Sai lầm của nữ cán bộ xã
Dù được giám thị báo trước nhưng chúng tôi vẫn phải chờ bà hơn một tiếng đồng hồ. Vừa gặp, bà đã cười hiền, rối rít xin lỗi bởi phải phân công công việc và dặn dò kỹ lưỡng mấy chị em cùng tổ. Nhìn gương mặt phúc hậu, dáng người từ tốn, toát lên vẻ chân thành khiến tôi thực sự có cảm tình với người nữ tù nhân lớn tuổi này. Buộc lại chiếc khăn, cố che lấp đi những sợi tóc đã bạc trắng đầu, lau vội mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm với những vết nhăn trên gò má, bà hướng ánh mắt xa xăm kể về cuộc đời mình.
Bà Phạm Thị Miền (SN 1947) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở miền quê Song Lăng, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Khi bà lên ba tuổi thì cha hy sinh trong chiến trường. Năm 19 tuổi, bà tự nguyện đăng ký tham gia vào đội nữ thanh niên xung phong và tham gia tại chiến trường Quảng Trị với công việc mở đường cho các chiến dịch hành quân.
Ba chia sẻ: "Thời ấy đội mình có sáu người, toàn là phụ nữ trẻ, nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện chồng con cả. Có lẽ là do chiến tranh ác liệt quá, chứng kiến cảnh đất nước bị tàn phá đến tang thương, những gia đình li tán, những cái chết thương tâm đã khiến chúng tôi gạt đi được những ước mơ nhỏ nhoi của bản thân để cống hiến tuổi trẻ cho quê hương đất nước".
Ánh mắt bà sáng lên khi kể lại cho chúng tôi nghe về một thời máu lửa nhưng đầy kỷ niệm với quyết tâm kiên định, một ý chí kiên cường. Dù trong gian khó vẫn không lùi bước trước quân thù, rồi những đêm hiếm hoi được giao lưu với các đơn vị hành quân qua, được trò chuyện, hỏi han về quê hương, về hậu phương, hay nơi chiến trường ác liệt ra sao. Để rồi khi chia tay, chẳng ai còn có thể giữ được nước mắt, trao cho nhau cái cầm tay, cái ôm trong bịn rịn, tiếc nuối.
Chiến tranh kết thúc, trở về địa phương khi tuổi xuân đã để lại phía sau, người nữ thanh niên xung phong lại phải lo lắng chăm sóc mẹ già, xây dựng gia đình cho người em trai có tiền sử tâm thần, khi muốn thực hiện thiên chức của người phụ nữ thì lại nhận được lời khuyên của bệnh viện là không nên bởi bà đang nhiễm chất độc da cam. Bà đau đớn đành gác lại tình yêu và hạnh phúc của mình.
Bà Phạm Thị Miền chia sẻ: Tôi đã viết đơn để xin cán bộ trại giam cho ở lại tù
Nghĩ cuộc sống không thể sống hoài, sống phí khi mình có khả năng, có sức khỏe, nhiệt huyết, và mong muốn được cống hiến, bà tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương. Từ hoạt động phụ nữ, tuyên truyền dân số kế hoạch hóa gia đình, đến bí thư chi bộ, rồi quản lý tín dụng xã... với một nhiệt huyết lớn. Nhờ đó, mọi công việc được giao, bà đều hoàn thành tốt, được mọi người yêu quý, tin tưởng.
Trong thời gian quản lý tín dụng của xã, bà thấy tiền trong tài khoản có nhiều, trong khi đó việc giải ngân cho người dân vay thì cần phải nhiều thủ tục, mất thời gian. Thấy tiền nằm "chết" một chỗ, trong khi đó rất nhiều người sẵn sàng trả lãi cao để có vốn làm ăn, với quyền năng sẵn có, bà và một số người có chức sắc bàn nhau rút tiền ra cho ai có nhu cầu vay với lãi suất cao. Bà nghĩ, tiền lãi thu được sẽ cho vào quỹ chung, có làm gì sai đâu mà sợ.
Đến năm 2001, khi cần một số tiền lớn để giải ngân cho người nghèo vay, bà không thu hồi lại số tiền đã rút ra, cho vay lãi ngoài đã khiến nhiều người bức xúc. Đoàn thanh tra về làm việc, thấy thâm hụt ngân sách 500 triệu đồng nên đã yêu cầu bà phải khắc phục. Trớ trêu thay, khi cho vay thì dễ, lúc đòi thì khó, bởi nhiều người đã hết khả năng trả nợ. Cơ quan pháp luật khởi tố vụ án.
Dạy tù nhân học chữ
Giờ đây, ngồi trước chúng tôi, gương mặt vẫn thể hiện rõ sự sững sờ, bà nhớ lại bằng giọng run run: "Lúc ấy, thực sự tôi không nghĩ sẽ bị tuyên phạt với mức án cao như thế. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, chắc vào tù một đến hai năm, sau đó thu hồi được tiền, trả lại cho Nhà nước thế là xong. Do đó, khi nhận mức án, tôi cảm thấy mọi thứ thế là hết, cố gắng phấn đấu bao năm của mình coi như bằng không...".
Không chán nản với cuộc sống, với ý nghĩ muốn cống hiến, muốn làm việc, giúp ích cho xã hội thì trong môi trường nào cũng có thể làm được, ngay cả chốn lao tù này, bà vẫn hăng say lao động, cải tạo, làm việc. Không những thế, thời gian rảnh, bà còn trò chuyện, động viên những phạm nhân khác sống tích cực, rũ bỏ quá khứ để làm lại cuộc đời.
Với những người không biết chữ thì bà kiên trì, tận tình dạy với mục đích vừa giết thời gian, đỡ nhàn cư vi bất thiện, vừa giúp họ có thể đọc thư của gia đình, tìm hiểu thông tin trên sách báo. Nhờ tình cảm ấy, trong trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa) chẳng ai là không biết đến bà. Nhiều người trong số đó còn coi bà như người mẹ thứ hai, hay chị em ruột thịt trong gia đình vậy. Nhờ cải tạo tốt bà bốn lần được xem xét, giảm án.
Khi được hỏi về ngày mãn hạn tù sẽ tính thế nào, chẳng đắn đo, bà thật thà chia sẻ: "Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tôi hết hạn tù, nhưng không phải bây giờ, mà từ hôm trước, tôi đã xin các cán bộ trại giam được cho ở lại rồi. Bởi tôi thấy, trong môi trường này, tình người vẫn nhen nhóm, thậm chí ấm áp chẳng khác gì như ở gia đình mình vậy.
Bên cạnh đó, ở nơi không có anh em, họ hàng này, người ta vẫn quan tâm đến nhau, nhất là đối với những người nhiều tuổi như chúng tôi. Tôi vẫn hay động viên các anh chị em trẻ tuổi, cứ an tâm cải tạo chờ ngày về đoàn tụ với gia đình. Cuộc đời còn dài, quan trọng mỗi người biết đứng dậy sau lầm lỗi...".
Cao Tuân