Vừa bước chân đến xã Phượng Mao, hỏi vài người dân nơi đây về “đền nổi tượng”, PV được người dân “tư vấn” từ đầu đến đuôi câu chuyện. Qua cách nói chuyện của người dân nơi đây, có thể thấy câu chuyện “pho tượng” chui lên từ lòng đất đang là chủ đề nóng của vùng nông thôn yên tĩnh này.
Tiếp chúng tôi, ông Lỗ Văn Tấn, một trong 3 người (cùng với ông Đinh Văn Tiến và ông Đinh Văn Dung) đứng ra trông nom đền Dốc Nghè cho biết, “pho tượng” bắt đầu “nổi” lên từ ngày 1/6/2010. Lúc đầu, nó chỉ bằng ngón tay cái, rồi cứ từ từ lớn lên.
Mỗi ngày có hàng chục người đến xem "pho tượng" lạ.
Thời gian đầu, bên cạnh “pho tượng” này còn xuất hiện nhiều dấu vết lạ, trong đó có 3 dấu vết khá giống 3 chữ nho. Thấy vậy, ông Tấn cùng một số người dân đã lập riêng một bàn thờ trong ngôi đền bên cạnh “pho tượng” để thờ cúng.
Cũng từ khi “pho tượng” này “nổi” lên thì tại đền Dốc Nghè nảy sinh nhiều chuyện khác thường nữa. Con tắc kè thường đẻ trứng ở những nơi kín đáo như hang đá, hốc cây và mỗi lần chỉ đẻ 2 trứng. Nhưng ở đền Dốc Nghè thì loại bò sát này lại đẻ tới 9 quả trứng và dính ngay trên bức tường đối diện với “pho tượng”.
Ông Tấn còn cho biết, ông thấy một con rắn lớn màu đen thường xuyên xuất hiện ở khu vực đền Dốc Nghè. Có lần ông thấy nó nằm cuộn khoanh ngay giữa cửa đền. Những người dân sống quanh đền cho rằng những chuyện kỳ lạ này đều bắt nguồn từ “pho tượng” kỳ bí đang nổi lên ở giữa ngôi đền kia.
“Pho tượng nấm”.
Từ khi pho tượng nổi lên và những chuyện kỳ lạ kia xuất hiện, dù chẳng biết thực hư thế nào, nhưng có rất nhiều người tò mò kéo về ngôi đền để xem hiện tượng lạ. Ông Tấn cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 người từ các nơi đến xem và cầu khấn.
Theo quan sát của tôi thì pho tượng này là một…cây nấm cao khoảng 20cm, đường kính khoảng 18cm. Phần thân nấm màu trắng, khá cứng và có hình dáng khá giống một pho tượng ngồi trên một đám mây màu xám.
Người dân nơi đây cho rằng, “pho tượng” này có hình dáng của một ông quan “hiện về” giúp người dân. Chính vì lý do đó, rất nhiều người đến đây để cầu nguyện xin “ngài” ban lộc.
Ảnh tượng nấm và những "ký tự" lạ.
Trò chuyện với PV, anh Trần Văn Hiến (Yến Mao, Thanh Thủy, Phú Thọ), một trong những người tò mò đến thăm “đền nổi tượng” cho rằng: “Ngôi đền này thờ một ông quan, giờ đây nó lại xuất hiện một pho tượng từ dưới đất chui lên nên dân tình kéo đến đây để cầu khấn mong được phát tài phát lộc. Chả biết pho tượng này thần bí và nổi tiếng đến mức nào mà có người tận Vĩnh Phúc cũng lặn lội lên đây cầu khấn”.
Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch xã Phượng Mao, ông Đinh Văn Thịnh đã chụp lại hình pho tượng và những dòng “chữ nho” treo lên bức tường của đền để du khách có thể chiêm ngưỡng, đề phòng “pho tượng” biến mất.
Tương truyền, đền Dốc Nghè thờ ông quan Nghè đã có công đánh giặc giữ nước. Đây là địa điểm đóng quân của ông. Trong một lần ra trận ông đã bị trọng thương và qua đời tại đây. Để nhớ công ơn của vị quan này, người dân đã lập ngôi đền để thờ cúng. Tuy nhiên, ngôi đền cổ này đã đổ nát từ lâu. Trước năm 1953, ngôi đền cổ vẫn còn lại 6 chiếc cột lớn. Nhưng sau đó 6 chiếc cột này cũng bị đổ nát và bị mối ăn hết.
Tắc kè đẻ 9 quả trứng ngay trên tường đền Dốc Nghè.
Năm 2000, ở khu 9 (nơi có đề Dốc Nghè) bỗng dưng có nhiều người qua đời khi còn rất trẻ. Nếu không phải vì bệnh tật thì cũng bị tai nạn mà chết. Đặc biệt, năm 1996, 4 thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng đã chết vì bị đắm thuyền khi đang đánh lưới ở đầm nước trước cửa đền Dốc Nghè.
Sau sự việc ấy, người nhà của các nạn nhân trên đã đi xem bói. Vị thầy bói phán rằng, người dân phải dựng lại ngôi đền Dốc Nghè đã đổ nát kia thì cuộc sống mới bình yên được. Vậy là năm đó, ngôi đền Dốc Nghè mới đã được xây dựng và năm ngoái thì “pho tượng nấm” và những chuyện kỳ bí kia xuất hiện.
Ông Lỗ Văn Tấn, Đinh Văn Dung và Đinh Văn Tiến bên pho tượng nấm.
Nói về hiện tượng lạ này, bà Phùng Thị Thanh Nga, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Thủy nói: “Chuyện cây nấm ở đền Dốc nghè nảy lên từ kẽ nứt trên nền đền không có gì lạ lùng, khó giải thích cả. Mái đền chỗ cây nấm này lại bị dột, tạo môi trường ẩm thấp nên cây nấm có đủ điều kiện để sinh sôi nảy nở. Vì vậy, đây chỉ là một hiện tượng tự nhiên bình thường”.
Về những dấu vết lạ giống những chữ nho trong ngôi đền thì bà Nga cho rằng: “Không thể nói đó là những chữ nho được, có thể con mèo tha bùn đất hoặc nhựa cây cũng có thể tạo ra những dấu vết như vậy. Người dân không nên tin vào những chuyện đồn đại không đúng sự thật mà bị kẻ gian lợi dụng bày biện chuyện thần thánh trục lợi bất chính”.
Theo VTC/ Khám phá