Bà Nguyễn Thị Hường (75 tuổi) sống tại một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ngôi nhà lẩn khuất phía sau chợ Phú Nhuận giờ là nơi nương náu của 20 nhân khẩu. Thật bất ngờ, 11 người trong số đó lại là anh em cùng một mẹ.
Con trai nhỏ hơn…cháu ngoại
Chỉ vào đứa nhỏ đang nằm ngủ ngon lành dưới đất, bà Hường trầm ngâm: “Nó là đứa út, tên Mai Cát Tường, mới hơn hai tuổi. Tới giờ nó còn chưa biết mặt mẹ”.
Người mẹ được nói đến chính là chị Trần Thị Uyên Phương (42 tuổi, còn gọi là Mén), vợ của anh Mai Thanh Tú (47 tuổi), con trai bà Hường. Chị Mén bỏ đi khi đứa con thứ mười một của mình vừa tròn hai tháng tuổi.
Bà Hường bồi hồi kể lại: “Ngày đó khi biết hai đứa nó quen nhau, tôi đã ngăn cản quyết liệt, vì thấy tính tình cả hai không hợp. Nhưng con trai tôi vì quá yêu mà cãi lời, nhất quyết dẫn về nhà sống như vợ chồng, chứ có cưới xin gì đâu”.
Mấy tháng sau ngày kết đôi, chị Mén sanh đứa con gái đầu lòng. Từ đây, bà Hường bắt đầu chuỗi ngày tảo tần cực nhọc khi vừa lo cho mấy đứa con thất nghiệp, vừa phải nuôi nấng thành quả của người con dâu mà bà chưa bao giờ thừa nhận. Theo lời bà Hường thì đứa thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư lần lượt ra đời đều đặn theo từng năm nhưng mặc lời khuyên của mọi người xung quanh, nàng dâu cứ đẻ xong rồi phó mặc hết cho mẹ chồng, ngày nào cũng đi đâu từ sớm đến tối mịt mới về, bỏ bê nhà cửa.
Đến đứa thứ sáu, bà Hường hoảng quá, nhờ chính quyền địa phương cử người tới tận nhà làm công tác kế hoạch hoá gia đình. Tưởng chị Mén đã hồi tâm chuyển ý nhưng ngờ đâu chỉ được một thời gian, đứa con dâu lại nâng “thành tích” của mình lên con số bảy. Thời gian thấm thoắt trôi qua, số con của chị Mén và anh Tú đã tròn chục nhưng chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại. Đến năm 2014, khi vừa hạ sinh bé Cát Tường thì cũng là lúc các băng nhóm giang hồ bủa vây khắp nhà, hậu quả của khoảng thời gian chị Mén mượn nợ bài bạc, đánh đề.
“Nếu nó (con dâu) không trốn nợ biệt tích, chắc giờ này đã đẻ thêm mấy đứa nữa rồi” – Bà Hường chua chát tiếp lời.
Cơn xúc động của người bà làm đứa nhỏ đang lăn lóc dưới nền giật mình, khóc ré lên. Lát sau, một cô bé từ trên lầu bước xuống ngồi cạnh cậu nhóc Cát Tường. Chúng tôi hỏi đó có phải là con thứ mười của vợ chồng anh Tú không, bà Hường lắc đầu: “Được vậy cũng là phước phần, đó là con của đứa con gái lớn đó. Ba tuổi rồi. Có ai lên chức bà ngoại rồi còn đẻ như nó nữa không….”
Người lớn buồn nẫu ruột, trẻ con vẫn hồn nhiên
Từ ngày chị Mén ra đi để lại khoản nợ mấy chục triệu đồng, dù đã nai lưng hứng gió đội mưa làm nghề phụ sửa xe lề đường, anh Tú phải xin thêm công việc bốc vác tại các bến cảng, nên ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Khoảng thời gian hiếm hoi hai mẹ con bà Hường trò chuyện cùng nhau mỗi ngày là lúc người con đưa cho bà khoản tiền 100.000 đồng, dặn dò mẹ gói ghém mua đồ ăn cho các con anh.
Quá đông nhân khẩu nên việc học của những đứa trẻ cũng lỡ dở. Cả thảy 11 đứa cháu của bà Hường chỉ duy nhất 1 người được học hết lớp 12. “Hiện còn tới 6 đứa đang trong độ tuổi đến trường. Ba nó lo ăn đã cực, tiền đâu mà cho tụi nó đi học đầy đủ, nên nợ học phí liên miên. Mấy lần tụi nhỏ bị nhà trường mời lên phòng giám thị làm việc, chạy về nhà khóc nức nở…”.
Nhưng thiếu thốn vật chất chẳng là gì so với nỗi đau tinh thần mà bà Hường phải gánh chịu. Mỗi lần bước ra đường, bà lão lại bị hàng xóm chì chiết. Người nhẹ nhàng thì bảo nhà bà là “cái máy đẻ”, kẻ nặng lời thì trù dập “đẻ nhiều làm gì để nặng gánh xã hội, sao không chết quách cho rồi”. Có lần, một cậu thanh niên đầu hẻm hỏi bà: “Con đố bác, một đội banh có bao nhiêu người”, bà lão hơi ngạc nhiên, lắc đầu không biết. Đến khi nhận ra hàm ý từ phía người đối diện, bên tai bà Hường đã ra rả những tràng cười.
Giờ đây bà Hường bảo bà cũng không còn dám đi chùa thường xuyên như trước, bởi danh tiếng về “ngôi nhà đông con nhất Sài Gòn” đã truyền đến tai những người bạn của bà. Đối diện với họ, bà cảm thấy mình không còn xứng đáng đứng giữa chốn trang nghiêm ấy nữa. “Tôi buồn và nhục nhã lắm. Dù mình không làm ra nhưng cũng có một phần trách nhiệm. Nhưng biết sao được, tụi nhỏ vẫn là cháu của tôi mà...” – bà lão trải lòng.
Hai năm nay, bà Hường mắc chứng đau cột sống, bệnh tim của bà cũng ngày một nặng vì suy nghĩ quá nhiều. Tấm thân già cỗi vẫn ngày ngày chăm lo từng bát cơm chén nước cho đàn cháu ngây thơ, chịu đủ mọi lời bàn ra tán vào không tốt.
Hi vọng từ nụ cười con trẻ
Khi người mẹ còn biền biệt phương xa, bà nội và cha sớm hôm nặng gánh lo toan, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên vui đùa cùng nhau. Ngoài hai người con đầu đã thành gia lập thất và ba người em khác đã lớn, 6 đứa trẻ còn lại vẫn hồn nhiên cùng nhau xua đi không khí nặng nề trong căn nhà.
Mỗi khi đi học về, các anh chị lớn lại tranh thủ giữ em phụ bà nội, đút cơm cho em ăn. Những đứa nhỏ chạy khắp đầu trên xóm dưới, hoà vào đám trẻ con hàng xóm, thân thiết như người trong nhà. Nhìn vẻ đáng yêu của chúng, những người hàng xóm cũng quên đi sự dị nghị. Thay vào đó, họ thương cảm cho cảnh tình hiu quạnh của đám trẻ khát tình thương của mẹ, thiếu hơi ấm từ cha.
Dù nợ học phí liên miên nhưng những đứa cháu của bà Hường rất chăm học. Nghe tiếng đọc bài ê a hoà lẫn tiếng lật sách, nỗi phiền muộn của bà Hường ít nhiều được khuây khoả. Nó như động lực để người bà bước tiếp trong quãng đời khó khăn sắp tới, để làm sao cho các cháu ăn học nên người. Bà vẫn hi vọng một ngày tất cả thành tài, trở về phụ giúp gia đình, xoá hết nỗi khổ đau của những tháng ngày cơ cực. Nhưng trước mắt, phải ráng giữ sức khoẻ để lo cho từng đứa học được năm nào hay năm nấy.
Dù bấp bênh, anh Tú con bà ít nhiều cũng đã có công ăn việc làm, cố tằn tiện cũng không sợ chết đói. Lâu lâu, anh lại gọi về hỏi thăm sức khoẻ mẹ, nghe tiếng cười nói ríu rít của đàn con mà trợ lực trên bước đường mưu sinh. Chứng kiến tình phụ tử thiêng liêng ấy, bà Hường bỗng nghĩ: “Biết đâu rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo này, tụi nhỏ mới có thể nên người”.
Đầu giờ chiều, trời đổ cơn mưa lất phất, những đứa trẻ đang chơi nhà hàng xóm ùa về, hỏi nội cơm chín chưa. Đứa nhỏ hơn thì lục lọi các góc phòng, tìm sách báo cũ, đồ chơi bày biện đầy nhà, vui đùa hét la ỏm tỏi. Bà Hường thấy lòng nhẹ tênh, xem tháng ngày vừa qua giống như một giấc chiêm bao. Ngày xưa bà cũng sanh đến sáu, bảy đứa con mà vẫn nuôi được đấy thôi, giờ nhiều hơn chút đỉnh thì có xá gì. Đám cháu đang yêu đang tuổi làm nũng, ngây khờ ấy nhắc cho bà nhớ một câu mà cha ông ngày xưa truyền lại, rằng con cái là của trời cho.
Trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ. Hi vọng cái quy luật ấy sẽ sớm ứng nghiệm với người bà giàu đức hi sinh, để trong một thời gian ngắn nữa, ngôi nhà đông con sẽ bớt thiếu thốn, trở thành ngôi nhà hạnh phúc nhất Sài Gòn.
Theo Trí Thức Trẻ