Và may mắn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch hội Nhà Văn và Banchấp hành hội đương nhiệm cũng đồng tình với đa số ý kiến của hội viên nên đã chính thức có văn bản tới Quốc hội “từ chối” vinh dự này, nếu có.
Sáu hội chính thức từ chối gồm: Hội Nhà Văn, Hội Mỹ thuật, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Điện ảnh Việt Nam.
Năm nay tự nhiên vấn đề lại được xới lên, nghe nói vị ĐBQH nhưng là lãnh đạo hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh kiên trì với đề nghị này, dù nhiều người sẽ được “hưởng lợi” từ đề nghị này đã từ chối, từ mềm mỏng tới cương quyết.
Mới nhất, PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam cũng phải đăng đàn về việc này.
Xin trích dẫn một phần nội dung các báo đã đăng: “Nếu cứ logic có nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh ưu tú thì rồi thì chắc cũng phải có nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú, rồi kiến trúc sư nhân dân, kiến trúc sư ưu tú, họa sỹ nhân dân, họa sỹ ưu tú... Ý kiến của tôi xin không dám "đụng đến", càng không dám xúc phạm các NSND, NSUT đích thực đã được phong tặng và sẽ được phong tặng trong những năm tới. Tôi cũng khẳng định rằng (và điều này là hiển nhiên!): Những văn nghệ sỹ và trí thức, khi có đóng góp quan trọng, xuất sắc cho đất nước, cho nhân dân, họ thực sự có tài, thì Đảng, Nhà nước ta đã có chính sách trao tặng họ Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật và Khoa học, công nghệ. Trong lĩnh vực Nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh xuất sắc như Lâm Hồng Long, Chu Chí Thành... đã được tôn vinh ở mức giải cao nhất. Tôi chỉ bàn và băn khoăn về những lĩnh vực, những người đang sa đà vào danh hiệu hão.... Và cứ theo cái đà ấy, nhiều lĩnh vực khác (là nói đến lĩnh vực sáng tạo) cũng đề nghị (thậm chí là đòi) phải có cho họ những danh hiệu như thế. Có mà loạn! Danh hiệu nghệ sĩ, tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đang “lạm phát” ít nhiều đấy, đang có những tiêu cực của căn bệnh thành tích đấy."...
Tôi đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thế Kỷ, và nói thêm là, thực sự, các giải thưởng và danh hiệu nhà nước có vẻ như đã bắt đầu đủ. Còn danh hiệu nhân dân với ưu tú thì năm nào cũng có ý kiến ồn ào, trái chiều, mà những người được phong nó không còn “chói lọi” như nhân dân ưu tú ngày xưa nữa. Thậm chí gây ra những bất bình, so sánh, những hành động không đẹp như chiếm vai của đàn em (để đủ điểm), rồi chạy huy chương, các hội diễn trở thành các cơn “mưa” huy chương (để tích điểm). Nên các cuộc hội diễn của các ngành nghệ thuật nó mất đi sự thi thố, ganh đua trong sáng.
Có người đã thống kê, rằng cái giải thưởng Nhà nước với món nghệ sĩ nhân dân với ưu tú ấy là ta học của Liên Xô cũ. Nhưng suốt bao nhiêu năm cho tới khi tan rã, Liên Xô cũng cũng chỉ trao cho một số lượng rất tượng trưng.
Thời xưa các cụ ta có quan niệm “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”, là cái thời lấy làng làm trung tâm, nhưng nó cũng là một thứ danh hão, nên phải tìm mọi cách mua được cái danh, dẫu chỉ anh nhiêu anh xã cho mở mặt với hàng xóm dù vẫn đóng khố đánh dậm hàng ngày. Giờ thì, các loại danh hiệu như nấm sau mưa, mà nếu đi đâu, lỡ bị giới thiệu thiếu là ấm ức lắm. Ngay các danh hội viên các hội chuyên ngành ấy, cũng rất nhiêu khê. Về các tỉnh, ngồi nghe giới thiệu, bao giờ cũng phải kèm danh hiệu. Ví dụ, ông ấy hội viên hội ....đấy, trong khi cái cần giới thiệu là ổng có tác phẩm gì và như thế nào thì không nhắc, và không cần nhắc. Mà mới hội viên đã thế, kèm thêm cái giải thưởng Nhà nước, thêm cái nghệ sĩ ưu tú hoặc nhân dân, chao ơi là chói lòa.
Nên người ta mới hăm hở thế.
Tất nhiên không phải là tất cả, còn rất nhiều văn nghệ sĩ âm thầm sáng tạo, lao động nghệ thuật nghiêm túc, lấy tác phẩm là thước đo giá trị. Tất nhiên Nhà nước có quyền khen thưởng, động viên những tác giả, tác phẩm tốt, phục vụ cho mình và nhân dân, nhưng nó phải thực chất, để không hào phóng như huy chương ở các hội diễn và “mâm nào cũng đầy” nếu đề xuất ngành nghệ thuật nào cũng có nghệ sĩ nhân dân và ưu tú thành hiện thực...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.