Như luật bất thành văn, Liên Xô không dùng mọi thứ có nguồn gốc từ phương Tây, nhưng trên thực tế hai bên vẫn có những liên hệ giấu kín chưa bao giờ được thừa nhận công khai. Một trong những ví dụ tiểu biểu là quan hệ hợp tác với Adidas.
Cú bắt tay bí mật
Sau Thế chiến II, Thế vận hội trở thành một trong những sân khấu chính để giới thiệu sản phẩm. Mọi công ty khao khát được nhìn thấy những vận động viên giỏi nhất trình diễn cùng với sản phẩm của mình. Nói đến Liên Xô, sức hút lại càng đặc biệt hơn cả, vì không chỉ có những vận động viên giỏi nhất thế giới, sự thâm trầm của quốc gia này luôn là điểm thu hút sự chú ý của công chúng.
Cái bắt tay giữa Adidas và Liên Xô khởi nguồn từ năm 1980, khi Moscow đăng cai Thế vận hội. Nhưng theo RBTH, sự hợp tác thực tế đã bắt đầu sớm hơn nhiều.
Theo ghi chép của Ủy ban Thể thao Liên Xô từ năm 1979 “về quan hệ đối tác với Adidas”, mối liên hệ với công ty Đức đã kéo dài 20 năm.
Không chỉ Adidas,các thương hiệu phương Tây khác cũng thường xuất hiện cùng với các vận động viên Liên Xô. Vào Năm 1965, tờ The New York Times từng đưa tin về đơn đặt hàng 46 đôi giày bóng rổ từ công ty cao su Converse.
Lời giải thích cho tiêu chuẩn kép này khá đơn giản: Liên Xô không đủ nguồn lực cạnh tranh về trang phục thể thao, không có công nghệ cũng như vật liệu. Tuy nhiên, Liên Xô cũng phải tìm cách che giấu mối quan hệ bị coi là “không phù hợp” với các đế quốc phương Tây.
“Hồn Adidas da Moskva”
Vào nửa sau của những năm 1970, ban lãnh đạo Liên Xô bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác chính thức với Adidas. Công ty này trở thành nhà cung cấp chính thức cho Thế vận hội, đa phần là các lô hàng giày dép.
Tuy nhiên, vào năm 1979, cuộc xung đột Afghanistan khiến quan hệ Liên Xô với phương Tây suy giảm mạnh. Kết quả là có tổng cộng 65 quốc gia, bao gồm cả Tây Đức, rút khỏi các chương trình giao thương, trong đó Adidas đứng ở vị trí tiến thoái lưỡng nan nhất, khi đang nắm trong tay hợp đồng béo bở.
Adidas không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc chơi. Thậm chí, theo các tài liệu lịch sử, Horst Dassler, giám đốc điều hành Adidas vào thời điểm đó, còn được coi như đặc phái viên nước ngoài của Liên Xô trong giai đoạn khó khăn.
Về phần mình, Liên Xô đã đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với công ty tư bản phương Tây. Đầu tiên là loại bỏ tất cả các logo và tên Adidas, để không có thương hiệu phương Tây nào xuất hiện trong các bức ảnh cùng vận động viên Liên Xô. Thứ hai, công ty phải chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Liên Xô và để thiết bị lại ở đó sau khi hoàn thành.
Để thực hiện kế hoạch, Liên Xô đã mua giấy phép sản xuất trên lãnh thổ đúng theo thông lệ kinh doanh. Từ đó, Liên Xô trở thành quốc gia thứ 20 sản xuất giày thể thao Adidas. Ngoài giấy phép, nước này còn phải mua thiết bị, hóa chất và các vật liệu khác. Tuy nhiên, một cuộc kiểm toán tiết lộ rằng Liên Xô chỉ sở hữu ba loại vật liệu nhân tạo trong danh sách những vật liệu cần thiết để sản xuất giày.
Mẫu Gazelle đình đám được sản xuất với nhiều phiên bản màu sắc. Tuy nhiên, chúng sẽ hiếm khi xuất hiện ở cửa hàng. Một phần được xuất khẩu ngay lập tức, phần còn lại thuộc về các vận động viên Liên Xô - những người chỉ dùng màu xanh lam, khiến nhiều người tin rằng không có phiên bản nào khác được sản xuất. Ba sọc huyền thoại được giữ nguyên, nhưng cái tên Adidas đã được đổi thành Moskva và được công chúng biết đến kể từ ấy.
Đôi giày ưa thích của Spetsnaz
Những đôi giày thể thao được sản xuất ở Liên Xô có chất lượng tốt không khác gì các sản phẩm ở Đức. Cũng vì lý do đó, đôi giày thương hiệu Moskva lại xuất hiện dưới chân những người lính ở Afghanistan, vốn là cái cớ tẩy chay Thế vận hội khi ấy.
Lý do khiến Moskva được ưa chuộng là bởi trang thiết bị được cung cấp ở Liên Xô không tương thích với môi trường ở Afghanistan, trong đó giày là một vấn đề đặc biệt lớn, khi gây ra tiếng ồn và không phù hợp với địa hình đồi núi.
Thành viên của các lực lượng tinh nhuệ Liên Xô, như VDV (sư đoàn lính dù) và Spetsnaz, được phép tùy cơ ứng biến - lựa chọn những đôi giày “phổ thông” của riêng họ, phù hợp với thực tế vị trí địa lý.
Theo một báo cáo nghiên cứu của quân đội Mỹ từ năm 1995, giày Moskva dường như là sự lựa chọn lý tưởng. Bộ tư lệnh Liên Xô hiểu tính chất nhạy cảm nên đã ngăn chặn sự xuất hiện của bất kỳ ấn phẩm nào có hình ảnh về đôi giày.
Tuy nhiên, vẫn có một số hình ảnh để lọt trên các phương tiện truyền thông và giày Moskva ngày càng được ưa chuộng. Xu hướng bùng nổ đến nỗi mẫu giày này trở thành hình tượng đi cùng năm tháng (tiếp nối với chiến dịch quân sự Chechnya), khi chúng xuất hiện trong các bộ phim và những lần tái hiện trên đồ chơi, mô hình và trong những câu chuyện khác nhau.
Chu trình sản xuất Moskva chỉ kết thúc vào năm 2011, khi chúng được thay thế bằng những mầu giày dép hiện đại, một phần trong chương trình cải cách trên diện rộng của quân đội Nga.