Xưa nay nhắc tới những người mắc bệnh tâm thần, người điên, xã hội thường dành cho họ sự thương cảm. Tuy nhiên, nhiều khi trông thấy họ rách rưới, hôi hám, ngây dại cũng khiến nhiều người xa lánh, xua đuổi. Nhưng ở Na Hang, Tuyên Quang, có một chàng trai kém may mắn như thế song lại được hầu hết các gia đình mỗi khi tổ chức khai trương, mở hàng hiếu hỉ... săn đón. Họ gọi đó là "người điên đắt khách".
Từng bị ghẻ lạnh, đuổi đánh
Nhân vật lạ lùng nói trên chính là Dương Đình Chúc, người dân tộc Tày ở huyện Na Hang, Tuyên Quang. "Thâm niên" anh vật vờ mọi ngóc ngách, khắp chốn thâm sơn cùng cốc trong huyện gần ngang với số tuổi đờ. Đôi mắt đơ dại, thân hình còm nhom, mũi dãi thi thoảng lại rớt ra khiến nhiều người ái ngại, thậm chí ghê sợ.
Biết chuyện về cuộc đời của chàng thanh niên điên dại tên Chúc, tôi khá bất ngờ và có nhã ý muốn tìm hiểu. Không thể phỏng vấn một người điên, những thông tin về Chúc mà tôi có được đều do những người tốt bụng nhiều năm cho Chúc cơm canh, tấm áo manh quần kể lại.
Trước đây Chúc không phải là đối tượng không nơi nương tựa như bây giờ. Anh được người mẹ già của mình dẫn xuống phố huyện cách đây vài năm. Bà là người dân tộc Tày, từng sinh sống ở xã nghèo Năng Khả và có hoàn cảnh hết sức éo le. Hai vợ chồng bà chỉ có một người con duy nhất là Chúc, người chồng là lao động chủ yếu nuôi sống cả gia đình nên sau khi ông gặp bạo bệnh mất đi, hai mẹ con bà chẳng có thu nhập gì để sống.
Chúc tại bãi rác.
Đường cùng, bà đem theo đứa con ngây dại của mình xuống thị trấn, lần hồi bới rác kiếm đồ phế liệu bán để hai mẹ con mưu sinh. Ban đêm chỗ ngủ chẳng có nơi nào khác là các lán, lều tiêu điều của khu chợ huyện. Nhưng do tuổi già sức yếu, chưa đầy hai năm sau thì bà lâm bệnh nặng, được một người bà con xuống đưa về chăm sóc. Chúc cũng theo mẹ về, nhưng nửa tháng sau đã trở lại khu chợ huyện. Những người buôn bán ở chợ hỏi thăm sức khỏe của mẹ thì chỉ thấy cậu ta ú ớ, thất thần.
"Hóa ra bà cụ đã mất. Nó quay lại đây chắc vì khu chợ cũng đông, không người này sẽ có người khác cho đồ ăn", chị T. một người buôn gạo chia sẻ.
Không có mẹ lo đồ ăn cho nữa, Chúc phải tự mình kiếm cái ăn bỏ vào bụng. Ngửa tay xin, nếu gặp người tốt bụng thì họ cho ăn, cho uống; cũng không thiếu lần gặp phải những kẻ không động lòng trắc ẩn, anh bị chửi mắng, thậm chí nhiều khi đói quá, người đàn ông khốn khổ đó còn phải cướp giật cả đồ ăn nên bị đuổi đánh. Dân làm ăn vốn sợ điềm chẳng lành, chỉ muốn gặp người đạo mạo, rủng rỉnh tiền tài để hòng buôn bán suôn sẻ. Gặp những người như Chúc họ sợ xúi quẩy.
Những người lao động nghèo trong khu chợ từ khi bà mẹ nghèo của Chúc còn nhặt nhạnh rác, cho tới bây giờ khi anh vất vưởng một mình vẫn là người đối xử tử tế nhất. Hôm thì người này cho cái bánh chưng, hôm người kia cho bắp ngô luộc, rồi cái bánh rán... Nhiều người đàn ông Mông khi đã ngà ngà say còn hào phóng cho Chúc cả một bát thắng cố khi phiên nhậu đã tan.
Cuộc sống của Chúc sẽ cứ theo quỹ đạo đó, sẽ cứ sống bám vào lòng thương hại, lòng trắc ẩn nếu như không có những sự thay đổi bất ngờ trong cuộc sống của những người vẫn thường cưu mang anh. Những câu chuyện về vận may tìm đến chị hàng bánh, anh hàng ngô, cô hàng thịt... lan nhanh khiến cái nhìn về Chúc điên dường như khác hẳn.
"Người điên đắt show" của huyện nghèo
Câu chuyện về Chúc điên được hầu hết những người buôn bán chèo kéo mở hàng, đám hiếu hỉ cho áo mới rồi dẫn tới ăn cỗ... được người dân xung quanh khu vực thị trấn Na Hang truyền tai nhau. Họ nói rằng cứ gia đình nào bất ngờ được Chúc viếng thăm, đối đãi với chàng ta tử tế thì y rằng gặp số đỏ.
Trường hợp chị hàng bánh ế chỏng ế chơ đã bao nhiêu năm, bấm bụng ở độc thân như vậy cho tới già. Ấy thế mà bỗng dưng chị ta bén duyên với ông chủ xưởng gỗ, nội thất giàu nhất nhì trong huyện. Vợ mất đã được năm sáu năm, tuổi ông lại chưa tới ngũ tuần nên vẫn có ý định đi bước nữa nhưng chưa tìm được ai ưng ý. Trời đất se duyên thế nào trong lần dẫn đứa cháu đích tôn đi chợ ăn sáng (công việc trước đây bà nhà hay làm), ông phải lòng ngay cô hàng bánh.
Cô hàng bánh tuy nhan sắc không mặn mà, thậm chí nét mặt hơi thô nhưng thân hình lực điền chắc chắn, nói năng hoạt bát lại bán hàng khéo léo. Những ngày sau không phải dẫn cháu nhưng ông chủ xưởng gỗ cứ 7h30 lại ra quán bánh ăn sáng. Họ cưới nhau, cô hàng bánh không phải dầm mưa dãi nắng cóp nhặt từng đồng lẻ ở chợ nữa nhưng thương tình Chúc nên vẫn thi thoảng cho cậu miếng cơm tấm bánh, manh áo cũ.
Không chỉ dừng lại ở niềm vui lấy được chồng, cưới đầu năm thì cuối năm hai vợ chồng họ lại vui mừng đón đứa con trai kháu khỉnh chào đời khiến không ít kẻ phải ghen tỵ với cách đổi đời chóng mặt của cô hàng bánh ngày nào.
Hay trường hợp của anh hàng ngô, người ngày nào cũng dúi cho Chúc một hai bắp ngô để giúp anh qua cơn đói cũng nhanh chóng đổi đời. Anh tên Thài, trước bán đủ thứ hàng vụn vặt gần đây mới chuyển sang hàng ngô. Nhà nghèo nhưng anh được tính nết thảo thơm hay thương người, không nề hà khi giúp đỡ người khác.
Trong một chiều vào bản mua ngô, khi đi qua cây cầu khỉ anh nhìn thấy giống như dưới dòng nước xiết có thân người đang chới với, dập dềnh giữa dòng nước siết. Anh vội vàng quay xe lại, lao xuống nước và cứu được một cô gái trẻ.
Một tuần sau khi sự kiện đó xảy ra thì có chiếc xe con đỗ trước chợ huyện tìm anh. Chưa kịp hiểu cơ sự gì thì anh nhận ra cô gái đang vẫy vẫy anh chính là người mình đã cứu hôm trước. Để đền ơn anh đã cứu sống cô công chúa ham phượt độc nhất của mình khi gặp nạn, ông bố cô gái đã cho anh hàng ngô đi học bằng lái xe, rồi trở thành xế riêng của ông với mức thu nhập hàng tháng đủ nuôi sống cả gia đình ở quê.
Những lời đồn về vía tốt của Chúc bắt đầu râm ran. Mọi người càng tin sái cổ sau khi cô Chảng bán thịt lợn khẳng định: Cứ sáng nào Chúc dừng lại ở quán của cô xin đồ ăn (thường là sẻ cho nắm xôi hoặc bát bún phần ăn sáng của mình) thì y rằng hôm đó hàng bán đắt như tôm tươi, thậm chí phải nhập thêm hàng về bán. Hôm nào Chúc không tới, hàng ế ẩm, chào mời chẳng ai ngó ngàng tới.
"Vía lành" của Chúc nổi tiếng đến độ, có đám cưới trong huyện tình cờ Chúc ghé vào khi bọn trẻ chau mày thì người lớn đã kịp ngăn lại. Họ dành riêng một bàn cho Chúc ngồi ăn uống. Khi thấy đôi trẻ ăn nên làm ra, con cái khỏe mạnh thì thiên hạ bảo nhau không biết do chúng hòa hợp, biết bảo ban nhau làm ăn hay do được Chúc điên chúc phúc mà xuôi chèo mát mái tới vậy.
Tiếng lành đồn xa. Dù chẳng biết Chúc có thực sự "tốt vía" để phù trợ cho những người kia hay không nhưng những đám khai trương cửa hàng cửa hiệu, những đám hỉ, cuộc vui, người dân nơi đây luôn mong Chúc tới xin để họ được may mắn. Nhưng Chúc vẫn giữ thói quen chỉ xin ăn khi đói bụng, còn lại hằng ngày vẫn lang thang ở bãi rác như để tiếp nối công việc của người mẹ, dù anh chẳng biết bán mua phế liệu thế nào.
Ông Hoàng Văn Chiến, cán bộ về hưu của huyện Na Hang, nhà gần khu chợ cho rằng: "Về chuyện vía tốt của Chúc tôi không biết có thật hay không, nhưng tôi tin cứ làm việc tốt giúp người một cách không vụ lợi thì ắt sẽ được trời cao thấy và đền đáp xứng đáng".
Đức Anh Chí