Chuyện linh vật

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 2, 20/01/2025 07:00

Chuyện linh vật là một chủ đề vô cùng thú vị và đa dạng, bao gồm nhiều khía cạnh và luôn thu hút sự chú ý của dư luận mỗi khi Tết đến Xuân về.

Mỗi năm đến tết âm, nước ta lại có phong trào làm linh vật. Thực ra thì chuyện làm linh vật cũng mới rầm rộ mươi năm nay, trước đó, có nhưng ít. Tết nào cũng hô hào tiết kiệm, tết vẫn thắt lưng buộc bụng, nên biết năm ấy cầm tinh con ấy, thường là bìa báo hoặc lịch có tranh hoặc ảnh linh vật, còn dựng ông ấy lù lù giữa thanh thiên bạch nhật, ở các điểm công cộng thì quả là mươi năm nay mới phổ biến.

Và cũng phục các ông họa sĩ, mỗi năm vẽ một con, năm nào cũng tươi rói, cũng sống động. Có lẽ bìa báo Văn Nghệ thời xưa ấy là hay có hình linh vật nhất, nếu tôi nhớ không nhầm.

Giờ đắp các ông ấy thành tượng, thành hình khối, thành cụm tượng, khó phết.

Nhớ năm nào, năm rồng, tỉnh kia làm một dãy nhấp nhô như... giun, dẫu ai cũng biết làm rồng dễ nhất. Bí quá thì cứ cóp nguyên si những ông rồng đời Lý ở hoàng thành Thăng Long mà ra trưng cũng đầy cảm xúc cả thẩm mỹ và lịch sử rồi.

Lại năm chuột, có những con chuột tả tơi như chuột cống, chuột chù, như chuột... lụt (cái câu thành ngữ ướt như chuột lụt hay ướt như chuột lột hoặc chuột lội vẫn còn cãi nhau).

Năm nữa, con dê gánh tuổi, tỉnh kia dựng một ông dê hùng dũng gác 2 chân trước lên hòn giả sơn, cuồn cuộn cặp sừng và hoành tráng cặp "đặc trưng" dê ngay tại trung tâm thành phố tỉnh lị, sau bị bình phẩm nhiều quá, nghe đâu phải di chuyển.

Con mèo, ôi thôi khỏi nói, chả phải ngẫu nhiên người ta gọi các cô gái như... mèo. Hồi mới từ miền Bắc về quê nội ở Huế, tôi nghe từ mèo, sau mới biết, mèo là cách gọi người yêu... ngoài luồng. Con này vẽ cũng đẹp mà đắp tượng cũng rất ngon lành. Nhỏ nhắn nhé, mượt mà nhé, nũng nịu nhé, dễ thương nhé. Lông mượt như nhung, mắt như bi ve, trong suốt ngơ ngác và rất... mèo.

Cọp, tức ông Ba mươi, tất nhiên là đầu bảng về hung dữ. Nhưng có hề chi, các họa sĩ nhìn nó như con mèo lớn thôi mà. Năm đội tuổi ông này, thấy ông nào cũng hiền dịu, cũng nhẹ nhàng như... các bà vợ trong nhà.

Đến như ông lợn, phía Nam gọi là heo, xấu thế, ục ịch thế, mắt híp bụng xệ thế, nặng nề thế, ăn nhiều kêu lắm mà cũng ngủ kỹ thế, bẩn nữa, thì tới 70% các bà vợ chả đã từng mắng yêu các ông chồng là... bẩn như lợn đấy thôi, nhưng qua con mắt các họa sĩ, các nhà điêu khắc, các nghệ nhân, nó cũng đáng yêu vô cùng.

Mà chả phải giờ, từ thời tranh Đông Hồ kia, ông lợn đã đẹp đến long lanh, đến phải... vào thơ: "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (Hoàng Cầm)... Tết bà con treo tranh Đông Hồ trên vách, ông lợn mỹ miều, lộng lẫy sáng trưng trên tường, và vào cỗ tết thì ông ấy thành miếng thành cục, thành bát thành đĩa, thành tiết canh lòng dồi, thành luộc thành rang thành kho thành hấp, thành các món đặc trưng tết để cùng lúc thỏa mãn cả tâm hồn và thể xác con người.

Con ngựa thì thôi rồi. Họa sĩ Lê Trí Dũng dành gần cả đời vẽ ngựa. Những con ngựa tung vó, những con ngựa ghìm cương, ngựa như mây bay gió thổi, ngựa như hơi thở, ngựa như sóng gầm, ngựa như có như không, ngựa như một nét thoảng, ngựa như một ám tượng... ông có hàng ngàn con ngựa, cả một thế giới ngựa, một trang trại ngựa... ngoài ngựa được vẽ, vào tranh, rất nhiều tượng ngựa đẹp, tất nhiên phải cộng thêm cả vẻ đẹp của những ông cưỡi ngựa trên tượng, như Thánh Gióng với tre Đằng Ngà...

Vân vân, có tới 12 con giáp, mỗi năm một con, từng năm lại có những linh vật về từng con giáp ấy.

Năm nay là con rắn.

Tất nhiên lại là, hầu như tỉnh thành nào cũng có linh vật rắn.

Một tờ báo mở hẳn cuộc thi tỉnh nào có linh vật rắn đẹp.

Trên facebook cá nhân, tôi cũng hô hào bạn phây ai thấy linh vật rắn đẹp thì chụp ảnh rồi cùng đánh giá. Tới giờ cũng đã có tới mấy chục ông rắn được gửi về.

Nó khó cái là, bản thân rắn rất khó làm đẹp vì nó rất ghê, hình thể như một sợi dây loe ngoe, mắt ti hí, da trơn tuột, lại rất độc, rất ít người không sợ rắn, nhất là phụ nữ. Có người chỉ nghe tới rắn là đã nổi da gà, thậm chí ngất xỉu. Kể cả các ông bợm nhậu, chế biến rồi thì chén tốt chứ bảo sờ vào nó thôi, lại chả rụt cổ lắc đầu...

Thế nhưng may mắn, tới giờ, qua quan sát của tôi và một số bạn bè, thì đa phần các linh vật rắn dựng ở các tỉnh chủ yếu là đẹp. Và dễ thương, dễ gần.

Rắn được biến thành em bé, thêm nơ thêm ru băng, ngộ nghĩnh dễ thương. Rắn thành thiếu nữ, mơ màng mắt chớp, mi dài khăn đóng. Rắn áo dài, rắn thổ cẩm, rắn đội mũ, rắn vấn khăn vân vân.

Tất nhiên cũng có rắn xấu. Một cụm rắn ở đâu đấy, có người nhận xét, nửa Tôn Ngộ Không nửa rắn.

Một vài nơi làm tượng rắn hổ mang... nguyên bản, trông cứ rờn rợn.

Nhưng tôi đọc đâu đấy một vị phụ huynh nói: Làm rắn đẹp quá cũng nguy hiểm. Là các cháu nhỏ xúm xít chụp ảnh, chơi với rắn linh vật, tới lúc thấy rắn thật chúng cũng xông vào... chơi thì hết sức nguy hiểm.

Có lẽ vì thế mà có nơi người ta coppy nguyên con rắn hổ mang thè lưỡi đỏ hỏn, bạnh mang dọa người đúng tư thế nó trong tự nhiên chăng?

Nhưng tôi rất yêu những con rắn của họa sĩ Nguyễn Vinh, một nhà điêu khắc trẻ ở Pleiku. Anh làm cụm rắn linh vật, từ rắn bố mẹ tới rắn con, như một gia đình sum vầy trải đều ở một đoạn đường ở cái quảng trường. 

Ngay cặp rắn vàng bạc, rắn bố mẹ ấy, có vẻ hơi dữ nhưng với cách khéo léo xử lý bố cục với sự phối cảnh hợp lý bằng những "phụ kiện" là nhiều túi vàng, túi bạc đặt xung quanh thể hiện thông điệp tài lộc, đủ đầy trong năm mới.

Lại nhớ, phong tục Việt, tết là để trở về, để sum vầy. Cụm tượng rắn này đã thể hiện được ước vọng, nỗi niềm ấy. Và, ngoài cặp rắn bố mẹ, còn một con rắn mặc thổ cẩm rất dễ thương và đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Thì ra, vấn đề là, cái nhìn của người sáng tạo, cộng với tài năng, sẽ cho ra những tác phẩm đẹp, là nói riêng về món linh vật. Cũng nhờ linh vật mà mấy năm gần đây xuất hiện một nghệ nhân rất nổi tiếng là anh Đinh Văn Tâm ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. 

Năm nay Đinh Văn Tâm có con rắn đội mũ phớt rất ngộ nghĩnh, dễ thương bày ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, và rồi thành phố Đà Nẵng đã vời anh vào để dựng linh vật rắn cho thành phố này.

Chuyện linh vật thì kể cả ngày không hết, hẹn tới... mùa linh vật sang năm chúng ta kể tiếp.

Một số linh vật rắn của họa sĩ Nguyễn Vinh đang hoàn thành ở Pleiku:

Chuyện linh vật- Ảnh 1.

Chuyện linh vật- Ảnh 2.

Chuyện linh vật- Ảnh 3.

Chuyện linh vật- Ảnh 4.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.