Nằm ngay dưới chân núi Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng), chùa Quán Thế Âm là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá về các bức tượng phật có từ nhiều thế kỷ. Vào cuối năm 2015, chùa Quán Thế Âm chính thức khánh thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam với 200 bức tượng các loại.
Chia sẻ Báo điện tử Người Đưa Tin, thầy Thích Huệ Vinh (trụ trì chùa Quán Thế Âm), chùa còn lưu giữ nhiều bảo vật quý giá, có giá trị mặt lịch sử lẫn tôn giáo khác. Ngoài 200 báu vật được giới thiệu trong bảo tàng, nhà chùa vẫn cất giữ nhiều bức tượng vì nhiều lý do khác nhau.
Trong số các hiện vật tại bảo tàng, bức tượng "Quan Âm tống tử" từng khiến cho các nhà nghiên cứu ngạc nhiên bởi giá trị ẩn sâu phía sau bức bạch ngọc này. Nó xứng đáng tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, được xem là một trong những cổ vật quý nhất trong bộ sưu tập hiện tại của chùa Quán Thế Âm.
Pho tượng điêu khắc hình Quan Âm tống tử ngồi trên tòa sen, hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan Âm, trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi. Y pháp nhiều nếp, diềm y có trang trí hoa dày, cổ đeo dây An Lạc. Quanh tượng trước đây còn được thếp vàng nhưng theo thời gian nay chỉ còn dấu tích chứng minh chủ nhân của mình là người trong hoàng tộc.
"Bức tượng không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa Phật giáo mà còn thể hiện nghệ thuật tạo hình, chế tác điêu luyện của người xưa. Qua bức tượng cũng biết được trang phục, tín ngưỡng, trình độ văn hóa nghệ thuật của thời vua chúa Nguyễn phát triển thịnh trị thế nào", thầy Thích Huệ Vinh nói về bức tượnng quý.
Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến (Ủy viên Hội giám định cổ vật - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cho biết: "Bức tượng "Quan Âm tống tử" thể hiện sự bao dung của Đức Phật thường được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, gỗ, sứ... Pho tượng bằng bạch ngọc là đặc biệt quý hiếm, chỉ có thể có nguồn gốc từ chốn cung đình xưa, chứ dân thường hay quan lại cũng không có bạch ngọc để sử dụng".
Xem lại sử sách, vị tiến sĩ này cho biết vào năm 1835, người dân núi Hòa Điền (tỉnh Quảng Nam) phát hiện được bạch ngọc và dâng vào cung cho chúa Nguyễn. Đó cũng là thời kỳ cai trị của vua Minh Mạng (trị vì từ năm 1820-1841). Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến nhận định khả năng thứ hai là bức tượng có nguồn gốc ngọc từ Myanmar hay Trung Quốc.
Nói về con đường lưu lạc của bức tượng đến chùa, thầy Thích Huệ Vinh kể lại: "Bức tượng này được một người dân hiến tặng khoảng thời gian khá dài trước đây, sau khi biết tin chùa Quán Âm sưu tầm cổ vật liên quan Phật giáo để mở Bảo tàng văn hóa Phật giáo. Người phụ nữ ấy chia sẻ mình vốn là con cháu mấy đời của chánh cung hay hoàng hậu trong cung vua".
Nghe người nhà kể rằng đây là bức tượng được bà chúa vô cùng yêu quý và sủng ái. Chuyện cũ nói lại rằng bà chúa rất mong có được "thai rồng" cho vua nên ngày đêm thắp hương, niệm phật và để bức tượng "Quan Âm tống tử" ở vị trí trang trọng nhất trong cung.
Bức tượng này đã qua nhiều đời và thậm chí có thời gian lưu lạc, mất tích khi triều Nguyễn sụp đổ. Mãi sau này khi đào giếng nước, gia đình người phụ nữ này mới phát hiện được kỷ vật vô giá này. Sau khi lưu lạc từ Huế vào Đà Nẵng, người nhà của bà hoàng triều Nguyễn cũng dấu kín nhiều năm qua và mãi sau này mới công bố khi hiến tặng chùa chùa Quan Thế Âm.
Vừa kể lại câu chuyện cũ, thầy Thích Huệ Vinh cũng cho biết, bà hoàng hậu xưa rất mực quý trọng kỷ vật này. Theo người nhà của bà hoàng kể lại rằng bà chúa còn phủ vàng dưới đế của bức tượng, nhưng do thời gian cũng như lưu lạc, bệ vàng phía dưới chân bức tượng cũng không còn.
Qua bụi mờ thời gian, vẻ đẹp và sự quý giá của bức tượng vẫn không hề mai một. Nhìn bề ngoài bức tượng "Quan Âm tống tử" đặc biệt hơn cả bởi được làm từ bạch ngọc nguyên khối quý hiếm; có chiều cao 29 cm, rộng 16,5 cm và nặng khoảng 5 kg.
Đến nay, câu hỏi về chủ nhân của bức tượng "Quán Âm tống tử" vẫn là một bí mật. Nếu chiếu theo lịch sử, bức tượng ra đời vào thời vua Minh Mạng (trị vì 1820-1841) hoặc vua Thiệu Trị (trị vì 1821 - 1847). Tuy nhiên, có khả năng bức tượng quý này liên quan mật thiết đến triều vua Tự Đức (trị vì 1847-1883).
Theo sử xưa, dù sở hữu hai bài thuốc "Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử" và "Nhất dạ lục giao sinh tứ tử" (còn được gọi là "Minh Mạng Thang") từ ông nội, nhưng vua Tự Đức lại không có được niềm vui như vua Minh Mạng.
Tương truyền, vua Tự Đức thể trạng yếu đuối, từ nhỏ mắc bệnh đậu mùa nên rất kém về đường sinh lý. Nếu vua Minh Mạng có sinh lực dồi dào, hưởng nhiều thú vui đời sống tình ái và sinh ra 142 người con thì vua Tự Đức lại mắc bệnh vô sinh và không có người nối dõi.
Trong "Khiêm Cung Ký", nhà vua cũng thừa nhận về tình trạng sức khỏe của mình: "Ta bẩm sinh bạc nhược, lúc mới ra đời thì mẹ ta lâm bệnh, đau đến hàng tháng mới lành, vú nuôi của ta không được cẩn thận, sạch sẽ. Mặc dù mẹ ta la quở, tính vẫn không chừa.
Người sợ ta hôn ám nên năm lên ba, liền dứt ngay, không cho bú nữa và tự ẵm bồng nuôi nấy. Từ đấy, ta ốm đau dai dẳng, nhiều phen lâm nguy, mẹ ta mai tối ôm ấp, hết sức cực nhọc".
Mọi phương thuốc đều vô tác dụng, vua Tự Đức từng ra chỉ dụ vào năm Bính Tý (1876) để thưởng công cho người giúp mình chữa được bệnh vô sinh. Tuy nhiên, mọi hy vọng của vị vua thứ 4 triều Nguyễn vẫn không thành.
Theo sử sách cũ ghi, Vua Tự Đức còn tuyển nhiều mỹ nhân tiến cung làm phi tần, tổng cộng ông có đến 103 người vợ. Đến năm 35 tuổi vẫn chưa có con, thậm chí vua còn hạ cố lấy một phụ nữ đã qua một đời chồng, có nhiều con mà vẫn không thành.
Lúc này, Vua Tự Đức đặt niềm tin vào tâm linh sai người đi cầu tự giúp vua tại chùa, đền, đình miếu có tiếng linh thiêng, cầu mong Trời, Phật, Thần, Thánh phù hộ cho đạt được ước nguyện.
Ông còn sợ chữ "Thiên" phạm húy với Trời, nên đổi tên một số chùa ở Huế như: chùa Thiên Mụ đổi thành Linh Mụ, Thiên Ấn đổi thành Từ Ân… Lý do cho hợp lẽ trời đất để cầu tự có con trai kế thừa ngôi báu, nhưng vẫn không thành.
Rất có thể bức bạch ngọc "Quan Âm tống tử" được sinh ra trong thời điểm đó và năm trong số 103 người vợ của Vua Tự Đức, khi mong muốn có được đứa con cho vua Tự Đức, rồi sau đó chiến tranh xảy ra rồi lưu lạc ra ngoài nhân gian. Bức màn bí ẩn lịch sử vẫn vây quanh bức bạch ngọc quý giá và càng làm cho bức tượng này thêm đặc biệt.
Cạnh bức tượng Quan Âm tống tử, bức tượng Bồ tát Quan Âm ngự trên con long ngư (đầu rồng mình cá) thuộc hàng "chưa từng xuất hiện ở đâu". Tượng cao gần 50 cm, nặng khoảng 7 kg bằng chất liệu đồng đúc, niên đại khoảng đầu thế kỷ 20.
Phần dưới bức tượng là hình con rồng một sừng, mình cá đang nhả ra cơn sóng dữ, khiến mặt biển cuộn trào. Ngự phía trên long ngư, Bồ tát Quan Âm cầm viên ngọc Định Hải Châu (viên ngọc làm cho sóng yên biển lặng) chế ngự.
Đầu năm 2015, một thượng nghị sĩ Nhật Bản đến thăm chùa Quán Thế Âm, khi nước này đang xây dựng Trung tâm văn hóa Việt - Nhật tại quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).
Trong buổi gặp mặt, thầy Thích Huệ Vinh khi đó đã giới thiệu về pho tượng "Bồ tát cưỡi long ngư" và ý định sẽ làm một pho tượng tương tự cao khoảng 2 - 3 m để tặng cho một ngôi chùa ở Nhật Bản, nhằm cầu an sóng thần cho đất nước mới trải qua thảm họa sóng thần vào năm 2011.
Đáp lại tình cảm, cuối tháng 10/2016, chùa Đông Đại Tự của Nhật Bản cũng vừa trao tặng chùa Quán Thế Âm bức tượng "Thập nhất diện Quan Âm" cao 88 cm, nặng 33 kg, được nhà điêu khắc Mizushima Iwane chùa Đông Đại Tự.
Đây là phiên bản của bức tượng Thập Nhất Diện Quan Âm – bức tượng Phật được vị sư Ấn Độ Bodhisena và Phật Triết thỉnh từ Ấn Độ sang và trở thành Quốc bảo Nhật Bản và thắt chặt mối quan hệ giữa hai chùa và 2 đất nước Việt Nam - Nhật Bản.
Để bảo vệ báu vật trong bảo tàng, chùa Quán Thế Âm đã làm mã số cho từng pho tượng đặt ở bảo tàng, lắp đặt camera, còi báo động và cắt cử người bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng kẻ gian đột nhập lấy cắp.
Đây là việc bất đắc dĩ khi Bảo tàng văn hóa Phật giáo của chùa có nhiều bảo vật quý giá và giúp khách du lịch, người dân có cơ hội chiêm ngưỡng nhưng bảo vật của nhà Phật tại chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng.
Nguyễn Tuấn