Chuyện kể về những cái tên trên phố

Chuyện kể về những cái tên trên phố

Thứ 5, 25/04/2013 07:47

Tôi có người bác ra nước ngoài đã lâu vừa rồi về thăm quê kể: "Lúc bước xuống sân bay đi ra đường, nhìn sang hai bên cứ ngỡ như chưa về đến nước mình vì nhìn đâu đâu cũng chỉ toàn thấy tên Tây, tên Tàu lạ hoắc''.

Nếu đi dọc một vài tuyến phố của Hà Nội và để ý tên của các cửa hàng thì chúng ta ngỡ như đang ở một nước nào đó chứ không phải Việt Nam. Tên bằng tiếng Anh được sử dụng nhiều nhất ở các quán cà phê, quán rượu, karaoke, sau là đến các nhà hàng ăn uống. Nào là Dream café, Red café...

Cứ cho đó là những quán cà phê, các nhà hàng đồ uống tây, thức ăn Tây thì cái tên cũng phải Tây cho hợp. Nhưng ngay những quán ăn truyền thống, món ăn thuần Việt Nam cũng mang những cái tên nghe cứ như Tây thì cũng thật lạ. Có lẽ để cho sang trọng và đẳng cấp hơn chăng?

Trong lĩnh vực ẩm thực tên Tây nhiều nhưng có lẽ không phổ biến bằng kiểu đặt tên Tàu. Điều này xuất phát từ thói quen dùng từ Hán - Việt và ảnh hưởng nhiều từ cách kinh doanh của người Hoa. Theo trật tự tiếng Việt, danh từ chung sẽ được viết trước sau đó mới đến danh từ riêng như Sông Hương, núi Ngự... , quán X, đường Y.

Nhưng thực tế hiện nay, hầu hết các quán ăn mang phong cách dân tộc đều để tên riêng lên trước nghe như trong truyện kiếm hiệp Trung Quốc như Lộc Đình quán, Tửu Hương quán, Hoa Viên trà, Liên Hoa trà… mặc dù trong đó không hề kinh doanh món ăn nào của người Tàu.

Xã hội - Chuyện kể về những cái tên trên phố

Biển hiệu “Di tích Kỳ Đài” - một minh chứng sinh động khôi hài về một cái tên

Nắm bắt được tâm lý sính ngoại, các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam khi thành lập hoặc cho ra mắt sản phẩm mới đều cố gắng nghĩ ra những cái tên nghe càng Tây càng tốt. Những công ty đã có sẵn thương hiệu từ nước ngoài thì không nói làm gì nhưng kể cả những công ty có vốn Việt Nam, ông chủ là người Việt hẳn hoi mà vẫn trương lên những cái tên nghe không Việt chút nào. Sống trên đất nước Việt Nam mà ở đâu cũng chỉ thấy Big C, Mê Linh plaza, Garden, Vincom, Parkson, Topcare, Sunrise, Keng Nam...

Mà thôi việc kinh doanh của người ta, đặt tiếng tiếng Anh cho sang trọng dễ bán hàng là việc của người ta. Nhưng đến cả chỗ ở cũng thi nhau để tên nước ngoài thì thật nguy. Xu hướng đô thị hóa dẫn đến việc ra đời ngày càng nhiều các khu đô thị, khu chung cư.

Trên trang Batdongsan.com.vn, trong tổng số 140 khu đô thị đã và đang xây dựng, 69 khu dân cư, 284 khu căn hộ, 62 khu du lịch- nghỉ dưỡng thì số công trình mang tên hoàn toàn tên Việt đếm trên đầu ngón tay (nhiều nhất là ở khu đô thị chiếm khoảng 20%) hầu hết là công trình đã xây dựng từ lâu còn lại là tên nước ngoài hoặc nửa Tây nửa ta. Sẽ ra sao nếu một ngày khắp Việt Nam là các khu đô thị, người ta sẽ không còn nói mình ở Cầu Giấy, ở Ba Đình mà toàn những Ciputra, Ecopark...?

Lúc 0h17 ngày 19/4/2008, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Việt Nam được phóng lên không gian đánh dấu sự có mặt của Việt Nam trong bản đồ các nước có vệ tinh nhân tạo trên thế giới. Chúng ta vui mừng, tự hào, nhưng có lẽ niềm tự hào sẽ trọn vẹn hơn nếu như tên vệ tinh của chúng ta, theo ý kiến cá nhân người viết nên là một cái tên thuần Việt hơn chứ không phải mang tên VINASAT. Có thể nhiều người cho rằng để tên như vậy sẽ tiện giao dịch và mang tầm quốc tế?

Trung Quốc, họ cũng cần giao dịch quốc tế, nhưng rất ít khi họ dùng đến tên nước ngoài làm tên cho thương hiệu của mình. Con tàu vũ trụ đầu tiên họ phóng lên không trung mang theo niềm tự hào của người Trung Quốc về đất nước họ, một phần của niềm tự hào đó được thể hiện ở cái tên Thần Châu. Tôi không cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc vị kỉ, hẹp hòi, nhưng tiếng Việt của chúng ta đã được viết bằng hệ thống chữ quốc tế, đảm bảo cho việc giao dịch đâu cần phải quốc tế đến mức cái tên cũng phải "Tây hóa" như vậy.

Giở lại lịch sử, thật ra ban đầu người Việt kinh doanh không hề dùng đến tên cho cửa hàng, sản phẩm của mình. Có lẽ do không cần quảng cáo tiếp thị nên cũng không cần đặt tên làm gì. Chỉ là "tiếng lành đồn xa", mọi người truyền tai nhau, và để dễ phân biệt người ta mới dùng đến tên và thường mang tên kèm theo đặc điểm của chính chủ quán. Cách đặt tên như vậy còn khá phổ biến cho đến ngày nay như Cường hói, Dũng râu…

Nghe có vẻ hơi dân dã nhưng ngẫm ra mới thấy đặc sắc vì mang đậm chất Việt Nam. Thiết nghĩ, tiếng Việt phong phú thế, thiếu gì tên hay để đặt mà cứ phải dùng đến tên nước ngoài. Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" có lẽ nên bắt đầu từ những cái tên. Tôi chưa đủ trình độ để bàn đến vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc hay những thứ to tát và có lẽ cái tên cũng không đến mức động đến vấn đề to tát như vậy. Hơn nữa, mọi người dùng nhiều cũng quen nên không ai để ý tên Tàu, tên Tây hay tên ta, chất lượng bên trong mới là quan trọng, cái tên chỉ là hình thức.

Thêm vào đó, nói đi cũng phải nói lại, tên Việt không được cảm tình có lẽ bởi chất lượng trước nay của thương hiệu Việt không đảm bảo cho tên Việt ít được tin cậy sử dụng?

Chỉ có điều, nếu cứ để cho tên Việt càng ngày càng ít thì sẽ làm cho những người xa quê lâu ngày như bác tôi đôi khi thấy chạnh lòng khi đi giữa nơi quê cha đất tổ và làm cho những đứa trẻ khi lớn lên lại thấy lạ lẫm ngay với cả những cái tên trong tiếng mẹ đẻ của mình…                                                                

Phương Thảo

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.