, ở độ tuổi chín muồi nhất của nghề nghiệp, người được mệnh danh là "khắc tinh của mọi loại tội phạm" đã ra đi mãi mãi để lại trong lòng người dân TP.HCM nỗi tiếc thương vô hạn. Và góc khuất phía sau cuộc đời đã trở thành huyền thoại của anh vẫn còn nhiều ẩn số.
Anh hung trấn áp tội phạm Dũng cảm và giỏi võ nghệ, Lý Đại Bàng nhanh chóng nổi lên như một anh hùng trấn áp tội phạm. 24 tuổi, anh nắm giữ vị trí Đội trưởng đội SBC, trực tiếp phá gần 200 vụ án hình sự, phá vỡ trên 300 băng đảng, một mình khuất phục hơn 400 tên cướp tàn bạo và kết hợp với đồng đội tóm gọn hơn 250 tên cướp khác. |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn
Kỳ 2: Lý Đại Bàng trong kí ức của những người thân