Hope – viên kim cương Hy vọng được cho là một trong những viên đá quý hiếm nhất, tuyệt đẹp, mang màu xanh thẫm của nước biển, tỏa ra ánh sáng huyền ảo khi được chiếu tia cực tím.
Giới kim cương gọi Hope là kiệt tác nhân loại với khối lượng 45 carats được ước tính có giá lên tới 1/4 tỷ USD.
Các tài liệu cho rằng, viên kim cương này có hình tam giác và trước khi bị cắt để có hình dáng như hiện nay, nó nặng tới 115 carats.
Với sắc xanh cực kỳ hiếm gặp, nhưng chẳng có một ai muốn sở hữu nó bởi Hope chẳng những không mang hy vọng mà lại mang theo lời nguyền khiến cho tất cả những ai từng sở hữu nó đều phải chịu kết cục bi thảm.
Hy vọng đến từ Ấn Độ!
Truyền thuyết ly kỳ bắt đầu khi Jean Baptiste Taverniner – một nhà buôn đá quý kiêm nhà thám hiểm người Pháp đi du ngoạn Ấn Độ và tìm thấy một viên kim cương màu xanh.
Karl Shuker viết: "Nó lấp lánh trên trán của một tượng thần Sita ở đền thờ Ấn Độ - cho đến khi bị một linh mục Ấn giáo đánh cắp, mà hình phạt cho hành động vô đạo đức này là cái chết chậm chạp và đau đớn. Hope dường như được khai quật ở mỏ Golconda bên sông Kistna, Tây Nam Ấn Độ, và xuất hiện lần đầu tại châu Âu vào năm 1642, khi nó được mua bởi một thương gia người Pháp - người đã bán nó cho Vua Louis XIV vì lợi nhuận cực lớn. Tuy nhiên, ông này sau đó lại bị một bầy chó hoang giết chết".
Và có thể đó là nguyên nhân khiến viên kim cương mang một lời nguyền ghê rợn trong suốt hơn 300 năm qua.
Năm 1668, Tavernier đã bán lại viên kim cương này cho vua Luis XIV cùng với nhiều viên kim cương lớn nhỏ khác. Sau đó, trong một lần quay trở lại Ấn Độ, Tavernier đã gặp một thảm kịch lớn, có người nói rằng ông đã bị một bầy chó sói tấn công.
Viên kim cương đã mất tích trong vài thập kỷ trước khi tái xuất dưới hình dáng một viên đá quý nhỏ hơn. Có những báo cáo chưa được xác nhận rằng nó thuộc về Vua George IV của Anh, người đã bị buộc bán đi để trả những khoản nợ khổng lồ của mình.
Sau khi vua Louis XVI thừa hưởng viên kim cương "Màu xanh của nước Pháp", phu nhân của ông, hoàng hậu Marie Antoinette đã đeo nó, và tất cả chúng ta đều biết kết cục sau này của họ. Cả 2 đều chết thảm sau cuộc chạy trốn khỏi nước Pháp vào năm 1971.
Marie-Louise, Công chúa de Lamball, bạn thân của Hoàng hậu Marie Antoinette cũng bị sát hại dã man bằng búa và treo trước cửa sổ nhà giam Marie Antoinette.
Sau đó, viên kim cương lại rơi vào tay Wilhelm Fals - một thợ kim hoàn người Hà Lan. Người này đã phải trải qua một vụ bạo lực gia đình ghê gớm khi bị chính con trai giết thảm. Người con trai cũng tự sát sau khi giết cha mình.
Một số bằng chứng cho thấy rằng viên kim cương "tái xuất" thương trường trở lại vào năm 1823, thuộc sở hữu của nhà buôn đá quý Daniel Eliason.
Năm 1839, viên kim cương đã được nghị sĩ Henry Thomas Hope mua lại và có cái tên Hope kể từ đó. Để có được viên kim cương, ông Hope đã bán hết tài sản thừa kế, đá quý và lâu đài chỉ để thỏa mãn ước mơ được có trong tay viên đá xanh huyền thoại.
Gia tộc Hope là "nạn nhân" lớn tiếp theo của viên kim cương này.
Năm 1901, Công tước Francis Hope, sau khi đã trắng tay vì cờ bạc đã bán nó đi để cầm cố theo quyết định của tòa án, rồi qua đời trong nghèo khổ.
Nhà kim hoàn Simon Frankel ở New York đã nhanh tay mua được Hope và nhận ngay lấy kết cục phá sản đáng buồn thảm.
Sau đó, không rõ như thế nào mà viên kim cương trở lại thuộc sở hữu của hoàng tử Ivan Kanitovsky của Nga.
Ông đã tặng món trang sức quý giá cho người tình của mình, một diễn viên ballet Lorens Ladue xứ Folies Bergières. Đêm đầu tiên đeo viên kim cương, nàng đã bị người tình bắn chết!
Chủ sở hữu tiếp theo là một doanh nhân người Hy Lạp, Simon Montharides cùng gia đình đã qua đời trong một tai nạn giao thông khi lao xe vào vách đá.
Cuối cùng kim cương Hope được nhà kim hoàn danh tiếng người Pháp Pierre Cartier mua mặc cho Hope đã khét tiếng vì sự chết chóc của mình. Cartier quảng bá viên kim cương là một vật báu bị nguyền rủa, tin ấy đến tai tiểu thư Evalyn Walsh McLean, người thừa kế cực kỳ giàu có ở New York, tiểu thư đã bỏ ra 180.000 USD để sở hữu Hy vọng.
Nóng lòng muốn khám phá năng lực mới của bản thân, McLean thường đeo viên kim cương để phô trương khi đi dạo quanh thành phố.
Nhưng "quyền lực" rũ bỏ điềm gở của McLean đã thất bại thảm hại, cô sớm đối mặt với lời nguyền khủng khiếp: Lần lượt mẹ chồng, người con trai mới 9 tuổi của cô tử vong trong tai nạn xe hơi, con gái nghiện ma túy và thiệt mạng vì sốc thuốc năm 25 tuổi.
Chồng McLean bỏ đi với nhân tình, còn bản thân cô thì cuối cùng phải bán tờ báo Washington Post, rồi chết trong nợ nần chồng chất vào năm 1947.
11 năm sau đó, viên kim cương rơi vào tay một người buôn đá quý tên là Harry Winston. Người đàn ông này đã mang viên kim cương đi khắp nước Mỹ từ năm 1949 đến 1953 trước khi tặng lại báu vật cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian ở Washington D.C vào năm 1958.
Những tưởng lời nguyền đã kết thúc nhưng James Todd, người vận chuyển viên kim cương đến bảo tàng, vẫn gặp vận rủi khi chân ông bị nghiến nát trong vụ tai nạn xe tải nghiêm trọng xảy ra sau khi giao viên kim cương. Vợ ông Winston qua đời vì trụy tim và căn nhà ông ở thì bị hỏa hoạn thiêu rụi.
Sau khi viên kim cương nằm yên ổn trong bảo tàng, nó dường như không gây ra thêm rắc rối nào nữa.
Hiện nay, hàng triệu khách tham quan vẫn tới chiêm ngưỡng "lời nguyền hàng nghìn tỷ" và truyền tai nhau về những câu chuyện kì bí liên quan đến nó.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng đó chỉ là sự mê tín, những câu chuyện xung quanh viên kim cương chỉ là thông tin được thêm thắt để tạo thêm sức hút cho viên kim cương, khiến nó có giá hơn.
Câu chuyện về lời nguyền kim cương Hy vọng bằng một cách nào đó là câu chuyện ngụ ngôn về đạo đức và tội lỗi của lòng tham.
Kẻ trộm ban đầu, theo truyền thuyết, đã chết một cái chết chậm chạp và đau đớn, trong khi những người chủ sau đó, không biết gì về lời nguyền cho đến khi quá muộn, cũng phải chịu đựng.
Người ta nói rằng chỉ có một người có trái tim thuần khiết mới có thể thoát khỏi số phận cam chịu - trong trường hợp này "trái tim thuần khiết" có nghĩa là một người không cố bán nó mà thay vào đó đã hào phóng cho đi.
Minh Anh (Nguồn Livescience)