3 lần "thót tim" khi điều trị cho bệnh nhân
Đã hơn 7 tháng kể từ ngày bệnh nhân Covid-19 là nam phi công người Anh khỏi bệnh và trở về nước, mỗi lần nhắc về ca bệnh đặc biệt này, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D, bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM không khỏi bồi hồi, nhớ lại những lần "thót tim" vì tình trạng bệnh nhân diễn biến nguy kịch.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Phong cho biết, đó là khoảng thời gian mà toàn bộ ê kip điều trị cho bệnh nhân chịu những áp lực nặng nề kinh khủng.
“Áp lực đè lên vai chúng tôi là rất lớn bởi không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều quan tâm đến ca bệnh này. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhân liên tục diễn biến phức tạp, nhiều lần nguy kịch đến mức đội ngũ y tế nghĩ rằng bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi.
Tuy nhiên, mọi người vẫn quyết tâm, làm việc với tinh thần rất cao và cuối cùng kỳ tích đã đến”, bác sĩ Phong chia sẻ.
Nói về những lần tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, bác sĩ Phong cho biết, có đến 3 lần mà cả ê kip phải “thót tim” vì nghĩ rằng bệnh nhân không thể sống được nữa.
Lần đầu tiên là khi bệnh nhân bắt đầu bị suy hô hấp. Lúc này, các bác sĩ chỉ định cho phải bệnh nhân vừa chạy ECMO, vừa lọc máu, vừa thở máy.
Điều khó khăn nhất khi cho bệnh nhân thở máy lâu dài là phải mở khí quản trong điều kiện bệnh nhân bị rối loạn đông máu.
“Để mở khí quản cho bệnh nhân, ê kip khi đó gồm tôi và 2 bác sĩ BV Chợ Rẫy, 2 bác sĩ BV Nhiệt Đới phải chuẩn bị các tình huống xấu xảy ra. Đúng như dự đoán, khi rạch dao ở đường cổ bệnh nhân, máu tuôn ra rất nhiều do chứng rối loạn đông máu.
Chúng tôi phải tích cực xử lý tình huống trên và cuối cùng thì ca mổ thành công. Đó là lần thót tim lần thứ nhất", Trưởng khoa Nhiễm D cho biết.
Lần thứ 2 là khi bệnh nhân đột nhiên bị tràn khí màng phổi khiến các bác sĩ phải nhanh chóng thực hiện dẫn lưu màng phổi.
Trong khi đó, bệnh nhân vốn đang vừa chạy ECMO, lọc máu, thở máy với chằng chịt những dây, ống được đưa vào người nay lại phải thêm một đường dẫn lưu vào phổi khiến tình trạng trở nên phức tạp.
Và cũng trong khoảng thời gian này, các bác sĩ đang phải chạy đua từng ngày để điều trị chứng rối loạn đông máu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phong kể: “Công việc rất là khó khăn, thuốc điều trị phải nhập về từ Đức trong điều kiện các đường bay rất hạn chế. Chúng tôi phải nhờ bộ Y tế can thiệp. Lúc này, nhóm bác sĩ quyết định dùng tạm loại thuốc chống đông khác có sẵn ở Việt Nam nhưng dự đoán thuốc chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn.
Đến ngày thứ 8, thuốc gần hết tác dụng, chúng tôi phải căng thẳng chờ đợi từng giây, từng phút. Cập nhật thông tin lô thuốc liên tục để có những hướng xử lý kịp thời. Rất may là đến ngày thứ 10 thì thuốc về đến sân bay, cả ê kip thở phào nhẹ nhõm”.
Lần thót tim cuối cùng và có lẽ cùng là lần kì diệu nhất là lúc các bác sĩ đưa bệnh nhân đi chụp CT.
Kết quả phim chụp khiến toàn bộ ê kip như chết lặng bởi phim phổi cho thấy phổi bệnh nhân chỉ còn 10% mô lành. Phương án ghép phổi bắt đầu được tính đến, Tuy nhiên, trên thực tế thì đây là phương án cực kỳ khó khăn và phức tạp, không dễ gì thực hiện.
Các bác sĩ được chỉ định tiếp tục hồi sức tích cực, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm điều trị cho bệnh nhân.
Và như có phép màu, vài ngày sau đó bệnh nhân có dấu hiệu tốt, kết quả cho thấy 30% phổi đã hồi phục. Đồng thời, hơn 10 ngày sau đó, bệnh nhân được xác định âm tình với virus Sars-CoV-2 và được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục chữa trị.
“Đó là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được trong hơn 20 năm làm nghề y. Sự thành công này không chỉ của riêng một cá nhân nào mà là sự đồng lòng của đội ngũ y, bác sĩ, sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ và các chuyên gia đầu ngành”, bác sĩ Phong tâm sự.
Đằng sau những chiến công
Ít ai biết đằng sau những thành công trong việc cứu sống nam bệnh nhân phi công là 65 ngày chiến đấu của rất nhiều lực lượng mà trong đó, đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp điều trị là những người vất vả hàng đầu.
Trưởng khoa Nhiễm D bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, ê kip trực tiếp chữa bệnh cho phi công người Anh gồm 15 bác sĩ và 30 điều dưỡng. Đây là một trong những ca bệnh có ê kip nhiều người nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, có một nhóm chat (trò chuyện trực tuyến) gồm tất cả những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về mọi lĩnh vực như hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, hô hấp, huyết học,… Những thông tin của bệnh nhân được đưa lên nhóm đều được bàn luận một cách tích cực để đưa ra một phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất đối với đội ngũ y, bác sĩ trong thời gian này vẫn là nguy cơ lây nhiễm rất cao. Bệnh nhân Covid-19 thứ 91 này có tải lượng virus rất cao, gấp nhiều lần những trường hợp bình thường, vì vậy yếu tố lây nhiễm được quan tâm hàng đầu.
Toàn bộ các y, bác sĩ trực tiếp chữa bệnh cho bệnh nhân được yêu cầu cách ly với gia đình và mọi người xung quanh trong suốt thời gian 65 ngày điều trị và 14 ngày sau đó. Các y, bác sĩ sau giờ làm được đưa về một khách sạn được sở Y tế TP.HCM và bệnh viện bố trí sẵn.
“Đó là khoảng thời gian vất vả với nhiều anh em đồng nghiệp của chúng tôi. Nhiều người có con nhỏ nhưng vì nhiệm vụ vẫn phải gác lại chuyện gia đình. Rất may chúng tôi được gia đình thông cảm và ủng hộ chống dịch.
Chúng tôi cũng thường xuyên gọi video về nhà, công nghệ bây giờ hiện đại chứ nếu như ngày xưa chắc mọi người sẽ nhớ nhà lắm", bác sĩ Phong nói.
Chia sẻ thêm về thành công của Việt Nam trong đại dịch Covid-19, bác sĩ Phong cho biết, đó là niềm tự hào của đất nước.
Công sức chống dịch không của riêng ai mà là của toàn dân tộc, là sự vào cuộc kịp thời của Bộ Chính trị; sự chỉ đạo tích cực của Thủ tướng, bộ Y tế; sự đóng góp nhiệt tình của những người ở tuyến đầu chống dịch; sự ủng hộ của bộ đội biên phòng, các anh em chiến sĩ.
Và điều quan trọng nhất là sự đồng lòng của người dân trong cuộc chống dịch Covid-19 của cả nước.