NSƯT Chánh Tín tên đầy đủ là Nguyễn Chánh Tín, sinh ngày 29/11/1952 tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thống võ học. Ông là con trai của "hào kiệt" xứ Bạc Liêu - Nguyễn Chánh Minh - với Hoa khôi Lưu Ngọc Lan. Dù người cha thành kiến với đàn ca hát xướng nhưng Chánh Tín sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê với nghệ thuật. Ông Nguyễn Chánh Minh qua đời khi Chánh Tín 15 tuổi. Sau khi cha mất, tài tử theo học trường Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn), bắt đầu thực hiện đam mê ca hát.
Sau khi tốt nghiệp trường Mạc Đĩnh Chi năm 1972, Nguyễn Chánh Tín tiếp tục theo học trường Luật. Lúc này, nhờ sự giúp đỡ của nhạc sĩ Phạm Duy và Dương Thiệu Tước, Chánh Tín đã hát tại các phòng trà ca nhạc nổi tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ.
NSƯT Chánh Tín nổi tiếng với vai Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa. Đây cũng là vai diễn khiến cái tên Chánh Tín sống mãi trong lòng khán giả tới tận bây giờ.
Nguyễn Thành Luân là một điệp viên tình báo được cài vào hoạt động trong lòng địch ở Sài Gòn trước ngày đất nước thống nhất. Lấy vỏ bọc là một kỹ sư, anh nhanh chóng trở thành trợ thủ đắc lực của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm. Bất chấp việc bị Ngô Đình Nhu sai người theo dõi, Nguyễn Thành Luân luôn tỏ ra mưu trí, vượt qua mọi âm mưu và thử thách để giành chiến thắng trong “ván bài lật ngửa”.
Trên thực tế, Chánh Tín không phải là lựa chọn ban đầu cho Ván bài lật ngửa. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa chọn một người khác, thậm chí đã cho quay thử tập đầu tiên. Song, nhà biên kịch Trần Bạch Đằng cảm thấy chưa ưng ý và tiến cử Nguyễn Chánh Tín.
Khi ấy, nam diễn viên đã tham gia đóng một vài bộ phim, nhưng vẫn gần như hoàn toàn vô danh. Bản thân Chánh Tín khi đọc kịch bản cũng cho rằng nhân vật được dựa trên Đại tá Phạm Ngọc Thảo là quá nặng ký, sợ mình không thể cáng đáng nổi. Tuy nhiên, sự động viên từ nhà biên kịch đã khiến ông gật đầu.
Rốt cuộc, Nguyễn Chánh Tín đã ghi tên mình vào lịch sử điện ảnh Việt Nam qua Nguyễn Thành Luân, và cái tên ông sẽ mãi được ghi nhớ chỉ cần qua một vai diễn ấy. Khán giả thời đó và các thế hệ sau này đều cho rằng Chánh Tín như sinh ra để sắm vai nhân vật, và ông giống như linh hồn của toàn bộ Ván bài lật ngửa.
Trải qua 8 tập phim, nam diễn viên bộc lộ tài năng qua các phân đoạn đấu trí, đòi hỏi diễn xuất nội tâm, cũng như một số pha hành động căng thẳng. Cộng thêm gương mặt điển trai lãng tử, mang chút nét phong trần, Chánh Tín dễ dàng chinh phục khán giả, đặc biệt là phái đẹp thời bấy giờ.
Sau này, nhà biên kịch Trần Bạch Đằng nhận xét: “Chọn Nguyễn Chánh Tín vào vai chính bởi diễn xuất của cậu ấy chân thật, tự nhiên, có nét gì đó khác người”. Sự “khác người” ấy rốt cuộc được ghi nhận qua giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII năm 1985.
Cũng sau vai diễn đó, rất nhiều năm đã trôi qua, nhắc tới Nguyễn Chánh Tín, nhiều người chỉ nhớ tới nhân vật Nguyễn Thành Luân và Ván bài lật ngửa. Những năm 1980, Chánh Tín là thần tượng trong lòng biết bao cô gái Việt. "Đẹp trai như Chánh Tín" đã trở thành câu "cửa miệng" của các chị các em thời đó.
Sau đó, NSƯT Chánh Tín còn tham gia các phim Tình đất Củ Chi, Hạnh phúc ở quanh đây, Điệp khúc hy vọng… Trong thập niên 2000 và 2010, ông tiếp tục tham gia các phim Dòng máu anh hùng, Em chưa 18, Lôi báo…
Vợ của NSƯT Chánh Tín là ca sĩ Bích Trâm, hai người là hai giọng ca đẹp ăn ý trên sân khấu một thời. Cả hai có với nhau một trai, một gái.
Sáng ngày 4/1, theo thông tin từ người nhà, nam diễn viên Nguyễn Chánh Tín đã qua đời tại nhà riêng ở tuổi 68 vào lúc 7h sáng 4/1. Trước đó, ông bị cảm nhẹ và người mệt mỏi, yếu dần. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đều bất ngờ trước sự ra đi của người nghệ sĩ tài hoa.
Tang lễ của NSƯT Chánh Tín sẽ diễn ra tại nhà tang lễ Lê Qúy Đôn, TP.HCM. Hiện con trai NSƯT Chánh Tín đang từ Canada về nước lo cho tang lễ của cha.
Quốc Tiệp (t/h)