Kỳ 1: Cổ tự ngàn năm in bóng dấu tích vua Chiêm Thành xưa
Một người bạn chí cốt vốn là "thổ công" miền đất võ quả quyết, về An Nhơn mà không chiêm bái chùa Thập Tháp thì coi như uổng cả chuyến đi. Chẳng hiểu thực hư thế nào nhưng nghe qua cũng đã thấy tò mò. Vậy là, nhân chuyến công tác tại Bình Định mới đây, tôi nằng nặc thuyết phục gã dẫn đi thăm chùa. Có lẽ, tính đến nay, lịch sử chùa đã được gần bốn thế kỷ. Mười ngôi tháp yểm hậu của người Chàm trên khu gò phía Bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng vẫn còn in đậm dấu vết. Tương truyền đây chính là vùng lãnh uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa.
Cây phi lao đại thụ nghìn tuổi
Từ thành phố Quy Nhơn, xe chúng tôi xuôi theo quốc lộ 1A khoảng 30km về hướng sân bay Phù Cát tìm đến ngôi cổ tự Thập Tháp. Đoạn đường vào chùa rợp bóng tre xanh, nằm cạnh cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Giữa ngày hè nhưng làn gió từ hồ sen rộng ngút tầm mắt trước chùa phả vào mát rượi. Bước qua cổng tam quan phủ rêu phong, đặt chân vào ngôi cổ tự rợp bóng cổ thụ, tôi bỗng thấy lòng mình thanh thản như chìm vào một cảm giác an lạc đến lạ kỳ. Âu cũng là cái duyên, bởi nếu không quyết tâm, chắc tôi sẽ chẳng có cơ hội được một lần đến với Thập Tháp cổ tự.
Thập Tháp cổ tự đã tồn tại được gần bốn thế kỷ.
Ngồi xuống một bậc đá, chúng tôi tận hưởng những làn gió mát lành. Xung quanh yên tĩnh và mát mẻ lạ thường. Tôi rũ bỏ hết mọi bận bịu nặng nề của cuộc sống xô bồ ngoài kia, rũ bỏ cái nóng gay gắt của tiết trời miền Trung để tận hưởng cảm giác thư thái theo đúng nghĩa. Trước mắt tôi là một ngôi cổ tự bề thế, thâm nghiêm nằm ẩn mình dưới những hàng cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Tôi đặc biệt ấn tượng với cây phi lao đại thụ nằm giữa khuôn viên chùa. Ai đi qua cũng cố gắng nán lại để chiêm ngưỡng một kiệt tác của tự nhiên thách thức sự phong hóa của thời gian. Gốc cây to và chắc như đá, năm bảy người ôm không hết, thân nổi lên những khối xù xì to như chiếc bát. Phần gốc đã xuất hiện những hốc sâu bằng bàn tay rỗng vào trong chứng tỏ cây phi lao đại thụ đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử. Phật tử phải dùng xi măng đắp thành lớp dày phía thân bị mục để bảo vệ phần gốc và giúp cây đứng vững. Có một điều đặc biệt, dù thuộc hàng đại thụ trong vườn nhưng cây phi lao vẫn xanh tốt, cành lá tỏa bóng che phủ cả góc vườn. Chốc chốc những cơn gió vi vu chợt đến làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi những chiếc lá khô xào xạc...
Đang mải mê ngắm nghía, tôi gặp cụ Hà (86 tuổi) một người công quả tại chùa. Chắc hẳn do tuổi cao khiến cụ không thể nhớ rõ tên họ của mình. Phải hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần tôi mới luận được trong giọng nói xứ Bình Định ấy tên của cụ là Hà. Khi được hỏi về tuổi thọ cũng như gốc tích của cây phi lao cổ này, cụ Hà cho biết: "Nhà tôi ba đời trông nom tại chùa nhưng cũng chẳng ai biết gốc cổ thụ đó có từ bao giờ. Lớn lên tôi đã thấy nó đứng sừng sững ở đó, chẳng khác bây giờ là mấy. Có lẽ nó có từ ngày chùa Thập Tháp được xây dựng".
Để tìm hiểu thêm thông tin về ngôi chùa, PV liên lạc với ông Nguyễn Thanh Quang, trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định. Ông Quang cho biết, chùa Thập Tháp thuộc vào hàng chùa chiền ra đời sớm ở Đàng Trong, từ năm 1677. Tính đến nay, lịch sử chùa đã được gần bốn thế kỷ. Mười ngôi tháp yểm hậu của người Chàm trên khu gò phía Bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng vẫn còn in đậm dấu vết trên địa danh này. Phía sau chùa vẫn còn những nền móng nhuốm màu rêu phong. Chùa nằm trên đồi Long Bích, mặt hướng về núi Mò O (dân gian còn gọi là núi Thiên Bút), là vùng lãnh uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa.
"Bản tự cung soạn" viết ngày 28/12 năm Kỷ Mùi (1979) hiện lưu giữ tại chùa cũng giải thích: "Chùa Thập Tháp được mang tên "Thập Tháp Di Đà tự". Nguyên trước đây trên khu đồi này có mười ngọn tháp Chăm, sau một thời gian bị điêu tàn, sụp đổ. Vì chùa có mười ngôi tháp nên gọi là Thập Tháp. Còn Di Đà cũng có nghĩa lý tánh bản giác chúng sanh. Tổng hợp hai ý nghĩa trên tổ đình được mệnh danh là "Thập Tháp Di Đà tự". Chùa Thập Tháp toạ lạc trên khu đồi mang tên Long Bích. Về phía Bắc, nằm yểm hậu sát cạnh thành Đồ Bàn, thuộc thôn Vạn Thuần, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định".
Bí ẩn dấu tích tháp cổ
Theo chân cụ Hà, tôi bắt đầu khám phá về khuôn viên khu chùa. Cụ giải thích, chùa được bao bọc bởi sông Côn phía sau lưng và sông Bàn Khê phía Bắc nên lúc nào cũng lồng lộng gió. Ngay phía cổng là một bức bình phong đã nhuốm rêu phong. Mặt bình phong có đắp nổi hình long mã phù đồ đặt trên một bệ chân quỳ. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ khẩu, gồm chánh điện, tây đường, đông đường và nhà phương trượng. Giữa cửa chính của ngôi chánh điện có một tấm biển lớn ghi rõ "Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự" bằng chữ Hán. Theo các nhà sử học, đây chính là tấm biển được Minh vương Nguyễn Phúc Chu ban tặng khi mới lên ngôi. Tuy nhiên, do chiến tranh loạn lạc, thời gian bào mòn, tấm biển đã bị hư hại nặng nề. Sau này ngài Mật Hoàng, một thiền sư danh tiếng viết khắc lại.
Một điều bí ẩn luôn thôi thúc trí tò mò của phật tử bốn phương cũng như các nhà khoa học có lẽ nằm ở những ngọn tháp nằm rải rác xung quanh chùa. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, hiện nay vẫn chưa có cơ sở khoa học chứng minh gốc tính những ngôi tháp này. Tuy nhiên, phía sau chùa vẫn còn ngổn ngang dấu tích những ngôi tháp từ ngày xưa để lại, có lẽ là từ thời vua Chiêm Thành. Hơn hai chục ngôi tháp nằm sừng sững hiện nay thực chất là những ngôi mộ an trí nhục thân của các vị trụ trì và các bậc tôn túc trong chùa.
Sau lưng chùa, nằm trên đồi Long Bích còn có tháp Bạch Hổ. Đến nay người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc ngôi tháp này. Tương truyền, dưới thời thiền sư Liễu Triệt trụ trì, có một con cọp trắng hàng đêm rời núi rừng đến gần chùa nghe tụng kinh. Dù vô cùng to lớn nhưng cọp không ăn thịt và không làm hại ai. Một hôm, trong lúc thiền định, hòa thượng Liễu Triệt cảm nhận có một lão trượng râu tóc bạc trắng đến báo vừa mãn phần, hiện yên nghỉ sau chùa, xin được hòa thượng cùng tăng chúng tụng kinh để được siêu độ. Sáng hôm sau, hòa thượng cho người tìm khắp vùng thì chỉ thấy xác con cọp trắng nằm chết, ngài liền cho thu lượm rồi lập tháp để an trí xác cọp. Tên tháp Bạch Hổ xuất phát từ truyền thuyết này.
Được biết, ngoài hệ thống bảo tháp, chùa Thập Tháp hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa vô giá. Trong chùa có đủ ba tạng kinh, giấy khổ rộng và chữ lớn bằng ngón tay út. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, ba tạng kinh này, ngoài chùa Thập Tháp ra, không chùa nào có. Bộ kinh có tuổi thọ nhiều thế kỷ từng trải qua không ít biến cố của lịch sử. Ngoài ra, cổ tự còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú, bộ Đại Tạng kinh Cao Ly... vô cùng giá trị.
Các nhà nghiên cứu cho biết, văn bia còn để tại chùa ghi nhận rằng chùa Thập Tháp là hậu thân của am Di Đà được ngài Nguyên Thiều Hoán Bích xây dựng ở làng Thuận Chánh huyện Tuy Viễn vào năm 1665 trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền vương). Sách Đại Nam nhất thống chí nói chùa này được lập năm 1683, nhưng theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lan thì niên đại này có lẽ để ghi nhận lúc chùa đã khánh thành sau một thời gian xây dựng nhiều năm. Đến năm 1691, chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch và câu đối. |
Anh Văn
Kỳ 2:Thực hư huyền tích về "hòn đá oán hờn" 200 năm vẫn khóc