Những quyết định và bản án vô lý
Như tin đã đưa, vào ngày 14/3/2012, bà Trần Thị Sắc đã thuê máy xúc đào ao lấy nước tưới trên mảnh đất đã được UBND huyện Chư Sê cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình đào đã gặp phải một hòn đá lớn chặn ngang nên bà đã thuê máy cẩu lên để tiếp tục công việc. Tuy nhiên, thấy hòn đá có hình thù và màu sắc đẹp nên bà Sắc đã đưa về nhà người quen ở cùng xã gửi để lau rửa, trau chuốt để trưng bày trong nhà. Trước đó, để đào ao lấy nước tưới cho vườn hồ tiêu, bà Sắc đã có đơn xin UBND xã H’Bông và được lãnh đạo chính quyền xã này chấp nhận.
Hòn đá trong vụ kiện đã được đưa ra trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (Pleiku, Gia Lai)
Ngày 28/3/2012, đoàn cán bộ liên ngành huyện Chư Sê đã đến lập biên bản tịch thu cục đá này đưa về trụ sở UBND huyện. Ngày 18/4/2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê đã mời bà Sắc lên và lập biên bản xử phạt hành chính vì hành vi “Vận chuyển khoáng sản trái phép”.
Tiếp đó, ngày 30/5/2012, ông Nguyễn Hồng Linh, chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã ký Quyết định số 17/QĐ- UBND xử phạt hành chính bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi “vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”, đồng thời tịch thu hòn đá, kèm theo hình phạt bổ sung: “tịch thu cục đá”.
Bất bình trước những việc làm của UBND huyện Chư Sê, ngày 8/6/2012, bà Sắc khởi kiện chủ tịch UBND huyện ra tòa án. Ngày 21/8/2013, Tòa án nhân dân huyện Chư Sê đưa vụ “kỳ án” này ra xét xử sơ thẩm. Ở phiên toà này, bà Trần Thị Sắc đã bị thua kiện với phán quyết: Bác toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện vì các văn bản được các cấp huyện Chư Sê ban hành nhằm tịch thu hòn đá của bà Sắc là đúng quy định của pháp luật?
Mặc dù trong suốt diễn biến tại phiên tòa, luật sư bảo vệ cho bà Sắc đã khẳng định toàn bộ các văn bản liên quan mà các cấp huyện Chư Sê ban hành để tịch thu cục đá đều trái quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy Quyết định số 17/QĐ-UBND của UBND huyện Chư Sê và trả lại cục đá cho nguyên đơn.
Đại diện UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) trả lời trước HĐXX tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong ngày 17/12.
“Đá gì cũng là khoáng sản”
Bất bình trước sự “vô lý" của bản án sơ thẩm, bà Trần Thị Sắc đã làm đơn kháng cáo và ngày 17/12/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án “hòn đá bị bắt giam” ra xử phúc thẩm. Ở phiên toà này, ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê, người đại diện cho UBND huyện Chư Sê, trước toà vẫn trung thành với lập luận rằng: “việc tịch thu hòn đá và quyết định xử phạt bà Sắc về tội vận chuyển khoáng sản trái phép” của huyện là đúng pháp luật; “không kể là đá gì, miễn là khoáng sản do người đào được, phát hiện được đều sẽ bị tịch thu, tạm giữ hết” và “tất cả các loại đá đều là khoáng sản, kể cả đá thẻ, đá xây dựng… đều tịch thu được (!?)”.
Tuy nhiên, theo đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai, huyện đã áp dụng luật không đúng vì theo quy định của Nghị định 77 về xử lý hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, thì huyện chỉ được tịch thu hòn đá trong trường hợp đá đặc biệt quý hiếm. Trong khi đó, hòn đá của bà Sắc đào được chỉ là loại đá bán quý. Do đó, việc huyện tịch thu hòn đá là trái pháp luật, trái đạo lý. Trong trường hợp này, lẽ ra huyện nên động viên người dân giao nộp hòn đá và hỗ trợ chi phí khai thác, vận chuyển thì huyện lại ra quyết định tịch thu và xử phạt, trong khi bà Sắc không hề chống đối…
Trước những lập luận của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai và Hội đồng xét xử, đại diện UBND huyện Chư Sê không còn lời nào để bào chữa nên đã yêu cầu Hội đồng xét xử tạm dừng phiên toà để thương lượng với nguyên đơn, là bà Trần Thị Sắc.
Yêu cầu của đại diện UBND huyện Chư Sê đã được Hội đồng xét xử và bà Sắc chấp thuận. Chậm nhất trong vòng 15 ngày, kể từ ngày mở phiên toà phúc thẩm, UBND huyện phải có văn bản trả lời về việc thương lượng. Nếu thương lượng không thành, vụ án sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử. Bà Trần Thị Sắc cho biết: “ngay từ đầu, nếu UBND huyện đồng ý thương lượng với tôi thì đã không có việc khiếu kiện kéo dài đến bây giờ. Nhưng muộn vẫn còn hơn không, tôi hi vọng giữa hai bên sẽ tìm ra phương án hợp lý. Nếu không, tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này đến cùng”.
Một điều đáng tiếc là trong phiên toà này, tang vật của vụ án là hòn đá đã không có mặt. Bởi lẽ nó đã được UBND tỉnh Gia Lai đưa đi trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, địa điểm trung tâm của thành phố Pleiku (Gia Lai).
Theo Khám phá