Dương Đông vừa là thị trấn vừa là thủ phủ của Phú Quốc. Từ đây, chúng tôi băng đường rừng khoảng 30km thì tới xã Bãi Thơm (huyện Phú Quốc). Trái ngược với thị trấn Dương Đông sầm uất, xe cộ đông đúc thì con đường đến Bãi Thơm cực kỳ vắng vẻ, nhất là quãng đường rừng, hai bên cây cối um tùm, không khí mát mẻ. Thật là tuyệt vời.
Phong, người làm du lịch tại địa phương có một chiếc “du thuyền” cực kỳ độc đáo với 2 thùng composite, chạy bằng máy. Tuy nhiên, do công suất máy nhỏ nên tốc độ khá chậm. Phong cho biết, đây là tàu tự đóng, tự sáng chế với tổng kinh phí khoảng 25 triệu đồng, trong đó, riêng máy là 7 triệu đồng. Đây là chiếc tàu đầu tiên tại khu vực Bãi Thơm phục vụ khách du lịch đi câu cá, câu mực và lặn ngắm san hô tại khu vực này.
Thấy “du thuyền”, ngay lập tức nhóm chúng tôi không chờ đợi, lên đường đi câu cá, những loại đặc sản của Phú Quốc như cá chàm, bóng mú, đù. Từ nhà Phong, ngay sát bờ biển, chúng tôi phải di chuyển quãng đường khá xa mới đến “ngư trường” để câu cá chàm. Phong nói: “Cá này cực kì dễ câu, chỉ cần thả xuống là dính”. Và thật ngạc nhiên, nhóm chúng tôi không ngờ lại dễ “dính” đến mức như thế.
Vừa câu cá, chúng tôi vừa huyên thuyên về nhiều câu chuyện, giai thoại của vùng đất này. Trong đó, có câu chuyện về nghề "săn" thủy quái của đại dương. Tuy nhiên, câu chuyện câu được cá mập là mong manh như làn gió biển thổi qua tai. Bởi, sự tàn phá, lấn chiếm của con người… cá mập đã ít “lảng vảng” tới khu vực này.
Phong kể: “Ngày xưa cha tôi hay một số ngư dân ở khu vực này thường câu được rất nhiều loại cá lạ, trong đó có những con rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng nhớ nhất vẫn là cha tôi đã câu được một con cá mập, nặng tới 65 kg. Đó là một cuộc vật lộn với "thủy quái" của đại dương, có khi mất mạng như chơi. Với hàm răng sắc nhọn, để đưa được nó lên bờ, chẳng khác nào bước vào trận đánh lớn”.
Về tới Dương Đông, chúng tôi còn được ông Hải, một người từng có thâm niên "săn" cá mập kể cho nghe những câu chuyện sởn gai ốc. Mở đầu, ông Hải nói chậm rãi: “Để câu được cá mập, ngư dân phải sắm cước như ngón tay, độ dài chừng 2 - 3km. Lưỡi câu phải dùng thép hoặc inox mới đủ đánh bại được nó. Câu dính cá mập rồi cũng chưa phải là xong, quan trọng là phải đưa được nó lên tàu, đây là khâu khó nhất”.
Ông Hải kể thêm: “Có người đã phải bỏ lại cánh tay trong ruột con cá mập. Cũng có ngư dân đã nằm xuống lòng biển khơi mãi mãi… khi chiến đấu với loài "thủy quái" này. Thời khắc dễ mất mạng nhất chính là khi một ai đó té xuống nước. Trên bờ thì dễ đối phó nhưng về với nước thì mình luôn thua loài "thủy quái" này. Chỉ cần vài lần táp là hàm răng sắc nhọn của nó có thể lấy đi bất cứ bộ phận nào trên cơ thể”.
“Hơn nữa, nước là nhà của cá mập, nó xoay trở rất nhanh, với sức mạnh, tốc độ, vũ khí sắc bén, cá mập thật sự là "thủy quái" của các loài "thủy quái". Nguy hiểm là vậy, có thể mất mạng bất cứ lúc nào, nhưng sinh nghề tử nghiệp, vì mưu sinh, con người vẫn phải kiên cường trước phong ba, bão táp và tiếp tục cuộc sống”, ông Hải kể trong tiếng nấc nghẹn.
Cũng theo ông Hải, hiện nay, ngư dân ở Phú Quốc ít còn làm nghề câu cá mập. Nhưng thả câu loài "thủy quái" thực sự là một nghệ thuật câu cá, vừa phải mưu trí chọn điểm hay ngư trường, vừa phải biết cách làm lưỡi, gắn mồi câu nhưng lại vừa phải dũng cảm nữa. Có những người thả câu, cá mập cắn câu rất nhiều nhưng không bao giờ được con nào. Đó là do lưỡi, mồi câu và cách câu của cần thủ. “Cho đến nay thì không còn thấy ai câu được con nào, thi thoảng, ngư dân đi câu vẫn bắt gặp những con cá mập nhỏ bằng cổ tay, cổ chân… Tuy nhiên, số cá này rất nhỏ nên họ đã trả lại biển khơi, cho nó sinh sống và phát triển”, ông Hải chia sẻ.
Chí Thanh