Huyền tích đình thiêng
Tiếp chúng tôi là cụ Nguyễn Quốc Sinh, 81 tuổi, thủ từ đình làng, tóc đã bạc trắng. Trong ký ức của cụ Sinh và các cụ cao niên, ngôi đình có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Trước đây, ngôi đình nằm tại vùng đất thấp, nước ngập liên miên, sau đó các cụ mới chuyển đình về vị trí hiện tại.
Theo thần tích còn lưu lại thì vào thời Đinh Tiên Hoàng có hai anh em họ Đặng quê ở động Hoa Lư (Ninh Bình) tài trí hơn người. Sau khi bố mẹ mất, cả hai anh em tìm đến trang Đăng Ân (làng Tiến Ân hiện nay - PV) cư trú, ngày đêm ôn luyện văn chương rồi mở lớp dạy học. Cảm phục tài đức của hai ông, khắp vùng, sĩ tử tìm về theo học ngày một đông.
Cây thị nghìn tuổi làng Tiến Ân không biết có từ bao giờ
Bấy giờ, trong nước có loạn mười hai sứ quân cát cứ khiến dân lầm than, khổ cực. Đinh Tiên Hoàng phát binh ở động Hoa Lư (quê cũ của hai ông họ Đặng), lại xuống chiếu cho các châu lựa chọn binh sĩ, thảo truyền hịch kêu gọi nhân sĩ trong nước hễ người nào văn võ song toàn, trí dũng hơn người, có thể đánh thắng giặc thì tìm về giúp sức.
Ngay sau đó, hai anh em họ Đặng về Hoa Lư xin gặp Đinh Tiên Hoàng bái mệnh. Nhận thấy, hai ông là người văn võ toàn tài, lại có phong thái uy nghi dũng trí, vua Đinh mừng lắm, liền phong cho cả hai chức Chỉ huy sứ, khao thưởng quân sĩ, cấp sắc phục rồi hạ lệnh cho cầm quân đánh giặc. Sau khi lĩnh mệnh, hai ông kéo quân tiến đánh sứ quân đóng ở trang Bảo Đà, chùa Bối Khê (phủ Ứng Thiên lúc bấy giờ) nhưng mãi không thắng.
Một đêm, khi đang nằm ngủ hai ông mộng thấy một người tự xưng là Đương cảnh thành hoàng ở trang Đăng Ân tìm đến nguyện âm phù trợ giúp phá giặc, ngày sau sẽ cùng thờ phối hưởng. Giật mình tỉnh dậy, biết có thần nhân đi theo phù trợ nên sáng sớm hôm sau, hai ông đem quân xuất chiến, quả nhiên thế mạnh như vũ bão nên chẳng bao lâu đã hạ được thành, hạ thủ được tướng giặc.
Loạn mười hai sứ quân dẹp xong, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, thiên hạ được thái bình, vua triệu hai ông đem quân về kinh đô, phong thưởng rất hậu và ban cho hai ông thực ấp ở trang Đăng Ân.
Tạ ơn vua xong, cả hai ông "hóa về trời", dân thương tiếc, làm biểu dâng vua. Được tin, vua sai người trở về làm tế lễ rất long trọng và ban cho mọi người trong trang dựng đền để phụng thờ hai ông. Sau này, cả ba vị thần trong đình còn phù hộ đức vua âm phù đánh giặc Tống và được vua phong tước vị Đại vương.
Những chuyện lạ khó tin về ngôi đình thiêng
Ông Vũ Đình Chẩn, 70 tuổi, người có bố và ông nội từng nhiều năm liền hương khói đình, kể: "Những năm chống Pháp, Mỹ các ngôi đình trong vùng bị phá sạch, duy chỉ có đình làng tôi không bị phá. Ngày đó, xung quanh đình còn hoang hóa, nhiều cây cối rậm rạp, quân Pháp giương súng cỡ lớn định bắn vào đình nhưng điều kỳ lạ là đạn xịt, thối không nổ. Sau đó, một con rắn rất to bò ra khiến lính Pháp hoảng sợ, rút súng ra bắn nhưng đạn cũng không nổ. Lúc này, lính Pháp rất hoảng sợ và rút quân, kể từ đó ngôi đình không bị phá nữa'.
Có duy nhất một quả bom rất lớn rơi xuống đúng khuôn viên đình nhưng quả bom bị thối, không nổ. Sau này các cụ cưa lấy vỏ bom làm kẻng làng.
Trong khuôn viên của đình có rất nhiều loại cây ăn quả, hàng cây xoài phía hậu cung gần tường rào xây bằng gạch đá ong. Cây xoài sai quả, xum xuê lề đường, trẻ con cũng có thể với tới nhưng chẳng ai vặt. "Hôm vừa rồi, có một chị đi bán bánh cuốn, lần đầu đi qua đình thấy cây xoài sai trái đã hái 4 quả mang về. Đến tối, có người khóc mếu gõ cửa mang lễ nhờ tôi khấn ngài tha cho. Hỏi chuyện mới biết, chị này mang xoài về nhưng không dám ăn, trong người thấy nôn nao khó tả.
Vài năm trước, có một ông đến mua nhãn, trèo kiểu gì mà ngã xuống gãy xương. Có người bảo do ông này không thắp hương xin phép "ngài" trước nên bị ngã.
Trước đó, có nhiều cháu tự hái quả trong đình ăn, về bị đau bụng, bố mẹ hỏi, biết chuyện, mang lễ ra đình nhờ khấn vái mới khỏi", ông Sinh, thủ từ đình chậm rãi nói.
Ngôi đình làng Tiến Ân có 13 đạo sắc phong do vua ban.
Cây thị "báu vật" của làng
Đã làm hồ sơ đề nghị công nhận cây di sản "Ngôi đình và cây thị nghìn tuổi ở làng Tiến Ân nằm trong di tích lịch sử của xã từ lâu. Câu chuyện linh thiêng chưa được kiểm chứng nhưng người dân trân trọng những giá trị cổ xưa ấy là rất tốt. Ngôi đình và cây thị như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân làng. Hiện, ban văn hóa của xã đã làm hồ sơ lên cấp trên đề nghị công nhận cây thị của làng Tiến Ân là cây di sản, bởi chưa có nhà chuyên môn, các nhà khoa học xác định được cây thị bao nhiêu tuổi", ông Lê Quý Ngọc, cán bộ văn hóa xã Thủy Xuân Tiên nói. |
Nhắc đến cây thị nghìn tuổi, các cụ cao niên trong làng vẫn nhắc đến việc cây thị có trước ngôi đình. Bởi ngày xưa, làng Tiến Ân ở vùng đất quanh năm ngập nước, cách vị trí bây giờ hơn một cây số, khi các cụ khai hoang tìm vị trí cao hơn thì thấy một gò đất nổi cao và cây thị to sừng sững. Các cụ về bàn bạc và quyết định dời làng và đình về gò đất có cây thị.
Theo các cụ cao niên trong làng, "cụ thị" không biết có từ bao giờ, ba bốn đời trước, cây thị đã mọc sừng sững gần đình làng rồi. Ước tính, cây thị đến cả nghìn tuổi, qua bao năm tháng, cây thị đã quá già hiện phần ruột trong cùng của cây đã bị rỗng nhưng vẫn xanh tốt. Gốc thị phải mười người ôm không xuể, hàng năm vẫn ra quả. Người làng Tiến Ân bao đời nay dành cho "cụ thị" một tình cảm đặc biệt và họ coi như một "báu vật", che chở và phù hộ cho dân làng.
Ông Đỗ Bá Đàm, nhà sát gốc cây thị nghìn tuổi và được giao nhiệm vụ hàng ngày trông nom, cho biết: "Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thanh niên Tiến Ân lên đường nhập ngũ rất nhiều, nhưng điều kỳ lạ rất ít người hy sinh. Trong khi đó, các làng bên hy sinh rất nhiều. Chống Pháp làng Tiến Ân có 60 người đi mà chỉ có 2 liệt sĩ, còn chống Mỹ cả làng hơn hai đại đội khoảng hơn 100 người mà chỉ có 10 liệt sĩ".
Cũng theo ông Đàm, đặc biệt, hàng năm cây thị vẫn cho hai loại quả, một loại quả rất to đến 6- 7 lạng/quả, một loại quả bé chỉ bằng hai đầu ngón tay. Quả thị to, ăn rất thơm và khi chín có màu vàng đỏ. Người dân muốn ăn thị hay mang về thắp hương phải mang lễ vào đình làng xin mới được hái. Nếu tự ý động chạm đến "cụ thị", không biết điều gì sẽ xảy ra. "Ngày trước có một thầy địa lý đi qua, tự nhiên phán rằng, làng này có ngôi đình và cây thị ở thế chữ đinh, mặt ngoảnh về con sông Bùi, lưng tựa sơn. Ngôi đình và cây thị sẽ hộ mệnh và phù hộ cho dân làng", ông Đàm nói.
Thiên Vũ