"Hạt lúa thần" tự sinh tự dưỡng
Chúng tôi đến An Nhơn vãn cảnh Thập Tháp khi cái nắng cuối chiều chỉ còn le lói sau những lùm cây. Ngọn núi Thiên Bút (dân địa phương quen gọi là núi Mò O - PV), nơi tọa lạc của thành Đồ Bàn huyền thoại vẫn đứng uy nghi, cô độc giữa trời như thách đố cùng phong ba tuế nguyệt. Từ phía Thập Tháp nhìn lại, núi Mò O giống như một lá buồm đang căng mình đón gió biển Đông. Mây lững thững dạo chơi trên sườn núi. Từ bao đời nay, cả dãy núi vẫn được bao phủ bởi một lớp mây bồng bềnh, mờ mờ ảo ảo như vậy. Giữa ngày hè nhưng làn gió từ hồ sen rộng ngút tầm mắt trước chùa phả vào mát rượi. Tôi bỗng thấy lòng mình thanh thản như chìm vào cảm giác an lạc đến lạ kỳ.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Thập Tháp Di Đà tự được coi là ngôi tổ đình đầu tiên của dòng thiền Lâm Tế, một trong những dòng thiền cổ nhất xứ Đàng Trong. Theo những sử liệu ít ỏi còn ghi chép lại, chùa Thập Tháp được sáng lập vào thời chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần bởi tổ sư Nguyên Thiều. Chính vị thiền sư thông kinh, bác hậu này đã huy động đệ tử gom nhặt những viên gạch vỡ trên nền mười ngôi tháp đổ của người Chăm để dựng lên Thập Tháp Di Đà tự nhằm mục đích khai mở sự nghiệp truyền bá Phật pháp. Cũng chính trong thời gian này, giai thoại về "hạt lúa thần" khổng lồ được hình thành. Hiện chưa có một cứ liệu lịch sử nào chứng minh thực hư huyền tích này. Tuy nhiên, từ hàng ngàn đời nay, người dân nơi đây vẫn không ngừng truyền tai những câu chuyện đầy ly kỳ về "hạt lúa thần".
Theo lời kể của cụ Hà (một công quả trong chùa), sau khi khai sáng và xây dựng chùa, thiền sư Nguyên Thiều liền bắt tay ngay vào công cuộc truyền bá Chánh đạo, hoằng hóa Phật pháp. Tiếng tăm của ngài nổi khắp gần xa khiến phật tử nhiều nơi tụ về quy y cửa Phật. Tăng ni trong chùa cũng không ngừng tăng lên, nhu cầu "có thực mới vực được đạo" cần được đặt lên hàng đầu. Vị cao tăng này liền đem từ đất Phật về một hạt lúa giống rất lạ, có kích thước bằng cả chiếc trống cái khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Chẳng ai biết đó là giống lúa gì nhưng người đời vẫn gọi đó là hạt lúa khổng lồ. Cũng từ đây, những câu chuyện kỳ lạ liên tiếp xuất hiện mà không thể lý giải được. Mùa xuân năm ấy, các sư đổ ra cánh đồng trước khuôn viên chùa để cày bừa chuẩn bị bước vào vụ mới. Bỗng nhiên, hạt lúa giống khổng lồ mà trụ trì Nguyên Thiều mang về ngày nào tự động từ nhà chùa lăn ra ngoài đồng trước con mắt kinh ngạc của toàn bộ tăng ni phật tử. Không ai có thể đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho hiện tượng lạ này, họ cho rằng có lẽ "hạt lúa thần" đã hiểu được nỗi khổ của phật tử và đem đến nguồn sống mới cho họ.
Câu chuyện về hạt lúa khổng lồ vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ tại ngôi chùa Thập Tháp. (Ảnh internet) .
Theo lời kể của cụ Hà, hạt lúa to đến mức mỗi người chỉ cần một hạt là đủ lương thực ăn cho cả tháng trời, giống như nồi cơm của chàng Thạch Sanh trong chuyện cổ tích, ăn mãi không hết. Chất lượng gạo rất tốt, bóc vỏ ra là thấy hạt gạo trắng tinh, nấu lên có mùi thơm dịu như nếp tháng mười. "Chuyện lạ đến mức, khi lúa chín, các nhà sư cũng không phải còng lưng ra gặt rồi kĩu kịt gánh lúa về chùa. Họ chỉ cần quét dọn sân chùa thật sạch sẽ, tinh tươm để đón những hạt lúa từ ngoài đồng tự động lăn về", cụ Hà nói.
Nghe câu chuyện về hạt lúa khổng lồ, tôi bất giác nhớ đến truyền thuyết về "hạt lúa thần" có từ thời Hùng Vương mới dựng nước mà tôi từng được nghe kể từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Tục truyền, khi vua Hùng mới dựng nước, ven các con sông Thao, sông Đà, sông Lô đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Các cụ già thường thấy, trên những bãi bồi hàng năm xuất hiện những vạt cây xanh tốt, nở từng bụi sum suê, bông trĩu, quả to, có quả như cái thuyền con. Khi quả chín rụng xuống đất, chim sóc cứ mổ mà ăn không xuể. Các già làng liền rủ nhau lấy rìu bổ ăn thử. Ăn vào đến đâu thấy dễ chịu đến đấy, nếu đem cho vào ống nứa đốt như nấu khoai mài, ăn càng thơm ngon. Sau này, ông cha ta đã gọi đó là những hạt lúa. Phải chăng, cũng giống như trong truyền thuyết, câu chuyện về hạt lúa khổng lồ tại chùa Thập Tháp là minh chứng cho khát khao có được cuộc sống no đủ của con người. Tự nhiên đã ban tặng cho chúng ta hạt lúa và con người bằng sức lao động của mình biến nó thành thức ăn để duy trì cuộc sống.
Biết phân biệt người tốt, kẻ xấu?
Cũng theo lời kể của các phật tử, hạt lúa khổng lồ thậm chí còn biết phân biệt thiện - ác, người tốt - kẻ xấu. Rất nhiều kẻ nổi lòng tham, muốn chiếm hạt lúa nhưng đều phải lãnh kết cục không may mắn. Tục truyền, thấy hạt lúa thiền sư Nguyên Thiều đem về quá huyền nhiệm, một số kẻ bèn tìm cách ăn cắp. Đến mùa gặt, khi những bông lúa nặng trĩu trong ruộng chùa, một số kẻ tham lam trong vùng đã nảy ý đồ xấu, lén ra ruộng chùa trộm vài hạt, vác về nhà. Chúng nghĩ rằng, sẽ giàu to vì mai đây hạt lúa khổng lồ sẽ tự động nảy mầm, trổ hoa, kết hạt. Tuy nhiên, chúng đã không đạt được mục đích. Khi đưa về nhà, hạt giống lúa bỗng dưng mất đi toàn bộ đặc tính vốn có. Lúa không tự lăn ra đồng, cũng chẳng sinh trưởng, trổ bông đơm gié. Hạt lúa trồng ngoài đồng gần như không có chút biến đổi mà thối dần trong mưa nắng. Chúng đành ngậm ngùi vì bị quả báo.
Một số kẻ giàu có trong vùng cũng nổi máu tham, giả làm kẻ bần hàn đến xin nhà chùa bố thí. Thương chúng sinh nghèo đói, các sư trong chùa đã đem hạt lúa dự trữ ra chia cho họ. Lũ lừa đảo hả hê vác hạt lúa về nhà nhưng khi vừa đặt xuống sân, chưa kịp mừng rỡ thì hạt lúa tự nhiên biến thành tro bụi tan biến vào trong gió trước con mắt kinh hoàng của lũ bất lương. Cũng từ đó, chẳng ai dám động đến hạt lúa thiêng của chùa. Chỉ có các nhà sư trong chùa trồng để tự cung ứng chứ không truyền ra bên ngoài được.
Tương truyền, cứ đến mùa gặt, các sư sãi trong chùa phải quét sạch nhà cửa, cổng ngõ sân bãi để chào đón "lúa thần", nếu trái ý lúa sẽ tự bay đi. Nhưng trong vụ lúa chín năm ấy, nhà sư được giao trách nhiệm quét dọn sạch sẽ sân chùa Thập Tháp để nghênh đón những hạt lúa lăn về bỗng lơ là, tắc trách. Khi những hạt lúa lăn từ ngoài đồng về, thấy sân chưa được quét dọn sạch sẽ liền nổi cơn hờn dỗi lăn ra khỏi chùa. Quá tức giận, nhà sư trẻ liền đuổi theo dùng cán chổi quất túi bụi vào những hạt lúa, vừa đập vừa quát tháo cho hả giận. Những hạt lúa khổng lồ bỗng tự động nát vụn cuốn đi theo gió. Vẳng trong không gian có tiếng nói: "Từ nay cứ lấy ngoèo tre, lưỡi sắt cắt từng bông chứ đừng hòng ta lăn về cho mà ăn nữa".
Cũng từ đấy, giống lúa khổng lồ biến mất trên nhân gian. Nhà chùa giữ lại một số vỏ lúa để làm kỷ niệm. Lâu dần, các vỏ lúa ấy mục hết, chỉ còn một vỏ to như chiếc trống chầu, vàng ánh được lưu giữ lại và thờ trong chùa. Tuy nhiên, hiện nay đã không còn tồn tại.
Phổ độ chúng sinh Chưa hết kỳ lạ, không cần bón phân cũng chẳng cần chăm sóc, thời gian trôi qua, hạt lúa giống tự nảy mầm rồi lớn lên vùn vụt. Những vạt cây tốt xanh, lá to như lá mía, thân như thân lau vươn lên khỏi ruộng. Đến mùa, hạt lúa lại tự trổ bông, đơm gié. Đến mùa hạ, lúa vừa chín tới. Mỗi vụ, năng suất của hạt giống lúa khổng lồ không cho nhiều, chỉ vừa đủ cung ứng lương thực cho các sư trong chùa và thừa ra một ít để nhà chùa phát cho những người dân nghèo khổ sinh sống quanh vùng. Qua nhiều thế hệ, những hạt lúa được sinh ra vẫn khổng lồ như hạt lúa giống ban đầu khiến phật tử tại đây không ngớt ngợi ca công đức của trụ trì Nguyên Thiều. |
Anh Văn