Xứ sở người Mạ bên sông Đồng Nai
Phía bên kia cây cầu treo Tà Lài là một thế giới hoàn toàn khác với cuộc sống hai bên con đường rải nhựa láng bóng dẫn vào xã Tà Lài. Bên kia sông Đồng Nai, những nếp nhà sàn, nhà tranh của người Mạ là những người đàn ông Mạ cởi trần, những người phụ nữ Mạ dái tai dài thòng, những đứa trẻ Mạ đen nhẻm, lưng đeo gùi lên rừng kiếm củi.
Già làng K'Gõ.
Già làng K'Gõ mới từ trên rẫy về, tiếp chúng tôi với đôi chân còn lấm bùn đất. Ngoài 70 tuổi, hai vợ chồng già vẫn ngày ngày lên rẫy làm lúa nuôi nhau. Nở một nụ cười hiền lành, già kể rằng: "Người Mạ bao đời nay chỉ trồng trọt và chăn nuôi là chính. Người Mạ cũng chủ yếu làm lúa nương rẫy, nơi nào thấp mới làm lúa nước. Công cụ canh tác thô sơ như xà - gạc, xà - bách, dao, rìu, gậy chọc lỗ".
Nhắc về nghề làm lúa, già tiết lộ rằng, nếu trồng lúa nước, người Mạ sẽ lùa cả đàn trâu xuống ruộng để trâu giẫm đến khi sục bùn thì gieo lúa giống. Đồng bào chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu là nuôi trâu bò thả rừng, khi cần giết thịt hoặc giẫm ruộng mới lùa bắt về. Cả đời người Mạ gắn với rừng và cây lúa.
Trong ký ức của già làng K'Gõ và có lẽ cũng là của những người già trong làng, những năm tháng chiến tranh quét qua xứ sở này mãi là phần quá khứ hào hùng của người Mạ. Nhớ về những năm tháng ấy, mắt già làng K'Gõ ánh lên sự tự hào, như ánh mắt này mỗi lần ngồi bên bếp lửa bập bùng, kể cho con cháu nghe về lịch sử người Mạ anh hùng.
Vợ của già làng K'Gõ là bà K'Lư, nãy giờ ngồi nép bên chiếc chõng tre nghe chúng tôi trò chuyện. Bà nói tiếng Kinh không rành nên suốt buổi không nói câu nào. Nhìn đôi dái tai dài của bà, chúng tôi biết, bà vẫn còn giữ tập tục căng tai. Già làng K'Gõ giải thích lý do vì sao những người già ở làng, phụ nữ thì căng cho tai dài xuống, còn đàn ông thì cụt răng: "Đó là tục cà răng - căng tai ngày trước. Thời đó lạc hậu, đồng bào mình nghĩ đàn bà căng tai, đàn ông mài răng cho đẹp, cho khác với con thú ở trong rừng".
Công bằng với cả người chết
Rời nhà già làng K'Gõ, chúng tôi quay trở ra đầu làng, ghé vào nhà chị K'Riển theo lời giới thiệu của chị Phạm Thị Vinh (Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài). Chị K'Riển còn rất trẻ, thuộc thế hệ sau này của người Mạ. Vậy nhưng, chị là một trong số ít người Mạ ở Tà Lài còn duy trì nghề dệt truyền thống của người Mạ. Chị kể đủ chuyện về truyền thống văn hóa lâu đời của người Mạ, nói chuyện xưa chuyện nay bằng tình yêu của một đứa con Mạ với buôn làng của mình.
Chị K'Riển bên những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của mình.
Qua chị, chúng tôi biết được rằng, người Mạ luôn đối xử rất công bằng với cả người chết. Khi trong nhà có người chết, công việc đầu tiên của người nhà là mặc những bộ quần áo quí nhất cho người chết, để chân duỗi ra cho ngay ngắn và buộc chân lại, hai tay úp lên ngực, sau đó lấy cái bát gối đầu cho người chết.
Việc để người chết trong nhà là để tỏ lòng thương tiếc, nên người Mạ thường để người chết trong nhà 7- 8 ngày. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chết thì được chôn ngay, trẻ mới lớn để vài ngày rồi mới chôn. Quan tài được đưa vào nhà bằng cửa lớn mới làm, chứ không phải bằng cửa chính. Quan tài được làm bằng gỗ tốt. Thường là ngày thứ ba, người chết được quàn vào hòm, sau đó họ hàng, làng xóm, bạn bè... mới đến viếng.
Điều đặc biệt trong tập tục mai táng của người Mạ là họ có tục sắm sửa và phân chia đồ đạc cho người chết như khi còn sống. Nếu là gia súc, gia cầm nuôi trong nhà thì họ chia cho người chết bằng cách giết thịt chúng, đem cúng rồi mở tiệc mời dân làng tới ăn. Còn các vật dụng trong nhà như xoong, nồi, ná, chiêng, họ đều chia cho người chết một nửa.
Huyệt đào xong lót một ít lá cây, đặt hòm lên trên, trải chiếc chiếu của người chết nằm khi còn sống, sau đó đắp đất, vun cao mộ. Chôn xong, của cải đã chia cho người chết được làm hỏng chút ít (có lẽ là để người khác không lấy - PV) đặt bên cạnh mộ, để người chết sử dụng. Dưới chân mộ, làm một giàn thấp để lên đó những dụng cụ làm bếp.
Những nhà giàu có, họ giết trâu và làm một chuồng trâu có để ít xương và sừng của con trâu bị giết đặt cạnh mộ. Con cháu, anh em thường cắt một phần tóc của mình bỏ vào hòm người đã chết, với hi vọng người chết có nguyên liệu để lợp nhà. Người chết được đối xử bình đẳng như nhau, không phân biệt giữa già làng và thường dân.
Theo lời kể của chị K'Riển, nơi chôn cất được coi là nơi cấm kị nên sau khi chôn không ai tới đó, chỉ trừ khi có người chết đem đến chôn ở đó. Đám tang xong, mọi người tắm rửa ở suối xong mới về nhà. Trước khi vào nhà, phải ngồi tập trung một chỗ, lấy nước lá ổi hòa với máu gà, vẩy lên mọi người và cầu khấn. Khi đó, mọi người được vào nhà. Sau đấy, nhà có người mất kiêng bảy ngày không đi làm. Hết bảy ngày, họ giết một con gà, nấu nước sôi, lấy lá ngải cứu làm lễ rửa một lần nữa rồi mới đi làm.
Những người Mạ thuở trước, khi họ còn sống lang thang vô định trong rừng, thường thì sau khi chôn cất người chết và chia của xong, họ sẽ bỏ luôn ngôi mộ đó không quay lại nữa. Nhưng về sau này, khi người Mạ định canh định cư tại ấp 4 của xã Tà Lài này thì họ chôn cất người thân gần nơi mình sinh sống để tiện việc chăm sóc, thờ cúng. Gần đây nữa, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, người Mạ cũng đã có nghĩa địa của làng dành cho việc chôn cất người chết. Nhưng nhiều gia đình vẫn không bỏ tập tục chia tài sản cho người chết của bộ tộc mình.
Có thể người Mạ là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh Người Mạ (có tên gọi khác là Châu Mạ và các nhóm địa phương Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngắn) hiện nay cư trú chủ yếu ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông, và Đồng Nai. Tuy nhiên, người Mạ sống tập trung ở Lâm Đồng là chủ yếu. Địa bàn cư trú ban đầu của người Mạ trước đây ở đâu cho đến nay chưa xác định được, nhưng theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì họ đều là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh, từ các vùng lân cận di cư đến vùng đất này, bởi các câu chuyện kể của họ đã thể hiện rõ các dấu ấn về một văn hóa biển trong kí ức. Cho đến khoảng thế kỉ I - II sau Công nguyên, người Mạ mới chuyển tới định cư ở cao nguyên Di Linh và một số tỉnh khác. |
Hương Lam - Quyên Triệu