Cảm phục người phụ nữ tốt bụng
Về xã Phú Đức (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vào những ngày này, chỉ cần hỏi người vừa nhặt được túi tiền rồi tìm cách trả lại cho người đánh rơi, hầu như ai cũng biết và chỉ rành rọt con đường đến nhà bà Thạch Thị Quắn (tự bà Ba Đém, 58 tuổi). Nhà bà Quắn nằm ngay mặt tiền đường Tỉnh lộ 909, thuộc ấp An Hòa (xã Phú Đức), nơi mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Phụng (34 tuổi) đánh rơi chiếc túi xách bên trong có hơn 120 triệu đồng khi đang trên đường về quê ở huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long).
Ngày 8/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019), PV Người Đưa Tin đã tìm về địa phương để ghi nhận, tìm hiểu. Tại các quán cà phê trong vùng, mọi người luôn lấy đề tài về người phụ nữ tốt bụng ra bàn luận với những lời đầy thán phục, bởi “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Hành động đẹp ngày đầu xuân của bà Quắn dường như được lan tỏa khắp thôn xóm.
Tiếp PV tại nhà riêng, bà Quắn tỏ ra vô cùng mến khách khi có người tìm đến thăm hỏi, chúc Tết gia đình. Bà Quắn nhớ lại: “Vào tối 5/2 (mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019), nhà tôi có tổ chức tiệc nhậu đầu xuân với sự góp mặt của vài người trong xóm. Trong lúc tiệc nhậu đang diễn ra náo nhiệt, tôi bất ngờ nghe có tiếng âm thanh lạ phía trước nhà. Tôi đi ra thì phát hiện một chiếc túi xách nên nhặt cất vào tủ, chờ chủ nhân quay lại nhận”.
Tuy nhiên, chờ mãi không thấy người tới nhận, bà Quắn và anh Mai Hữu Lợi (40 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã Phú Đức) mở túi xách ra tìm số điện thoại liên lạc thì phát hiện bên trong túi có nhiều tiền mặt cùng nhiều giấy tờ. Ngay lập tức, bà Quắn và anh Lợi liền mang túi xách trên đến Công an xã Phú Đức trình báo, nhờ hỗ trợ tìm người đánh rơi để trả lại.
Tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an xã Phú Đức tiến hành lập biên bản tài sản là chiếc túi xách bên trong có hơn 120 triệu đồng. Trong quá trình lập biên bản và kiểm tra, cơ quan công an phát hiện bên trong túi xách có số điện thoại của chủ nhân nên đã gọi điện thoại thông báo.
Sau khi xác minh đúng chị Phụng là người đánh rơi, Công an xã Phú Đức đã tiến hành bàn giao tài sản lại cho chị Phụng. Nhận lại tài sản, chị Phụng phấn khởi cho biết, vào thời điểm trên, chị đang đi cùng chồng về quê ăn Tết thì đã đánh rơi chiếc túi xách nêu trên.
Từng nhặt được nhiều vàng nhưng trao nhầm kẻ gian
Theo chị Phụng, số tiền trong túi là tiền mà vợ chồng chị tích góp nhiều năm mới có được. Khi đánh rơi túi xách, vợ chồng chị Phụng không hề hay biết, mãi về đến nhà mới phát hiện. Lập tức, vợ chồng chị Phụng nhanh chóng quay lại tìm nhưng không gặp và cảm thấy vô vọng. Tuy nhiên, sau đó, Công an xã Phú Đức đã điện thoại thông báo cho chị Phụng đã nhặt được chiếc túi xách đánh rơi và yêu cầu đến làm thủ tục nhận lại.
Nói về việc tìm trao trả số tiền hơn 120 triệu đồng cho người đánh rơi, bà Quắn cười hiền đáp: “Tôi nghĩ bất kỳ ai đó khi chỉ mất 10.000 đồng, họ cũng lấy làm tiếc. Huống gì với số tiền quá lớn mà họ đã đánh rơi thì họ sẽ như thế nào? Nghĩ đến đây nên tôi quyết tâm giữ toàn bộ số tài sản vừa nhặt được rồi nhờ công an hỗ trợ tìm đúng chủ nhân để trả lại. Làm được điều tốt, tôi cảm thấy lòng mình rất vui và thanh thản”.
Nói đến đấy, giọng bà Quắn bỗng chùng xuống, bà cho biết, đến tận bây giờ, bà vẫn còn khó chịu trong lòng khi hơn 40 năm trước, tại TP.Cần Thơ, bà cũng từng nhặt được một chiếc hộp bên trong có nhiều nhẫn, dây chuyền, lắc bằng vàng. Tuy nhiên, trong lúc bà Quắn loay hoay tìm người đánh rơi để trả lại, một người phụ nữ trung niên chạy đến nhận là chủ nhân của chiếc hộp.
“Tin lời, tôi liền lấy chiếc hộp vừa nhặt được trao tay cho người phụ nữ kia. Vừa cầm được chiếc hộp, người phụ nữ nhanh chóng rời đi mất hút mà không kịp gửi lại tôi một lời cảm ơn. Bất ngờ, chừng ít phút sau đó, một người phụ nữ khác hớt hải chạy đến, mếu máo khóc hỏi tôi có thấy ai đó nhặt được chiếc hộp bên trong có nhẫn, dây chuyền, lắc bằng vàng. Lúc này, tôi mới biết mình vừa trao chiếc hộp đựng vàng cho kẻ gian nên trong lòng tôi cảm thấy vô cùng có lỗi và day dứt. Sau lần đó, tôi thầm hứa với bản thân mình, nếu một lần nữa nhặt được của rơi, tôi sẽ nhờ cơ quan công an hỗ trợ tìm đúng chủ nhân để trao trả, và lần này như thế”, bà Quắn tâm sự.
Được biết, bà Quắn có cuộc sống vô cùng khốn khó, chạy ăn từng bữa. Hơn 30 năm sống bên gia đình chồng, do không tiền nên bà Quắn chỉ đôi lần về quê ở tỉnh Trà Vinh để thăm người thân trong gia đình.
Để mưu sinh, hằng ngày, chồng bà Quắn đi làm thuê khắp nơi trong vùng. Còn bà Quắn thì phải thức khuya, dậy sớm mua bán cá ở chợ kiếm tiền nuôi hai người con lớn khôn. Tuy nhiên, gần đây bà Quắn không còn ra chợ bán cá nữa vì hai chân bà bị tê nhức, đi lại khó khăn. Do không tiền chữa chạy nên bà Quắn đành nằm ở nhà uống thuốc cầm cự mà chưa một lần đến bệnh viện thăm khám hay kiểm tra sức khỏe.