Thời Chiến Quốc, Tần luôn là nước áp đảo chư hầu. Quân đội nước này, dưới thời Tần Thủy Hoàng gần như là bách chiến bách thắng, hừng hực khí thế muốn thống nhất thiên hạ quy về một mối. Các nước chư hầu suy yếu, biết không thể dùng binh mà chống lại Tần, bèn bày ra nhiều độc kế, trong đó điển hình nhất là phái thích khách đi hành thích Tần Thủy Hoàng.
Năm 227 TCN, một chiều thu heo hắt, bên bờ sông Dịch thủy đất Hà Bắc, có chừng mười mấy người lầm lũi bước đi, ai nấy đều mặc bộ đồ tang, đeo khăn trắng. Đi đầu là Thái tử Đan nước Yên, bên hông đeo bảo kiếm nạm vàng, dáng vẻ đường bệ nhưng đôi mắt lộ rõ vẻ sầu não. Sóng bước cùng Thái tử Đan là một tráng sĩ đầu trần, tóc xõa, tay trái bưng một chiếc hộp gỗ sơn đen, tay phải giữ chiếc chủy thủ giắt trong đai lưng, vẻ mặt thản đãng, không lộ chút vui buồn. Vị tráng sĩ này chính là Kinh Kha.
Kinh Kha vốn là người nước Vệ, ông đã rời quê hương vì không được Vệ Nguyên Quân trọng dụng. Sau khi đi thăm thú các nước, ông tới nước Yên và kết bạn với Cao Tiệm Ly. Họ cùng nhau uống rượu và ca hát suốt ngày. Về sau Kinh Kha được du hiệp Điền Quang tiến dẫn cho Thái tử Đan nước Yên.
Thái tử Đan từng là bạn của Doanh Chính (Tần Thuỷ Hoàng sau này) khi cả hai còn đang là con tin ở nước Triệu. Khi Thái tử Đan đã trốn khỏi Triệu về Yên, quân đội Tần tiến sát tới biên giới Yên. Quân Yên quá yếu để chống cự lại. Vì vậy, thay vì chiến đấu, Thái tử Đan cùng Điền Quang âm mưu ám sát hoàng đế Tần là Tần Thủy Hoàng. Điền Quang cũng là bạn của Kinh Kha nên khuyên thái tử Đan cử Kinh Kha thực hiện nhiệm vụ đó.
Thái tử Đan đem trăm cân vàng đổi lấy thanh chủy thủ của một thợ rèn kiếm người nước Triệu, họ Từ, tên Phu Nhân, tẩm độc rồi giao cho Kinh Kha. Từ Phu Nhân chưa từng xuất hiện trong lịch sử, tên của ông chỉ được nhắc đến một lần duy nhất trong cố sự này. Vì cái tên dễ gây hiểu lầm về giới tính, các sử gia đời sau phải chú giải rằng Từ Phu Nhân thực ra là một người đàn ông.
Câu chuyện này về sau, ta đều biết cả, Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng bất thành ông bị giết chết. Còn Tần Thủy Hoàng dần dần thống nhất Trung Hoa, dựng nên Đại Tần vĩ đại. Còn câu chuyện của các thích khách thì cứ như thế lùi dần vào dĩ vãng đằng sau ánh hào quang của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng.
Quốc Tiệp (t/h)