Tết là một sự kiện trọng đại tác động tới toàn bộ đời sống của người dân Hà Nội. Tôi đã thấy những dòng người hối hả ra bến tàu, bến xe, họ tạm xa thủ đô để trở về với quê hương bản quán ăn Tết.
Những ngày giáp Tết, thành phố yên ắng, thênh thang lạ thường, phố vắng lặng trong vài ngày. Đối với những gia đình ăn Tết ở Hà Nội, tôi nhận thấy họ dành một lượng lớn thời gian để nấu nướng, đãi khách, tới thăm nhà nhau. Điều thú vị nhất ở Tết chính là việc trao đi những chiếc phong bao nhỏ màu đỏ đựng tiền “mừng tuổi” dành cho người già và trẻ nhỏ.
Tôi thấy khá ngộ nghĩnh khi người ta tặng luân phiên cho nhau, cuối cùng thì ai cũng có phong bao cả thôi, như thế sẽ công bằng và tất cả đều được vui. Những ngày đầu năm, người dân tới đền chùa rất đông, họ cầu xin Trời Phật phù hộ may mắn, sức khỏe, tiền tài, thành đạt cho các thành viên trong gia đình.
Họ cầu nhiều lắm, đứng lầm rầm rất lâu trước ban thờ, có lẽ họ khao khát quá nhiều thứ chăng, mà một năm chỉ có một dịp này là linh thiêng nhất để khấn vái lên các ngài nên không thể bỏ quên bất cứ điều gì.
Tôi thật may mắn khi trong những ngày Tết âm lịch được một gia đình người Hà Nội mời tới ăn Tết cùng (nếu không thì sẽ buồn lắm vì thành phố trong những ngày này khá lặng lẽ và vắng vẻ). Gia đình họ đón tiếp tôi rất ấm áp, tràn ngập thịnh tình.
Tôi không chỉ được dịp đến tận nơi, quan sát và giúp đỡ họ một vài nghi thức chuẩn bị cho giao thừa mà còn được gia đình mời ăn tất niên. Ngày hôm sau, họ lại đưa tôi đến thăm một số gia đình họ hàng khác để “xông nhà”, tôi chỉ việc bước chân vào nhà trước những người khác là có thể giúp mang may mắn tới cho gia chủ. Tôi không hiểu mình có thật sự mang may mắn tới cho họ hay không nhưng thấy bảo tuổi của tôi khá hợp với gia chủ.
Ấn tượng nhất với tôi luôn là ẩm thực nên tôi nhớ nhất bữa cơm tất niên. Mọi người thết đãi tôi quá chu đáo, người Việt Nam có một tính cách khá thú vị: khi đã mời khách đến nhà, họ sẽ làm rất nhiều món ăn đãi khách dù có “phàm ăn” thế nào cũng không thể ăn hết nổi mâm cỗ.
Họ chuẩn bị nhiều món lắm nhưng món tôi thích nhất là thứ xôi màu đỏ ăn ngọt ngọt bùi bùi mà mọi người gọi là xôi gấc. Gà luộc của các bạn cũng rất ngon, nó săn chắc, thơm ngọt (không như gà Tây của chúng tôi!). Ban đầu họ thắp hai tuần hương mời tổ tiên về ăn trước sau đó hạ cỗ xuống và cả nhà cùng ngồi ăn.
Đứng trước bàn thờ gia tiên, bác gái cũng cầu xin rất nhiều điều. Ban thờ ngày Tết được bày biện với rất nhiều đồ lễ, khói hương nghi ngút, một mùi thơm tỏa ra vô cùng dễ chịu.
Tôi rất ấn tượng với chiếc lò dùng để đốt vàng mã này, nó có cả "ống khói thông hơi" đấy
Hầu hết những gia đình tôi có dịp ghé qua trong dịp Tết đều bày biện ban thờ rất đẹp, thể hiện một nét thẩm mỹ truyền thống của người dân nơi đây. Tôi đặc biệt ấn tượng khi họ thắp hương vòng và ba nén nhang trên ban thờ. Hình ảnh đó gợi lên trong tôi một cảm giác khó tả. Được nhìn thấy cả gia đình bác chủ nhà đứng sắp hàng trước bàn thờ gia tiên lúc giao thừa, tôi thực sự xúc động bởi sự gắn bó và nề nếp sinh hoạt của gia đình họ.
Lửa cháy đượm, mọi người bảo đó là điềm may
Sau bữa cơm tất niên hồi chiều, mọi người trong nhà cố gắng làm nốt những việc gì còn dang dở. Đến khoảng 11h30 đêm, cả nhà cùng nhau đi bộ ra ngôi chùa gần đó, chính là Chùa Hà ở quận Cầu Giấy. Ngôi chùa này là một trong những chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất tại Hà Nội. Những cô gái trẻ muốn sớm lấy được chồng tốt thường tới Chùa Hà cúng lễ vì vậy Chùa Hà thu hút rất nhiều cô gái trẻ tới lễ lạt trong suốt cả năm.
Trước khi vào đến cổng chùa, tôi thấy có nhiều người bán hàng rong cạnh chùa, họ bán đủ thứ hàng mã nhiều màu sắc. Sau khi lễ xong, bác chủ nhà vào tận nơi phát lộc để xin lộc may mắn mang về nhà. Bác bảo giao thừa đi lễ cốt là để xin chút lộc lấy may đem về cho con cháu buổi đầu năm.
Trong lúc các thành viên trong nhà tỏa đi các hướng lễ lạt, tôi đi tham quan kiến trúc ngôi chùa. Chùa có một quả chuông đúc bằng đồng rất lớn, mái chùa uốn cong duyên dáng và đặc biệt nhất chính là những pho tượng. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô cùng ấn tượng, vừa oai nghiêm, lộng lẫy vừa cổ kính, trầm mặc. Chùa còn trồng những cây chuối, mỗi bận gió thổi qua, lá lại xào xạc. Một điều thú vị nữa ở Chùa Hà đó là chiếc hồ nhỏ có những chú rùa bơi lội.
Ngôi chùa đẹp quá, cảnh đêm với ánh đèn điện chỗ mờ chỗ tỏ lại càng khiến nó đẹp hơn, có rất nhiều người đang dâng hương lên các ban thờ, chỗ hóa vàng cũng rất đông, người ta thay phiên nhau hóa vàng liên tục nên lửa cháy bập bùng không ngớt, vừa đốt họ lại vừa lầm rầm nói chuyện với ngọn lửa.
Gần 12 giờ, mọi người trong nhà gấp rút trở về để kịp đón giao thừa, đặt chân được vào nhà thì chỉ còn vài phút nữa là chuông điểm, mọi người cứ bảo “may quá, may quá, không thì thành xông nhà mất rồi”. Bên ngoài, tiếng pháo hoa nổ bắt đầu vang lên. Chúng tôi lại cùng nhau leo lên sân thượng ngắm nhìn pháo hoa. Tuy không được toàn cảnh nhưng vẫn cảm thấy rất vui, mọi người cười nói không ngớt.
Phong tục mừng tuổi ở Việt Nam kỳ thực không chỉ dành cho trẻ em và người già đâu, tôi thấy cả những người lớn cũng được mừng tuổi đấy. Sau khi mọi người đều đã có phần của mình, tôi mới hỏi thế chú chó trong nhà không có quà sao, nó sẽ buồn đấy, mọi người cười ồ lên và bảo nó đã được tặng một con gấu cao su kêu chút chít để chơi rồi.
Chia tay bác chủ nhà, chiều mùng 1, tôi tạt vào một quán cà phê, hầu hết các quán ngày này đều đóng cửa nhưng quán đó lại mở, người phục vụ nói cho tôi biết “anh chính là người mở hàng cho chúng em đầu năm mới”. Chà… Năm nay tôi xông đất, mở hàng cho nhiều người quá, mong mọi người sẽ gặp nhiều may mắn nhé.
Tôi lấy máy tính ra đọc sách bên tách cà phê nóng và những chiếc bánh quy giòn thơm, cảm thấy thật tuyệt vời. Ở ngoài kia, trên hè phố, chốc chốc lại có những đại gia đình cùng nhau đi du xuân, đi chúc Tết họ hàng. Tôi cũng cảm thấy vận may đang đến với mình vì tôi đã có một cái Tết tuyệt vời ở Việt Nam…