Chuyện kể về những 'tình nguyện viên nhí' ở Nghĩa trang Trường Sơn

Chuyện kể về những 'tình nguyện viên nhí' ở Nghĩa trang Trường Sơn

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 6, 24/03/2017 10:02

Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn có chừng 30 đứa trẻ mỗi ngày đều có mặt ở đây, ngoài công việc bán hương để mưu sinh, các em còn giúp thân nhân liệt sỹ châm hương, đi tìm mộ...

Những đứa trẻ mưu sinh nơi đầy khói nhang

“Chị ơi mua hương cho em rồi em thắp hương các liệt sỹ giúp chị!” – chất giọng lơ  lớ tiếng Kinh của một bé gái người dân tộc, tuy nhỏ nhẹ nhưng cũng đủ khiến tôi giật mình quay lại. Cái dáng người gầy gò, nhỏ thó và đen nhẻm của bé gái ấy lọt thỏm giữa bạt ngàn các ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn (tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).

Nhận được cái gật đầu đồng ý từ tôi, bé gái lại nhanh miệng: “Để em đi thắp hương”. Nói rồi, nó vụt chạy tới khu đốt vàng mã để đốt những nén hương đã được nó nhanh tay xé bỏ lớp vỏ bọc. Ở khu vực đó, cũng có rất nhiều người bạn khác của nó đang đứng chờ du khách mang hương ra, chúng sẵn sàng “tranh phần” thắp giúp. Bởi chúng hiểu, với chừng 100 cây hương được đốt cùng lúc, ai không quen sẽ biến bó hương trở thành... ngọn đuốc và khó dập được lửa.

Tôi mỉm cười và cứ thế hướng đôi mắt mình về phía những cái dáng nhanh nhảu ấy. Thấy tôi hỏi thăm về khu mộ của các liệt sỹ người Hải Phòng, một bé trai chừng hơn 10 tuổi đứng cách tôi vài bước chân vội trả lời như sợ có ai tranh mất phần công việc của mình: “Ở khu 5, để em dẫn chị đi”. Nói rồi, nó lon ton chạy trước mà quên mất công việc chính nó được bố mẹ giao cho khi vào khu vực Nghĩa trang Trường Sơn là bán hương cho khách để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.

Xã hội - Chuyện kể về những 'tình nguyện viên nhí' ở Nghĩa trang Trường Sơn

Những "tình nguyện viên nhí" tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn

Đứng trước khu tập kết mộ liệt sỹ người Hải Phòng hy sinh trong cuộc chiến tranh gìn giữ, bảo vệ quê hương trên các nẻo đường Trường Sơn, thằng bé đọc vanh vách: “Ở khu vực các liệt sỹ người Hải Phòng có 275 ngôi mộ”.

Nói xong, dường như nó không để ý tới sự ngạc nhiên của tôi trước trí nhớ và sự tỉ mỉ ấy, nên đề nghị được đi đốt hương giúp tôi. Chỉ một lát sau, nhóm bạn gồm 4 bé trai khác cũng chạy tới thêm chân, thêm tay giúp tôi thắp hương cho các liệt sỹ. Dường như, đó là công việc chúng muốn được làm cùng khi có ai đó vào đây thắp hương các liệt sỹ.

- Ở đây có tổng bao nhiêu ngôi mộ? – tôi hỏi để thử trí nhớ của những đứa trẻ ấy.

- Tổng là 10.275 ngôi mộ - đứa nào cũng tranh phần được trả lời.

- Vậy mỗi tỉnh thành sẽ có một khu riêng hay như thế nào? – tôi tiếp tục hỏi.

- Hà Nội chia làm 2 khu là Hà Nội và Hà Tây (cũ). Một số tỉnh thành gộp lại trong một khu là: Bắc Kạn – Thái Nguyên, Phú Thọ - Vĩnh Phúc, Hà Giang – Tuyên Quang – đứa trẻ lớn tuổi nhất đại diện đưa ra thông tin.

- Ở đây tỉnh thành nào có nhiều mộ phần của các liệt sỹ nhất, tỉnh thành nào ít nhất? – tôi gặng hỏi thêm.

- Nghệ An nhiều nhất có 1.262 mộ, tỉnh có ít nhất là Lai Châu với 7 ngôi mộ - những đứa trẻ ấy lại tiếp tục tranh phần nói của nhau.

Tận tình giúp tìm mộ liệt sỹ

Và có ngồi trò chuyện với những đứa trẻ ấy tôi mới hiểu thêm những gánh nặng mưu sinh sau những buổi lên lớp; những khát khao được lập thân, lập nghiệp, được yêu thương, sẻ chia; và đặc biệt là công việc chúng âm thầm làm phía sau những nén hương mang đi bán ấy...

Chúng tôi áng chừng trong khu vực Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn có khoảng 30 đứa trẻ từ 8 – 15 tuổi đang làm những công việc như vậy và một bà cụ cũng đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Hoàng Sơn Thân (xóm Cồn, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh) rỉ tai tôi bảo: “Bọn em tự nhớ con số các ngôi mộ ở trong đây, chỉ mất khoảng 1 tháng để nhớ thôi”.

Thân là con lai giữa hai dòng máu người dân tộc Kinh và dân tộc Vân Kiều, và là con cả trong gia đình thuần nông có 3 anh em trai. Tranh thủ ngày nghỉ và những lúc không phải đi học, Thân lại cùng đứa em trai lên 9 của mình đi bộ trên quãng đường gần 3km để vào đây bán hương. Công việc ấy đã được Thân làm từ khi lên 10 tuổi.

Mỗi ngày bán được chừng 5 bó hương với số tiền thu về khoảng 100 nghìn đồng chưa tính lãi, nhưng với cậu bé học lớp 7 ấy thì đó là cả niềm vui. Thân bảo, khi em bắt đầu hiểu chuyện đã được bố mẹ kể cho nghe về sự hy sinh của bộ đội ta trong các chiến dịch giải phóng đất nước. Tuy chưa một lần rời khỏi mảnh đất Vĩnh Trường nhưng em cũng biết, khắp mảnh đất Quảng Trị đâu đâu cũng có những vết thương của bom đạn, mỗi vùng đất đều là một vùng lịch sử đang sống lại từ những đau thương của chiến tranh...

Khi được hỏi về thành tích học tập của mình, Thân bẽn lẽn: “Em học giỏi nhất môn Vật lý, điểm môn Lịch sử em không nhớ mình được bao nhiêu. Em chỉ được học sinh tiên tiến và chưa bao giờ đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mỗi lần vào đây em thích nhất được đi đốt hương giúp mọi người vì như thế em thấy mình có rất nhiều cảm xúc và thêm một lần em được đọc tên từng liệt sỹ”.

Như muốn nói thêm điều gì, Thân lại cúi gằm mặt lí nhí: “Em không hiểu nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng mỗi lần đi qua các khu mộ, em đều ghé các mộ và thầm nhớ tên của các liệt sỹ. Liệt sỹ Nông Văn Dần người Cao Bằng, liệt sỹ Nguyễn Thị Tam người Hải Phòng...”. Và nơi Thân cùng các bạn hay ghé qua là khu mộ của các liệt sỹ người Hà Nội. Chỉ đơn giản một điều, khu ấy gần ngay tượng đài chính và nơi đó, thường có nhiều người tới thắp hương.

Xã hội - Chuyện kể về những 'tình nguyện viên nhí' ở Nghĩa trang Trường Sơn (Hình 2).

Thân (cúi cầm bó hương) đang châm hương giúp những ai tới Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn 

Còn với Hồ Văn Phong (thôn Gia Vòm, xã Vĩnh Trường), em tới đây chỉ với mục đích, được là người dẫn đường cho những ai tới thắp hương có thể tìm nhanh nhất tới khu mộ cũng như ngôi mộ mình đang tìm. Học lớp 8 nhưng nom Phong lớn và chững chạc hơn Thân khá nhiều. Chính vì thế, mỗi lời nói của Phong đều được nhóm trẻ ở đây nghe theo. Phong học giỏi môn Toán nên với em, việc nhớ được số mộ tại nghĩa trang này không có gì là khó.

Phong kể, ngày đầu mới vào đây, đã có lần em khóc khi đứng trước tượng đài chính. Đi nhiều, những cảm xúc trong em tưởng đã chai sạn nhưng em vẫn không cầm được nước mắt mỗi lần dẫn ai đó đi thắp hương em bắt gặp ông bố, bà mẹ đứng lặng người bên phần mộ con mình. “Bố mẹ cũng rất ủng hộ em làm việc này”, Phong thì thầm.

Và cậu bé 13 tuổi ấy cũng chưa một lần bước chân ra khỏi mảnh đất Vĩnh Trường, địa danh lịch sử em biết tới chỉ là Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, nhưng qua lời kể của khách thập phương, qua sách vở, Phong ấn tượng nhất với mảnh đất Hải Phòng vì đơn giản, ở đó có nhiều hoa phượng đỏ. Những suy nghĩ thuần khiết, những câu chuyện vô tư của cậu bé ấy, cứ thế lôi cuốn tôi trong buổi trưa muộn ở mảnh đất lịch sử này. Phong bảo, bình thường bọn em về nhà lúc 11h trưa ăn cơm rồi lại đi bộ ra đây nhưng hôm nay, chúng “phá lệ” ở lại thêm giờ vì câu chuyện với chúng tôi vẫn chưa có hồi kết.

Làm tình nguyện viên dẫn đường là thế và món quà mà Phong nhận về cũng chỉ đơn giản là chiếc bút, tập vở hay lớn nhất là chiếc cặp. Đơn giản thế thôi nhưng Phong và các bạn lại rất thích vì đó là phần thưởng, sự khích lệ cho công việc các em đang làm.

Cuối mùa xuân, trời trưa Quảng Trị vẫn là cái nắng gắt đến cháy da thịt. Những đứa trẻ người dân tộc Vân Kiều ấy lại tản đi các nơi, đứa bán hương, đứa đốt hương cho khách, đứa thắp hương và cả những đứa dẫn khách tới các khu mộ... Dường như trưa nay chúng không muốn trở về nhà mà muốn được làm các công việc ấy...   

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.