Chuyện làm giàu của cựu binh Thành 'đất'

Chuyện làm giàu của cựu binh Thành 'đất'

Chủ nhật, 24/02/2013 00:50

Nếu lập danh sách những đại gia cây cảnh ở Việt Nam thì không thể thiếu cái tên Thành “đất” (biệt danh của nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành). Vườn cây cảnh mang tên Thành Công kỳ viên (nằm ở 41 phố Yên Duyên) tập hợp hàng trăm loài cây độc và lạ của anh là niềm ao ước của nhiều người trong giới chơi cây cảnh.

Nghệ thuật không thể định giá bằng tiền

Thật may mắn khi nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành dành cho tôi một cuộc hẹn trong quỹ thời gian vốn luôn hạn hẹp của anh. Gặp anh tại vườn cảnh Thành Công kỳ viên vào một ngày đầu năm mới, tôi mới tin những đồn đoán về anh là sự thực. Với niềm đam mê cây cảnh từ những ngày tuổi mới 30, nghệ nhân Thành “đất” khiến người trong giới phải ngả mũ vì khâm phục. Vốn là cựu chiến binh, sau khi rời quân ngũ, anh về vùng quê Yên Sở để bám trụ và xây dựng nên vườn cảnh sinh vật bằng chính đôi tay, trí tuệ và niềm đam mê của mình. Ngay từ những phút trò chuyện đầu tiên, anh đã chia sẻ rất chân thành: "Vườn cảnh của gia đình tôi không chỉ để thoả mãn sở thích cá nhân mà còn mong muốn đóng góp một phần nhỏ làm đẹp cho Thủ đô. Tính ra tôi chơi cây cảnh đã gần 20 năm nay, cũng có nhiều lúc lên xuống với nghề nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ".

Bất động sản - Chuyện làm giàu của cựu binh Thành 'đất'

Nghệ nhân Thành “đất” bên tiểu cảnh Sơn thuỷ hữu tình nằm ở trung tâm vườn.

Tham quan một vòng khu vườn có diện tích gần 3.000m2 của anh mới thấy được sự phong phú của một trong những vườn cảnh lớn nhất Thủ đô này. Theo lời giới thiệu của chủ nhân, khu vườn tập hợp hơn 200 cây cảnh với 40 chủng loại khác nhau như: Tùng, sung, sanh, lộc vừng, nguyệt quế, tường vi, vọng cách, đa, đề, du. Trong đó tùng là loại cây anh thích nhất và cũng chiếm số lượng nhiều nhất. Điều đặc biệt là có nhiều cây đã có tuổi đời hàng trăm năm và thuộc hàng độc khó có thể định giá. Để có lượng cây lớn như hiện tại, trong gần 20 năm anh phải vừa làm vừa sưu tầm và mua đón đầu nhiều loại cây. Quan trọng nhất theo anh là người chơi phải biết chớp cơ hội: "Tôi đã đi khắp các tỉnh thành trong nước và cả nước ngoài tìm kiếm cây, phôi với đủ chủng loại, dáng vẻ tự nhiên để đưa về tạo tác lại dáng, thế. Có những cây ban đầu tôi mua chỉ mất mấy chục triệu nhưng sau vài năm chăm sóc, biến chúng thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì giá bán có thể lên tới hàng tỷ đồng”.

Theo phong thuỷ, vườn cảnh của anh Thành là bức tranh thiên nhiên sinh động hội tụ đủ các thành tố: Mộc, thạch, ngư, cầm (cây, đá, cá, chim) và đều đạt đến sự hoàn mĩ về nghệ thuật. Mỗi tác phẩm được tạo thành đều hội tụ đủ 4 yếu tố của một tuyệt tác: Cổ, kỳ, mỹ, văn và chứa đựng tính triết lý, nhân văn sâu sắc. Giới chơi cây thường hay truyền tai nhau về những tác phẩm không thể định giá bằng tiền trong vườn cây của anh như: Cây tùng la hán thế Thanh tùng Ngạo tuyết (tùng xanh khinh tuyết), cây sanh thế huynh đệ tương cố (anh em sống có nhau); phụ tử tương tùy (cha truyền con nối); mẫu tử tương thân (tình mẹ con sâu nặng); tích tụ phát lộc (cây dồn sức nảy lộc); bạch ốc xuất công khanh (nhà nghèo sinh bậc công hầu).  Điểm nhấn là tiểu cảnh hòn non bộ sơn thuỷ hữu tình nằm ở trung tâm khu vườn một cách hài hoà. Khu vườn tạo cho người xem có cảm giác như đang lạc vào một bảo tàng trưng bày những tác phẩm nghệ thuật hoàn mĩ.

Có thể nói cái tên Thành “đất” cực kỳ nổi trong giới chơi cây ở Hà Nội. Người ta nói nhiều đến kỹ thuật cắt, chuyển, chuyền, giật và đặc biệt là làm cành rớt đã đạt đến trình độ tinh xảo của anh. Trong dịp đại lễ Nghìn năm Thăng Long, nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành là cá nhân duy nhất được Nhà nước cấp phép triển lãm trong vòng một tháng. Nhớ lại thời gian ấy, vườn cây của anh đã đón trên một vạn khách, có những ngày lên tới mấy trăm lượt người tham quan. Anh chia sẻ đó là thành công của năm 2010. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư gần chục tỷ đồng để mua phôi và cây. Anh tập trung vào việc tạo tác gối đầu một số lượng phôi, những cây hoàn thiện tiếp tục được duy trì sắp đặt lại. Nhờ trí tuệ cộng với sự tỉ mỉ và cần mẫn của ông chủ Thành “đất” mà qua mỗi năm số lượng cây đẹp lại tăng lên.

Có vườn cây cảnh đáng mơ ước nhưng anh chia sẻ là mình rất kém trong kinh doanh bởi cứ bán là tiếc, chỉ biết chú tâm trong tạo tác và sáng tạo nghệ thuật. Để sở hữu cây tùng la hán gần 300 tuổi - cây cảnh giá trị nhất trong vườn, anh phải bỏ ra một phần tiền bán nhà. May mắn là cây hợp khí hậu và sống khoẻ. Anh em trong làng cây đánh giá cây tùng La Hán dáng Thanh tùng ngạo tuyết của anh đẹp nhất Việt Nam. Khi hỏi về giá các loại cây, anh chia sẻ: "Mỗi cây là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện ý niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, hướng con người đến chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Khó có thể định giá nghệ thuật bằng tiền.

Bất động sản - Chuyện làm giàu của cựu binh Thành 'đất' (Hình 2).

Cây xanh có phối cảnh cây đa, giếng nước, mái đình - bức tranh mang đậm hồn quê Việt.

Thú chơi tao nhã

Theo anh Thành, phong trào chơi cây của Hà Nội mới phát triển chục năm nay. Người Hà Nội rất cầu kỳ, trọng việc chơi thế, mỗi tác phẩm đều gửi gắm một ước vọng của chủ nhân và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chơi cây cảnh là loại hình thưởng thức nghệ thuật cao quý có từ ngày xưa, chỉ vua quan và các bậc tao nhân mặc khách mới có điều kiện tham gia. Nhưng ngày nay thú chơi này đã không còn giới hạn ở tầng lớp nào mà đã lan rộng trong nhân dân. Anh Thành tâm sự: "Trong một căn biệt thự hay nhà có ban công nhô ra có cây cảnh đều sẽ được tôn vẻ đẹp lên. Điều kiện không gian nào cũng nên chơi, bởi sau một ngày đi làm về, khi tưới tắm cho cây ta sẽ thấy tâm hồn thanh thản và xả street. Khi tôi về các vùng quê, có những cây được trả gần chục tỷ đồng, gấp mấy lần căn nhà đang ở nhưng họ vẫn không bán để lưu lại cho đời sau. Đó là điều đáng trân trọng và khâm phục".

Để có được vốn kiến thức, anh tự nghiên cứu qua sách vở, bạn bè, bậc cha chú đi trước. Anh tâm sự: "Nếu đã có tâm huyết phải để ý đến những đứa con tinh thần của mình, không có gì là khó nếu biết học hỏi tích luỹ kinh nghiệm. Chơi cây cảnh chỉ giỏi về cắt tỉa, tạo tác, dáng thế chưa đủ mà phải am hiểu cả về kỹ thuật nông nghiệp. Điều đó rất quan trọng, chiếm 30 đến 40% sự thành công của việc tạo tác. Theo anh Thành, để tạo ra một tác phẩm nhanh thì mất 5, 10 năm đến 15 năm, có khi là cả một đời người: "Một tác phẩm với mình là đẹp nhưng đến người khác khi mua về lại trở thành phôi. Nhiều khi mua về tôi cũng cắt bỏ để tạo tác lại. Tôi đã đi đến hơn 40 tỉnh thành để sưu tập cây”. Để thoả niềm đam mê của mình, anh lao tâm khổ tứ như con thiêu thân. Có khi đi từ 2h sáng để đến nơi lúc 4h sáng, vậy mà khi đến nơi đã có đoàn đến trước để ngắm một tác phẩm. Nhiều lúc có một cái phôi người ta vẫn cạnh tranh nhau để mua về. Yêu và coi cây như thân thể mình, nên nhiều khi để tỉa một cành lá anh cũng phải chọn ngày giờ đẹp, tinh thần sảng khoái mới nâng kéo bởi chỉ cần nhỡ tay, bố cục hỏng, thì cả tác phẩm cũng đi tong.

Điều khó khăn nhất với anh là tiền vốn để duy trì vườn cây. Thời đểm kinh tế khó khăn như năm nay nhưng ngay từ đầu năm anh đã phải lên đá một loạt. Cây ký đá hết hơn 400 triệu, chưa kể để duy trì 2 người làm cỏ phải trả lương 10 triệu một tháng. Để quay vòng vốn nhiều khi rất tiếc nhưng anh cũng phải rứt ruột bán đi đứa con tinh thần của mình. Vừa rồi anh có vào miền Tây Nam Bộ để chăm cây. Anh có gửi ở trong đó một số cây vì cây hợp khí hậu và có thể sinh trưởng quanh năm. Cứ một năm hai lần anh lại vào để cắt tỉa, tạo dáng. Anh cũng mua hơn chục cây nguyệt quế và cây sơ ri, đều là những loại cây có hoa, có quả. Ngoài cái đẹp của các thế cây, anh muốn có hương hoa quả để khu vườn của mình phong phú hơn nhằm tạo ra một bức tranh đa dạng về chủng loại.                         

 Mong muốn của anh là có 6.000m2 đất để bày đặt toàn bộ số lượng cây trong bộ sưu tập của mình. Hiện tại ở trong vườn anh chỉ bày những cây hoàn thiện, còn những cây phôi dở không có vị trí để kê, anh phải dồn vào vườn phôi phía sau. Vườn phôi có diện tích khoảng 1.000m2 nhưng vẫn không đủ. Vì vườn chen cứng không có diện tích đất nên vừa rồi có mua thêm hơn chục phôi anh phải gửi ở nơi khác. Anh chia sẻ: "Nếu có quỹ đất rộng, tôi sẽ xây một số nhà cổ kết hợp với một số loại hình nghệ thuật văn hoá để khách tham quan và nghỉ ngơi. Hiện nay, nhiều đoàn đến thăm quan vườn cây tôi không có điều kiện để tiếp đón”.

Loan Thanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.