Hai lần “thượng sơn tầm đạo”
Nhận lời mời của trụ trì chùa An Sơn, ông Đạo Dừa ở lại đây du ngoạn “cảnh non xanh nước biếc” của vùng Bảy Núi (huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang) nhưng thực chất là để thăm dò trước ngày đi vào “con đường đạo”. Ban ngày, ông lùng sục khắp vùng Núi Tượng (nay thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tìm hang sâu, động thẫm, chọn chỗ thanh vắng tịnh tu một mình.
Bà Nguyễn Thị Út cho biết: “Sở dĩ Cậu Hai không tu trong chùa là vì cậu không muốn chung đụng với một số tăng ni chưa vứt bỏ tâm tánh ích kỷ phàm tục. Sau khi tìm được chỗ ưng ý, cậu trở lại chùa, chuẩn bị một mâm trái cây trước dâng lên cúng Phật, sau xin trụ trì cho được xuất gia”.
> Đọc thêm: Chuyện kỳ bí về ông Đạo Dừa bỏ 'cõi tạm' lên non 'tầm đạo'
“Thánh địa” ông Đạo Dừa nay là khu du lịch nổi tiếng Bến Tre.
Sau cuộc trò chuyện, trụ trì chùa không đồng ý để ông xuất gia vì cho rằng ông chưa dứt nợ trần. Mặc dù gia đình không phản đối, ngăn cản việc ông xa lánh hồng trần, nhưng trong lòng không hề muốn chuyện này xảy ra. Những ngày ông ở vùng Bảy Núi, cha mẹ, vợ con ở quê nhà lúc nào cũng trông ngóng, đứng ngồi không yên. Theo lời trụ trì, ông xuống núi nhưng chưa muốn về nhà. Ông ghé qua Hà Tiên thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên cho lòng khuây khỏa.
“Khi cậu về quê, gia đình hết sức ngạc nhiên và vô cùng mừng rỡ vì ai cũng nghĩ cậu đã “một đi không trở lại”. Quyến luyến nghiệp tu hành nên cậu xin gia đình lập một cái am nhỏ cách nhà khoảng 500 thước (mét) để vừa tịnh tu vừa ra sức báo hiếu song thân”, bà Út cho biết.
Người dân trong làng thường đem chuyện của ông ra bàn tán trước đám đông. Nhưng lời lẽ gièm pha của thiên hạ không làm lòng ông lay chuyển và một mực hướng đạo. Đêm khuya, ông thường đánh chuông cúng. Tiếng chuông vang vọng khắp thôn xóm. E ngại việc này kéo dài sẽ làm phiền hà bà con, gia đình, nhất là thân phụ ông lên tiếng quở trách. Về sau, ông không còn “vọng chuông gióng trống” mà chỉ ngồi tịnh tu.
Có lần, ông xuống Gò Công ở bên nhà cha mẹ vợ một thời gian rồi trở lại vùng Bảy Núi. Bà Út kể tiếp: “Lần này, Cậu Hai khẩn thiết xin phép cha mẹ, vợ con, anh chị em trong gia đình hai bên để trở lên núi tu. Trước lời khẩn cầu của Cậu, mọi người đều đồng ý. Họ biết rằng nếu có giữ Cậu lại thì cũng chỉ giữ được thể xác còn linh hồn Cậu đã dành cho đạo”.
Mồng 3 tháng Chín năm Ất Dậu (1945), ông trở lại vùng Bảy Núi lần hai và cuộc đời chính thức lật sang một trang mới. Ông lánh đời về với đạo. Cuộc đời của người giàu sang tìm đến khổ hạnh, đi từ cái có đến cái không. Trở lại Bảy Núi lần này, ông được trụ trì chùa An Sơn vui vẻ tiếp đón và thâu nhận làm đệ tử. Ban đêm ông xin sư phụ cho ngồi bên mái hiên chùa để hành đạo. Ban ngày, ông lên núi ngồi tọa thiền. “Cậu Hai có nhắc, ngày đầu tiên lên núi, cậu tìm thấy cái hang, cây cối phủ um tùm. Cậu dọn dẹp mới phát hiện đây là một cảnh thiên nhiên huyền bí. Trước cửa hang có một cây trổ bông tím, trái giống như hột chuỗi bồ đề. Dưới chân là những tảng đá lớn. Cậu ưng ý và chọn nơi này để tọa thiền, hành đạo và gọi đây là hang Bát quái”, bà Út chia sẻ.
Trong khoảng thời gian tịnh thiền hành đạo ở vùng Bảy Núi, dân gian thường hay thêu dệt và truyền tai nhau những chuyện ly kỳ đậm màu huyền bí về ông Đạo Dừa. Bà Út tiết lộ: “Sau 3 tháng ngồi bên hiên, Cậu Hai chuyển sang tọa thiền trên một tảng đá gần cột phướn trước chùa. Cậu nhờ mấy người trong chùa dựng bốn cây nọc để gác lên hai mái lá. Khi nào trời nắng, Cậu kéo úp hai mái lá lại, trời mát thì mở ra. Chung quanh tảng đá Cậu ngồi lộ ra “tứ linh”. Thường ngày, Cậu ngồi trên lưng con phụng tịnh và độ ngọ (giờ cơm của người tu hành). Những người trong chùa thường hay ra giễu cợt Cậu. Họ nói chỉ có “ông trời con” mới dám ngồi ở đây chứ người bình thường ngồi là bị thần linh quở phạt”.
Cũng theo lời bà Út thì chuyện này là do dân gian đồn thổi. Bà nghe được qua một số bạn đồng môn kể lại trong thời kỳ hưng thịnh của ông Đạo Dừa. Tuy nhiên, thực hư chuyện này đến nay chưa ai kiểm chứng.
Ông Đạo Dừa từng ví đanh tóc trên đỉnh đầu giống hình tượng đức Phật.
Quyết tu đắc đạo
Tấm lòng hướng đạo của ông Đạo Dừa khiến sư phụ ông cảm mến và tỏ ra rất hài lòng. Những ngày ông lên hang Bát quái tọa thiền, sư phụ ông tìm lên tặng một cái bình bát để ông mang theo thức ăn, nước uống trong lúc tịnh tu. “Thầy của Cậu Hai từng kỳ vọng Cậu sẽ nối chí thầy tổ để độ nhơn, cứu thế. Ông tặng Cậu cái bình bát của 3 vị tổ sư chùa An Sơn đã từng dùng. Sau này, Cậu Hai ôm cái bình bát đó đi khất thực khắp vùng Bảy Núi. Những người thiện tín trong vùng cúng dường trái cây, hoa quả, cậu đều để trong bình bát mang về chùa đến buổi thì độ ngọ”, Bà Út cho biết.
Thời gian đầu lên chùa An Sơn, ông còn dùng cơm. Dần dần ông chuyển sang “độ” (ăn) trái cây, rau củ vào giờ ngọ. Ông tọa thiền tại hang Bát quái khoảng 2 - 3 tháng rồi chuyển sang ngồi tịnh ở cột phướn trước chùa ròng rã 3 năm. Khác hẳn với các nhà sư ở đây, ông không xuống tóc, không tụng kinh gõ mõ mà chỉ ngồi tham thiền. Khi xả tịnh, ông ôm bình bát đi khất thực trong xóm nhà gần Núi Tượng. Đến giờ, ông trở về cột phướn độ ngọ chứ không độ ở bất kỳ nơi nào khác. Độ ngọ xong, ông lạy bốn phương, tám hướng một hồi lâu rồi bắt đầu tịnh niệm.
Trong những ngày ẩn tu, ông Đạo Dừa cố gắng thay hình đổi dạng để được giống đức Phật thuở xưa. Làm giống Phật tức là không giống chúng sanh. Khổ hạnh nào đức Phật từng trải qua, ông đều quyết làm cho giống y tất cả. Nhưng có một điều ông khó lòng làm giống Phật được đó là đầu tóc. Bà Út nhớ lại “Khi bước chân vào con đường đạo, cậu đã nguyện đem thân xác cúng dường cho Phật. Học theo khổ hạnh của Phật, dẫu có kiệt sức, rũ xác thân Cậu cũng cam. Cậu quyết chí thay đổi nhân dạng khi nào giống phật mới thôi”.
Ông về chùa An Sơn tìm đọc lịch sử của các vị Phật. Ông cố ghi nhớ đoạn nói về sự tích Phật Thích Ca ngồi thiền dưới gốc bồ đề để làm theo. Ông tỉ mỉ lấy kéo cắt ảnh đức Phật ra rồi lồng vào một cái khuôn kiếng nhỏ đeo trước ngực. Nhìn cảnh đó, nhiều người cười nhạo và cho rằng ông bị... điên nên mới làm như vậy.
Ông ngồi tham thiền, ngày đêm quán tưởng đến hình dáng đức Phật trong tấm ảnh. Một hôm, ông nhìn vào chánh điện thấy tượng Phật bằng đá cẩm thạch trắng. Trên đỉnh đầu, đức Phật có một đanh tóc. Ông vào thưa chuyện với sư phụ ngỏ lời xin xuống tóc để lại một chùm tóc trên đỉnh đầu như đức Phật. Ông nói: “Từ ngày con xa đời tìm đạo rũ bỏ công danh, lợi lộc, xa cả những người thân yêu trong gia đình. Xin thầy hoan hỷ cho con cạo đầu chừa lại đanh tóc chừng bằng cái bánh bèo trên đỉnh xoáy cho giống Phật”.
Bà Út cho biết: “Đường lối tu hành, ông không đi ngoài giới luật của nhà Phật. Từ việc độ ngọ đến tham thiền đều đúng bữa, đúng giờ không để trễ. Trông qua cái hạnh của Cậu Hai đi đúng hạnh Đầu Đà. Đêm, ngày, ông ngồi ngoài sương gió hành đạo. Chỗ ngồi chỉ là một tảng đá vuông khoảng 7 tấc. Khắp vùng Bảy Núi thời đó ai cũng cảm phục”.
Giặc Pháp dọa giết vì ngoại hình giống... người Nhật!? Có lần, quân đội Pháp dẫn một đại đội lính Lê Dương kéo đến vùng Bảy Núi lùng bắt những người lẩn trốn. Chúng thấy ông Đạo Dừa mặt mũi khôi ngô, đầu cạo trọc trên đỉnh xoáy có một đanh tóc. Chúng nghi ngờ đây là bọn Nhật giả hình, giả dạng. Chúng liền hướng đầu súng vào người ông dọa. Nếu ông không khai khẩu, chúng sẻ cho nổ súng. Trước tình thế đó, ông vẫn thản nhiên như không việc gì xảy ra. Ông bình thản lấy giấy, bút ra viết vài dòng chữ Pháp đưa cho tên chỉ huy: “Tôi không phải người Nhựt Bổn”. |
Vinh Điền