Tài hoa xuất chúng
Thầy giáo Nguyễn Thượng Hùng (74 tuổi), người cháu nội của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền kể: Danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền vốn từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh. Được sự kèm cặp và dạy dỗ của người cha, Thượng thư bộ hình Nguyễn Thượng Phiên nên tài năng cụ Hiền sớm nảy nở. Năm 18 tuổi, danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền đã đỗ Đình Nguyên tiến sĩ. Tuy nhiên, không biết do cách dạy của cha hay bản tính trời ban mà cụ Hiền là người sống phóng khoáng, không thích trói mình trong những ràng buộc của lễ giáo và công danh.
Thầy Nguyễn Thượng Hùng cùng P.V Người đưa tin
Để minh chứng cho lời nói của mình, thầy giáo Hùng kể lại cho chúng tôi giai thoại về cụ Hiền, khi cụ mới độ mười tuổi. Một hôm có người bạn của bố đến chơi nhà. Thấy cụ Hiền mắt sáng, biểu lộ sự thông minh hiếm có nên người này ra vế đối thử tài. Người bạn của bố liền đọc "Hiền hiền dịch sắc" (chữ trong sách Luận ngữ, nghĩa là đổi lòng yêu sắc đẹp ra lòng kính yêu người hiền). Không cần suy nghĩ, cụ Hiền ứng khẩu ngay "Lão lão cập nhân".
Theo thầy giáo Hùng, sự tài tình trong câu đối mà cụ Hiền đáp lại với người bạn của bố mình nằm ở chỗ "trong sách Luận ngữ, nguyên của câu này "Lão ngô lão dĩ cập lão nhân" (kính trọng người già của mình rồi kính trọng người già của người) nhưng mới mười tuổi, cụ Hiền đã biết sắp xếp lại câu thành ngữ trên chỉ còn 4 từ, vừa cân bằng vế đối, vừa mang ý nghĩa sâu sắc.
Sau khi nghe vế đối của cụ Hiền, vị khách này hết sức thán phục. Sự thông minh của cậu ấm Hiền năm nàọ khiến cả kinh thành Huế thời bấy giờ biết đến. Do đó, việc cụ Hiền giành Hội nguyên lúc 18 tuổi không khiến mọi người ngạc nhiên. Chính vì tài năng, lại xuất thân danh giá nên cụ Hiền được nhiều đại thần trong triều đình để ý và muốn gả quý nữ cho cụ.
Trong số những quan đại thần thời bấy giờ, người khao khát muốn Nguyễn Thượng Hiền làm con rể nhất chính là Phụ chính Đại thần, Điện tiền Tướng Quân Tôn Thất Thuyết. Chính cụ Nguyễn Thượng Phiên và cụ Tôn Thất Thuyết đã đính ước với nhau làm thông gia. Bà Tôn nữ Thị Ân, quý nữ của Tôn Thất Thuyết được hai người bố chọn làm vợ cho cụ Hiền. Kể đến đây, thầy giáo Hùng nở nụ cười đôn hậu. Lẽ ra, khi có hai ông bố quan to đỡ đần cùng với tài năng của mình cụ Hiền sẽ "phất" trên đường công danh.
Thầy giáo Hùng cho biết, "Mặc dù đã được đính ước, cụ Hiền vẫn xem mình như "trai chưa vợ" "thuyền chưa bến". Đỗ đạt cao nhưng ông vẫn không chịu ra làm quan, du ngoạn, đàm thoại văn chương, kết bạn khắp nơi, sống lãng mạn".
Trời phú cho tài năng, lại đẹp trai nên chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền khiến nhiều tiểu thư khuê các phải xiêu lòng. Do vậy, cuộc đời cụ gắn với câu chuyện tình đặc biệt, đánh dấu kỷ niệm về tuổi trẻ phong tình của nhà yêu nước nổi tiếng này.
Một ngày lấy hai đại tiểu thư
Thầy Hùng chia sẻ, "đến giờ gia tộc vẫn không biết ai là tộc trưởng". Để giải thích cho sự "trớ trêu" đáng yêu này, thầy Hùng kể cho chúng tôi câu chuyện cụ Hiền lấy vợ.
Ông Nguyễn Thượng Hùng bên bàn thờ tổ.
Theo ông Hùng, mặc dù đã được bố đính ước nhưng với bản tính đa tình, cụ Nguyễn Thượng Hiền vẫn "tán gái" như thường. Trong những ngày đi đàm đạo văn chương, cụ đem lòng yêu một tiểu thư khuê các con của tổng đốc Bình Phú Tôn Thất Phan tên Tôn nữ Thị Diệm. Bà Diệm xinh đẹp, nết na, được cụ Nguyễn Thượng Hiền dành tình cảm đặc biệt. Do đó, cụ Hiền quyết tâm kết tóc xe tơ cùng vị tiểu thư này.
Giữa cụ giờ đây là hai tiểu thư khuê các. Một người do bố mai mối, một người xuất phát từ tình yêu. Điều đặc biệt, dẫu bà Tôn nữ Thị Diệm cũng như cụ Tôn Thất Phan đều biết cụ Hiền đã được đính ước từ trước nhưng vẫn đồng thuận. Điều này rất khó xảy ra trước đây vì bản thân người đính ước với cụ Hiền là con của Tôn Thất Thuyết.
Để giải thích rõ hơn câu chuyện một ngày cụ Hiền cưới được cả hai đại tiểu thư dòng dõi hoàng tộc, ông Hùng cho rằng, sự kiện binh biến kinh thành Huế của cụ Tôn Thất Thuyết thất bại dẫn tới gia đình lưu lạc khắp nơi. Thời điểm đó, tiểu thư Tôn Nữ Thị Ân cũng không biết lưu lạc phương nào. Giữa gia đình cụ Phiên và cụ Thuyết mất liên lạc trong một thời gian dài. Trong khi đó cụ Phiên nóng lòng muốn đón bà Ân về cho đứa con đa tình của mình nên chủ động tìm kiếm.
Sau khi nhận được tin tức nơi ẩn trốn của bà Ân, cụ Phiên tự mình lên đường đi đón bà Ân về. Ông Hùng giải thích, lo sợ sự trả thù của giặc đe dọa đến tính mạng tương lai của con dâu, cụ Phiên đích thân đi đón bà Ân. Cùng thời điểm đó, theo tiếng gọi con tim, Nguyễn Thượng Hiền ở nhà cũng chọn ngày lành tháng tốt rước bà Diệm về làm vợ. Không ngờ, chính hôm cụ Hiền rước tiểu thư Diệm về nhà thì cũng là lúc bố mình đón con dâu Tôn nữ Thị Ân về nhà.
Theo ông Hùng, sự trùng hợp này khiến cụ Phiên ngán ngẩm mà chấp nhận chuyện đã rồi. Sau này, chính cụ Phiên cũng phải thừa nhận về sự tốt số của đứa con khó bảo của mình. Nhắc đến đây, thầỵ Hùng cười bảo, chính vì sự táo bạo của cụ Hiền trong tình yêu nên đến giờ gia tộc chúng tôi con cháu đuề huề.
Cũng theo cháu nội của Nguyễn Thượng Hiền, do có tình yêu sâu đậm với bà Diệm, nên bà Diệm sinh ra hai người con trai sau đó bà Ân mới sinh con. Nếu theo phong tục các vùng quê miền Bắc, ai đính ước trước người đó làm chị, con của chị sẽ làm tộc trưởng. Nhưng theo người Huế, ai sinh ra trước người đó làm anh nên con bà Diệm phải được làm anh.
Cụ Hùng thổ lộ: "Tôi là cháu nội của bà Ân, người được gia tộc ký thác cho việc trông giữ nhà của tổ tiên. Nhưng bản thân tôi không dám nhận mình là tộc trưởng vì không biết chắc chắn có đúng không, do câu chuyện tréo ngoe như trên". Ông còn tâm sự, "giờ đây mỗi khi kể lại những câu chuyện liên quan đến thời trai trẻ của cụ Hiền, cả gia tộc đều vui vẻ và thán phục cho sự đào hoa của cụ".
Trinh Phúc - Dương Thu