Lần đầu tiên tôi gặp GS. VS Nguyễn Văn Hiệu cách đây khoảng 15 năm để phỏng vấn về tương lai của nền khoa học Nguyên tử Việt Nam. Thật tình khi đó, tôi không có bất cứ một chút kiến thức nào về vấn đề vốn phức tạp, cao siêu và… xa lạ này. Tuy nhiên, nhờ sự tận tình sửa chữa của ông, bài viết khá thành công.
Kể từ đó, tôi đã nhiều lần phỏng vấn ông về nhiều lĩnh vực, nhưng tuyệt nhiên không dám quay lại đề tài nguyên tử, hạt nhân đầy hóc búa này một lần nào nữa mà chủ yếu là xoay quanh cuộc đời hay những trăn trở của ông với đất nước.
Con đường đến lớp trắc trở, gập ghềnh
Nếu nói về thành tựu trên nhiều lĩnh vực, có lẽ ở nước ta hiếm ai gặt hái được những thành công như Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.
Năm 26 tuổi (1964), ông là tiến sĩ khoa học Liên Xô, 30 tuổi (1968) là giáo sư đại học Lômônôxốp, năm 44 tuổi (1982) là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, năm 46 tuổi (1984) là viện sĩ Viện hàn lâm Cộng hoà dân chủ Đức và Viện sĩ Viện hàn lâm Thế giới thứ Ba.
Năm 1986, với công trình khoa học nổi tiếng "Quy luật về các tính chất của các quá trình sinh nhiều hạt ở năng lượng cao", ông cùng với năm nhà khoa học lớn khác đã được Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng Lênin.
Về con đường chính trị, ông cũng là người thành đạt. Năm 44 tuổi, là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng và từ năm 1986, ông liên tục là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII, VIII. Năm 45 tuổi, ông là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, sáu khoá liền là Đại biểu Quốc hội.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu
Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, với những thành tựu trên nhưng con đường học hành của GS.Hiệu lại đầy gập ghềnh, trắc trở. Năm 1948, ông thi tuyển vào trung học ở Hà Đông nhưng do nhà xa, neo người, đành phải bỏ dở. Năm 1949, phải theo gia đình tản cư vào Thanh Hóa, ông theo học trung học ở đây.
Thời kỳ đó, gia cảnh nhà ông rất khó khăn. Bố ông đi công tác liên miên hàng tháng không về một lần, người mẹ một nách nuôi 7 anh em. Do là con trai cả, ông phải làm rất nhiều nghề như dệt kim, dệt bít tất, bấc đèn, áo sợi... đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo.
Năm 1952, đang học dở dang lớp 7 thì một lần nữa, ông lại nghỉ học để giúp mẹ nuôi nấng các em. Thấy vậy, thầy Phạm Quốc Dũng đã đến tận nhà động viên, bảo trường cũng khó khăn nhưng sẽ giảm học phí và cấp thêm học bổng để ông có thể đến trường. Vì thế, ông lại được đi học.
Rất may cho ông là đúng khi học xong cấp II, Thanh Hoá thành lập trường cấp III Đào Đức Thông (sau sáp nhập với trường Lam Sơn) và đúng vào dịp chiến thắng Điện Biên Phủ thì ông học xong trung học.
"Tôi lớn lên bằng cơm độn, rau khoai luộc và mắm tôm trên đường chạy giặc". Ông thường nói về tuổi thơ của mình như vậy. Rồi ông chìa cho tôi bàn tay bị mất một đốt nói như trầm ngâm: "Đây là kỷ niệm những ngày vào rừng lấy lá sim về nhuộm sợi. Tôi lớn lên trên đường chạy giặc, học hành tại những trường tản cư. Tôi không thể quên được những bữa cơm độn một hạt gạo cõng mấy lát khoai khô và nồi cơm hết nhẵn khi hãy còn nóng hôi hổi".
Tính khiêm tốn và lòng biết ơn
Là một tài năng lớn nhưng GS. Nguyễn Văn Hiệu là người rất khiêm tốn và điều đặc biệt ở ông là sự biết ơn. Hơn một lần ông khẳng định với tôi rằng, ông không phải là người có tài năng mà chỉ là nhờ vào sự may mắn và tính cần cù, chăm chỉ.
Lý giải điều này, ông kể rằng kỳ thi vào đại học Sư phạm năm 1954, điểm của ông rất thấp, đứng thứ 135/150 thí sinh trúng tuyển (do ông phải thi cùng với những người học hệ 12 năm ở Hà Nội). Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, nhờ nỗ lực phấn đấu, ông đã đứng thứ nhì sau ông Vũ Thanh Khiết (sau này là lãnh đạo NXB Giáo dục).
Do học hai năm ba lớp, nên năm 1956 các ông đã tốt nghiệp đại học. Vào thời điểm đó, hàng loạt các trường đại học được mở ra nên đến 1/3 số sinh viên trong khoá được giữ lại làm giảng viên nên việc ông ở lại trường là điều bình thường.
Không chỉ khiêm tốn, ở ông còn toát lên lòng biết ơn sâu sắc với tất cả những ai đã giúp ông trên con đường khoa học. Đặc biệt là các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Hạt nhân Dupna và Nhà nước, nhân dân Liên Xô.
"Năm 1960, Nhà nước Việt Nam cử tôi sang Liên Xô nghiên cứu nhưng thực chất là đào tạo vì chúng ta chưa có bộ môn này nên chẳng mấy ai hiểu gì về nó. Tại đây, may mắn là tôi đã có được môi trường nghiên cứu tuyệt vời với những người thầy tuyệt vời. Phải nói thẳng, những thành công của tôi trên con đường khoa học là nhờ Nhà nước Liên Xô và những người thầy Xô Viết lỗi lạc. Tôi như tờ giấy trắng được các họa sĩ tài năng vẽ lên".
"Phải chăng bác khiêm tốn?", tôi hỏi. "Không phải là tôi khiêm tốn mà là sự thật. Tôi chỉ là người đá quả bóng đã được đặt trước khung thành. Những nhà khoa học Liên Xô khi đó là những người lỗi lạc nhất thế giới. Trước đó, đã có bao nhiêu nhà khoa học, những công nhân lành nghề đổ công sức để làm nên cỗ máy và cỗ máy đó được giao cho 5 người chúng tôi sử dụng, điều hành". "Liệu ông có quá lời?". "Không. Tôi là sản phẩm của sự sáng suốt, biết nhìn xa, trông rộng của Đảng ta, Nhà nước ta lúc bấy giờ. Việc cử một thanh niên 22 tuổi sang một trung tâm khoa học lớn nhất thế giới đào tạo là một minh chứng cho cách nhìn đúng đắn, tin tưởng vào lớp trẻ của Đảng và Nhà nước. Chính ý chí của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi đó đã "bắn" chúng tôi lên quỹ đạo. Tôi rất mong ý chí đó, cách nhìn xa trông rộng đó ngày một phát triển".
Khiêm tốn và lòng biết ơn. Phải chăng đó chính là phẩm chất của GS. Nguyễn Văn Hiệu?
Người tri âm của nhiều nhà khoa học trẻ
Giờ đây, khi đã vào tuổi 75, GS. Nguyễn Văn Hiệu vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học. Ông vẫn nhận lời đi giảng dạy cho nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Đặc biệt, ông là ân nhân, là người bạn sắt son, tri kỉ của nhiều nhà khoa học trẻ.
Tuy nhiên, đối với khoa học nước nhà, GS. Hiệu cũng không khỏi băn khoăn và hy vọng: "Kể từ khi nước ta bắt đầu phát triển khoa học cách đây hơn nửa thế kỷ chưa bao giờ giới khoa học trẻ nước ta lại phải chịu đựng những khó khăn rất vô lý như thời gian gần đây. Tôi hy vọng rằng Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI sẽ khắc phục dần dần các khó khăn mà các bạn đang phải chịu đựng để làm khoa học. Tôi mong các bạn khoa học trẻ hãy nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, thời cơ mới cho sự phát triển tài năng của các bạn đang đến, các bạn hãy cùng với lớp người khoa học đã trưởng thành chúng tôi nắm bắt thời cơ đó".
Bùi Hoàng Tám