Nhắc tới xứ Mường, người ta hay nhớ đến những thứ u linh và huyền bí của những thầy phù thủy cao tay với bùa ngải, nèm, chài, ma gà, ma xó...
Một thầy mo đang làm lễ
Từ câu chuyện kỳ lạ
Ngay từ thời còn nhỏ, tôi đã được nghe mẹ kể đến mòn tai câu chuyện về một người bạn của mẹ: Bác Tiến bị dính "bùa yêu".
Chuyện kể rằng bác Tiến là trai Hà Nội, thời còn là sinh viên trường Trung cấp xây dựng (nay là trường Cao đẳng Xây dựng số 1), bác Tiến luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý, là niềm mơ ước của biết bao nữ sinh trong trường bởi sự hào hoa phong nhã cũng như năng khiếu về thi, ca, nhạc, họa của mình. Tất nhiên trong số những đóa hoa đang nghiêng ngả vì mình, người con trai Hà Thành chọn cho mình đóa hoa đẹp nhất, cô Dung, hoa khôi của trường.
Thế rồi "sự cố" đường đột xảy ra, đúng lúc cả hai gia đình rậm rịch lễ lạt cho tiệc cưới, bác Tiến trở về từ một công trường trên Hòa Bình, mang theo một cô gái người dân tộc Mường, gầy đét, đen nhẻm và nói tiếng Kinh chưa sõi. Bác Tiến một mực đòi hủy hôn với cô Dung và nằng nặc đòi lấy cô gái Mường đã có một đời chồng này.
Với quyết định được coi là mê muội ấy, bác Tiến bị gia đình phản đối dữ dội và từ mặt. Nhưng người thanh niên đang hừng hực sức xuân ấy chẳng lấy đó làm quan trọng, bác Tiến thu dọn quần áo rồi cũng bỏ luôn lên Hòa Bình với người "vợ mới" của mình.
Sau sự việc đó, mọi người cũng cất công tìm hiểu và nói rằng, bác Tiến đã bị người con gái xứ Mường ấy bỏ "bùa yêu". Để cứu lấy con trai, bố mẹ bác Tiến cũng lên tận nơi, tìm những thầy bùa cao tay nhất để "ké nèm" (giải bùa chú) nhưng tất cả mọi nỗ lực đều vô hiệu.
Sau này lớn lên tôi có dịp được nghe nhiều câu chuyện khác về bùa ngải xứ Mường, mỗi câu chuyện lại có một nét riêng, về những loại bùa khác nhau nhưng tựu chung lại đều rất lạ lùng và kỳ dị.
Thế nhưng tuyệt nhiên trong những lần băng rừng xanh núi đỏ từ Hòa Bình đến Phú Thọ để tìm hiểu về bùa mê ngải lú của người Mường, tôi chẳng may mắn gặp được một vị thầy bùa nào đích thực.
Những người dân tộc nơi đây, nói với tôi bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ rồi tiếc nuối: "Họ (những người nắm được kỹ thuật bùa chú - PV) một là còn rất ít, hai là quá già rồi và chẳng muốn tiếp xúc với người lạ".
Thế nên muốn tìm hiểu về văn hóa Mường, tôi đã chọn một cách đi khác, tiếp xúc với những người làm nghề thầy mo. Một nét cũng rất đặc trưng của nền văn hóa xứ Mường.
Đến câu chuyện về các thầy Mo
Để tìm hiểu về công việc "bí hiểm" của những thầy mo, tôi tiếp tục "cất công" đi theo chỉ dẫn tới tận xứ Mường Bi (nay thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).
Người dân cho biết, thầy mo ở đây có nhiều nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến ông mo Lựng.
Nhiều người dân nói với tôi, thầy mo Lựng chính là một "pho sách sống" của xứ Mường. Ông am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của người Mường và thậm chí còn thuộc nằm lòng 50.000 câu thơ trong Sử thi Đẻ đất đẻ nước.
Đón tiếp tôi trong căn nhà gỗ rộng thênh thang chênh vênh giữa quả đồi bạt ngàn cây xanh, mo Lựng xởi lởi câu chuyện cuộc đời. Theo đó, mo Lựng tên đầy đủ Bùi Văn Lựng sinh năm 1957, đến đời ông là đời thứ 7 làm thầy mo. Nhà có đông anh em, nhưng thầy Lựng là người có "căn duyên" nhất, nên được chọn làm người kế nghiệp.
Thầy mo Lựng chia sẻ về nghề của mình.
Mo Lựng kể: "Nhiều người cứ nghĩ rằng, các thầy mo đều là những người tài giỏi, có đức độ, biết làm nhiều thủ thuật xua đuổi tà ma để chữa bệnh cho mọi người. Ngược lại, cũng không ít người cho rằng, việc làm mo mang tính chất lừa gạt, dối trá...chuyên dùng các loại bùa phép tà thuật để hại người".
Chính vì lẽ đó, mo Lựng càng vui khi biết tôi làm nghề báo, ông hy vọng qua lần thực tế này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về công việc của những thầy mo: Đó chính xác là nghề cúng bái.
"Thực ra hầu hết những người làm mo đều biết ít nhiều bài thuốc Nam được học từ gia đình. Nhưng không phải ai cũng hiểu nghề mo và nghề thuốc là 2 nghề khác nhau hoàn toàn. Thấy chúng tôi làm nghề cúng bái có phần huyền bí, rồi lại chữa được bệnh, cứ một đồn mười, mười đồn trăm, rồi từ ấy chúng tôi trở thành những "phù thủy" từ lúc nào không hay", mo Lựng nói.
Mo Lựng cho biết, chiếc áo dùng để đi làm lễ là chiếc áo dài 5 thân cài khuy bên nách phải, màu xanh đen, thắt đai lưng, đội mũ vải nhọn đầu như hình chiếc bồ đài. Và đặc biệt hơn cả, ông mo Lựng mang ra một chiếc túi, ông gọi là "bùa", đựng những vật thiêng trong quá trình làm mo.
Thầy Lựng kể rằng, mỗi thầy mo đều có riêng cho mình một chiếc túi phép, nhưng không phải túi nào cũng thiêng và phát huy tác dụng khi đi làm lễ mo cho các gia đình.
Nghi thức để tiến hành mo cho một người qua đời đầu tiên phải mời quan Thiên Thư, Đại Thánh về phù hộ, sau đó thắp hương, thắp đèn từ 5 đến 7 đêm. Trong khoảng thời gian này, thầy mo ngồi đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước rồi đến Đẻ loài người, Đẻ vật để linh hồn người quá cố được bình an, siêu thoát.
Việc mo đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước là một cách an ủi, hướng con người vào lòng tin, sự thánh thiện sẽ được phù trợ - đó là chữa về tâm lý nhằm giúp người bệnh tin vào sự tốt đẹp, huyền diệu của vũ trụ, trấn an tinh thần. Tiếng chuông, mõ khi cúng là thứ âm nhạc tác động vào thần kinh, tạo cảm giác đưa luồng sinh khí khỏe mạnh vào cơ thể.
Chia tay mo Lựng, chia tay xứ Mường với những câu chuyện kỳ lạ, lòng tôi bỗng lắng lại, miên man nghĩ về sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Vậy là sự kỳ bí trong những lá bùa phép vẫn còn đó, hứa hẹn những chuyến đi dài ngày sắp tới...
Người Mường ở xứ này vốn có tục thờ cúng tổ tiên và theo tín ngưỡng đa thần giáo, họ rất quý trọng thầy mo vì cho rằng thầy mo chính là sứ giả giữa thế giới thần linh và nhân gian. Thầy mo trong bản chính là người mang lấy trách nhiệm thực hiện một số công việc liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cá nhân, của cộng đồng. Chính vì lẽ đó, họ rất được cộng đồng tôn trọng và cũng nắm giữ một vài bí quyết mang tính huyền bí do tiền nhân truyền lại. Đặc biệt vì trình độ hiểu biết thường là cao hơn hẳn so với mặt bằng dân trí còn lại, người làm mo cũng thường kiêm luôn thầy thuốc cho bản làng. Họ nắm giữ một số bài thuốc Nam và cứu giúp những bà con mang bệnh. Họ là giao thoa giữa hai khái niệm: Thầy thuốc và thầy cúng. |
Long Nguyễn