Có diện tích bề mặt là 9,4 triệu km2, chiếm 1/4 châu Phi, sa mạc Sahara xếp hạng thứ 3, sau Nam Cực và Bắc Cực.
Từ năm 1962 tới nay, sa mạc này đã rộng thêm gần 650.000 km2. Các phần của Sahara thuộc sở hữu của 11 quốc gia, gồm Libya, Algeria, Ai Cập, Tunisia, Chad, Morocco, Eritrea, Niger, Mauritania, Mali, và Sudan.
Khoảng 4.000 năm trước, đây vẫn là một vùng trù phú với nhiều loài động thực vật. Tuy nhiên, Trái đất thay đổi góc nghiêng từ 22,1 độ sang 24,5 độ theo chu kỳ 41.000 năm (hiện tại đang là 23,44 độ và giảm dần), khiến khu vực này trở nên khô cằn.
Sa mạc Sahara hiện giờ không có quá nhiều loài vật sinh sống. Nhưng cách đây khoảng 100 triệu năm, nó từng là mái nhà êm ấm cho một số loài động vật nguy hiểm nhất Trái Đất. Có lẽ nếu được quay trở lại lịch sử Trái đất, có lẽ sẽ chẳng ai dám đặt chân tới!
Các nhà khoa học quốc tế vừa tiến hành phân tích các hóa thạch tìm được ở phía Bắc vùng lãnh thổ Tây Sahara, thuộc thành hệ địa chất Kem Kem. Đây là một nhóm địa chất dọc biên giới giữa Morocco và Algeria được xem là "thời kỳ bùng nổ" các loài thú ăn thịt.
Nhóm nghiên cứu cho biết: "Sahara lúc ấy là rừng mưa nhiệt đới. Mặc dù chỉ giới hạn ở vùng Bắc Phi, nhưng Kem Kem có độ đa dạng sinh học vượt trội so với cả châu Phi hiện đại. Thành hệ địa chất Kem Kem được xem là nơi đáng sợ nhất trong lịch sử Trái Đất, một tọa độ mà bất kỳ kẻ du hành thời gian nào cũng sớm bỏ mạng".
Một vài mẫu hóa thạch có tuổi đời khoảng 100 triệu năm, con người chưa bao giờ tiếp xúc với những sinh vật cổ xưa này và chắc chắn cũng không muốn có bất kỳ va chạm nào.
Các hóa thạch của nhóm Kem Kem bao gồm các loài như khủng loang bạo chúa, khủng long Spinosaurus, dực long (thằn lằn có cánh), cá sấu thời cổ đại, rắn biển 12m, cá nước ngọt onchopristis mõm tua tủa đầy gai như dao găm nhìn rất đáng sợ và nhiều loài "quái vật" sống dưới nước.
Không chỉ vậy, sa mạc Sahara khô cằn từng sở hữu một thế giới kinh dị với bầu trời đầy những loài nửa giống chim, nửa giống bò sát, săn mồi trên những dòng sông với đôi cánh vĩ đại hơn đại bàng.
"Nơi đó toàn những con thủy quái khổng lồ, là tổ tiên của cá vây tay và cá phổi ngày nay nhưng to gấp 4-5 lần" - giảng viên David Martill từ trường ĐH Portsmouth (Anh) thuộc nhóm nghiên cứu cho biết thêm.
Biển Trans-Saharan Seaway trải dài từ bắc tới nam, tức từ Algeria tới Nigeria ngày nay và tách khỏi vùng biển lớn hơn trong thời gian dài. Theo nghiên cứu, sự tách biệt này hạn chế động vật ăn thịt và đảm bảo các nguồn tài nguyên luôn sẵn có, điều kiện hoàn hảo để động vật phát triển mà không bị kìm hãm.
Kết quả là nhiều loài ăn thịt đạt tới kích thước to lớn khổng lồ. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là gigantism, trong đó động vật bị cô lập có thể phát triển kích thước rất lớn do có nhiều thức ăn hơn, có ít động vật ăn thịt cạnh tranh hơn hoặc cả hai.
Năm 2014, một nghiên cứu về khí hậu kết luận sa mạc Sahara khô cằn mà chúng ta biết tới ngày nay hình thành cách đây khoảng 7 triệu năm khi các mảng kiến tạo dịch chuyển, tách rời Sahara khỏi các vùng biển lân cận.
Cuộc nghiên cứu này được xem là toàn diện nhất về chủ đề hóa thạch ở Sahara trong số các báo cáo từ năm 1936 đến nay.
Minh Anh (Nguồn ZooKeys)