Làm cách mạng từ thuở 15
Ngày giáp Tết, dù quay cuồng với bao công việc tôi vẫn quyết định trở lại thăm gia đình ông Long tại thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, Đông Anh (Hà Nội). Tôi sợ rằng nếu chậm trễ sẽ không còn có cơ hội được trò chuyện với người chiến sĩ lão thành cách mạng đáng quý đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, chịu đủ cực hình đau đớn nơi ngục tù Côn Đảo. Nay đã ở tuổi gần 90, mắt đã mờ, chân đã chậm, hàng ngày chỉ húp được lưng bát cháo nhưng vị cựu tù nhân chính trị Côn Đảo ngày nào vẫn giữ nguyên tấm lòng kiên trung trong sáng. Ông cười móm mém: "Tôi đi làm cách mạng không có đòi hỏi, mong muốn gì cho riêng mình. Chỉ mong Tổ quốc được yên bình, mọi người cùng được hưởng cuộc sống ấm no".
Được biết, ông Lê Thành Long là một trong hơn 60 người tù Côn Đảo còn sống sót hiện nay. Ông sinh năm 1927, quê ở ấp Tân Qưới, làng Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông kể: "Cha mất sớm gia đình nghèo đông con nên hơn 10 tuổi ông phải ra Sài Gòn đi ở đợ để có tiền gửi về cho mẹ nuôi em. 15 tuổi đi theo cách mạng, gia nhập Thanh niên Tiền phong sau này là Thanh niên Cứu quốc. Ngày ấy, cậu bé 15 tuổi Lê Thành Long chỉ nghĩ đơn giản rằng, đi theo cách mạng để mình và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khổ, để mọi người có được cuộc sống sung sướng hơn".
Năm 1947, cách mạng cướp chính quyền, ông tham gia hoạt động trong đội ngũ Công an xung phong, sau là Công an xung phong Sài Gòn-Gia Định-Tây Ninh. Do cơ sở bị bại lộ, ngày 10/10/1949 ông bị địch bắt tại khu vực chợ Rẫy quận 3 (Sài Gòn), địch đưa ông vào sở Mật thám Đông Dương. Tại đây, ông bị địch tra tấn đánh đập dã man trong 21 ngày đêm. Không khai thác được gì, chúng đưa ông về khám Chí Hòa. Sau đó ông bị kết án 20 năm tù và bị đày ra Côn Đảo.
Nhớ lại những ngày gian khổ ấy, ông kể: "Ra đến Côn Đảo, tù nhân bị đánh từ bến tàu vào đến ngục, trong suốt gần một tháng đầu tiên ở Côn Đảo không ngày nào không bị đánh dã man. Bữa ăn của tù nhân là lưng gáo dừa cơm gạo hẩm, cá khô mục rữa... thấm cả máu. Bọn cai ngục tàn bạo đã dùng gậy gốc mây gắn đinh đánh lên đầu tù nhân, trong cả lúc ăn bởi chúng muốn các chiến sĩ cách mạng phải khuất phục, phải gục ngã trước những trận đòn hiểm ác. Không nao núng trước những trận đòn thù, các chiến sĩ vẫn kiên trung bất khuất.
Vợ chồng ông Lê Thành Long với PV báo ĐS&PL.
Cuối năm 1952, giữa lúc thực dân Pháp đang căng sức rải quân chống lại quân chủ lực của ta ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thì vào ngày 12/12/1952 ở Côn Đảo các tù nhân chính trị đã tiến hành một cuộc vượt ngục quy mô lớn. Các chiến sĩ cách mạng vượt biển trên những con thuyền thô sơ, phải đối mặt với biển cả hung dữ. Với sự thôi thúc của khát vọng tự do, họ dồn hơi sức cho nhau để đè sóng mà bơi, nhưng trong những giây phút nguy nan, cần phải chọn 5 người nhảy xuống biển cho thuyền nhẹ bớt không bị chìm, ai cũng muốn nhận sự hy sinh về mình, nhường sự sống dù là hy vọng mong manh cho đồng đội. Tuy nhiên, do điều kiện thiên nhiên không ủng hộ và những chiếc thuyền để lâu gỗ đã mục nên cuộc vượt ngục Côn Đảo không thành công, 81 chiến sĩ hy sinh nơi biển cả.
Ông Long xúc động kể lại: "Chúng tôi còn ở trên bờ làm công tác tổ chức cho anh em đi trước, mình đi sau nên còn sống sót. Nhưng tất cả anh em còn lại phải đối mặt với sự trả thù hèn hạ của quân thù. Sau ngày vượt ngục, ngày 13/12/1952 tên chúa đảo đã cho xe chở một bó roi mây đổ vào sân banh III rồi trực tiếp chỉ huy binh lính xông vào từng phòng khủng bố. Địch khủng bố liên tiếp hai ngày, sau đó bắt 60 tù nhân chúng cho là cán bộ chủ chốt giam vào chuồng cọp. Sau 30 ngày không tra hỏi được bất cứ thông tin nào về cuộc nổi dậy vượt ngục, chúng phải thả các tù nhân về lao".
Sau khi hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký kết năm 1954, ông Long và các tù nhân chính trị được trả tự do. Ông cho biết: "Đến ngày trao trả tù binh ở bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), quân địch vẫn tiếp tục đánh tù nhân và định lật lọng không trao trả khiến một số đồng chí đã phải nhảy xuống biển hoặc bị bắn chết".
Qua hai cuộc chiến vẫn giữ lòng trắng trong
Sau khi được trả tự do ra miền Bắc, tổ chức phân công ông về bộ Bưu điện. Ông đã cùng các đồng chí của mình tham gia làm đường, xây dựng đường sắt. Trong thời gian này, ông được đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng ban Thống Nhất khi đó điều ông về lái xe cho đồng chí Trường Chinh, sau 6 tháng phục vụ đồng chí Trường Chinh, năm 1960 ông được cử về bộ Nông trường quản lý đội xe con thuộc cục Cung Tiêu. Ông vẫn tâm niệm, thời chiến cũng như thời bình, tổ chức phân công làm gì mình làm nấy, không nề hà việc gì, cốt sao được phục vụ cho Đảng, cho dân.
Năm 1970, được đồng chí Phạm Hùng triệu tập, ông trở lại mặt trận miền Nam tiếp tục hoạt động ở đơn vị BS69 của Tổ chức Trung ương Cục miền Nam cho đến ngày Sài Gòn giải phóng, đất nước độc lập. Năm 1975 ông về trở về bộ Bưu Điện công tác ở Công ty Bưu điện Gia Định.
Năm 1980 nghỉ hưu ông cùng vợ con chuyển ra Bắc. Lúc này kinh tế gia đình hết sức khó khăn, với đồng lương ít ỏi, ông phải đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn. May mắn cho ông có được người vợ hiền đảm đang. Bà vốn là người con gái ngoại thành Hà Nội đẹp người đẹp nết nhất thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bà đã cùng ông chịu đựng những ngày gian khó nuôi dạy 3 người con nên người, chăm sóc ông những lúc trái gió trở trời vết thương của những ngày tù ngục lại hành hạ. Nhưng không may bà mắc bệnh hiểm nghèo và sớm qua đời.
Khi các con đã trưởng thành, lúc này ông Long đã tuổi cao sức yếu nhưng thật may mắn ông gặp được người phụ nữ kém ông 34 tuổi. Bà Đào Thị Khiêm, trước là thanh niên xung phong. Thương hoàn cảnh ông Long, bà quyết định gắn bó, yêu thương chăm sóc ông. Có mặt tại ngôi nhà mái tôn đơn sơ nằm trong xóm Máy cày, thôn Thiết Úng trong những ngày đông lạnh giá, chúng tôi thật sự trân trọng tình cảm ông bà dành cho nhau. Những ngày giáp Tết, sức khỏe ông không được tốt, chiếc xương sườn bị gãy và những vết thương do địch tra tấn khiến ông đau nhức không ngủ được. Cả cuộc đời hy sinh cho cách mạng, ông không đòi hỏi gì cho bản thân mình dù hiện nay cuộc sống của ông rất nghèo. Khi được hỏi sao ông không yêu cầu gì để có cuộc sống tốt hơn, ông mắng: "Bác Hồ hy sinh cả cuộc đời cho dân cho nước có đòi hỏi gì đâu? Hy sinh cho Tổ quốc mình mà đòi hỏi à?". Tôi ngỡ ngàng trước câu nói khẳng khái của ông và chợt thấy cay cay nơi khoé mắt.
Qua ông Long, chúng tôi tìm gặp ông Lý Hải Châu, tổng đại diện tù nhân Khám Chí Hòa. Ông Châu là thủ trưởng cũ của ông Lê Thành Long, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đã dùng ngòi bút để đấu tranh với kẻ thù khi ở trong lòng địch, cũng là một trong những cựu tù nhân Côn Đảo. Ở tuổi 90, sức khoẻ rất yếu, nói không còn rõ tiếng nhưng ông vẫn thều thào nhắc đi nhắc lại hai chữ Tổ quốc và mong muốn các thế hệ thanh niên hôm nay hãy luôn nghĩ về Tổ quốc thiêng liêng.
Được tiếp xúc với hai cựu tù nhân Côn Đảo, chúng tôi càng cảm thấy trân trọng hơn những chiến sĩ lão thành cách mạng, những tù nhân Côn Đảo ngày nào, giờ đây đã ở tuổi xưa nay hiếm. Các ông đã hy sinh cả cuộc đời cho dân, cho nước, đi qua hai cuộc chiến tranh, trở về sống giữa đời thường vẫn một dạ trắng trong. Chúng tôi thật tự hào về thế hệ cha ông đi trước. Xin được gửi đến các ông những lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay.
Nói đến ngục tù Côn Đảo, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người chiến sĩ cách mạng tiền bối đã từng bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Côn Đảo đã viết: "Côn Đảo là địa ngục trần gian, tuy nhà tù Côn Đảo không có cầu vồng, không có chó ngao, không có vạc dầu, không có lũ đầu trâu mặt ngựa. Nhưng Côn Đảo có Cầu Tầu 914, có kè Ma Thiên Lãnh, có hầm xay lúa, có chuồng cọp, có lũ cai ngục mất hết nhân tính đánh giết người không biết ghê tay. Tại nơi địa ngục trần gian ấy, những chiến sĩ cách mạng đã phải chịu biết bao sự đọa đầy về thân xác và tinh thần để giữ vững khí tiết của người Cộng sản, sẵn sàng hiến dâng cả cuộc mình cho nền độc lập tự do của dân tộc...". |
Hương Giang - Minh Phượng