Người phụ nữ lừa đảo bằng chiêu gạ bán Iphone dởm bị các “hiệp sĩ đường phố” bắt giữ.
Chiêu lừa quen thuộc quanh chiếc điện thoại Iphone
Chiêu lừa phổ biến nhất hiện nay, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành phía Nam là việc sử dụng ĐTDĐ rởm để lừa đảo bằng hình thức cầm cố hoặc bán. Điển hình là trường hợp của anh N.V.H (SN 1976, trú tại huyện Nhà Bè, là chủ một cửa hàng sửa xe). Anh N cho biết anh đang sửa xe thì có một người thanh niên ăn mặc khá lịch sự, chải chuốt đi vào. Vừa tiếp xúc với anh N, gã thanh niên nói lớn như quen biết tự thuở nào “Anh còn nhớ em không? Em hay sửa xe của anh mà!”. Thấy ngờ ngợ trước người lạ nhưng vì là khách hàng nên anh N cũng cười nói vui vẻ lại. Chỉ vài câu chào hỏi, người thanh niên tâm sự với anh N vừa thua độ bóng đá, rồi ngỏ ý mượn anh N một triệu đồng, thế chấp lại một xe máy và một ĐTDĐ hiệu Iphone 5 còn nguyên giấy bảo hành. Thấy người thanh niên cũng lịch sự, đặc biệt là mượn 1 triệu đồng nhưng thế chấp lại tài sản có giá trị hàng chục triệu đồng nên anh N vui vẻ rút ví.
Không để anh N phải lo lắng, chỉ vài tiếng sau, gã thanh niên quay lại trả cho anh N một triệu đồng, không những thế còn ấn vào tay anh N thêm 50 nghìn đồng rồi lấy lại các tài sản đã thế chấp. Vừa bỏ ĐTDĐ Iphone 5 trong túi, dắt xe ra khỏi cửa hàng thì người khách hào phóng kia bỗng dưng nhận được điện thoại của ai đó. Không biết nội dung trò chuyện của gã thanh niên nhưng nghe loáng thoáng anh N đoán được là anh ta đang trao đổi về một trận độ bóng đá lớn.
Vừa tắt ĐTDĐ gã thanh niên quay lại trình bày với anh N, cần hai triệu để… chơi độ này, vẫn thế chấp lại xe máy và ĐTDĐ hiệu Iphone 5, hứa sẽ thưởng anh N thêm 250.000 đồng. Do thấy người khách cũng sộp, anh N rút ví đưa hai triệu đồng. Nhưng vì đang có việc gấp phải lấy xe máy để đi công việc, chỉ còn chiếc điện thoại hiệu Iphone 5 là ở lại. Thôi thì cũng không sao, điện thoại giá trị trên chục triệu đồng gấp mấy lần số tiền cho mượn nên anh N vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên sau đó người thanh niên bỏ đi biệt tích. Nóng lòng anh N đem chiếc ĐTDĐ Iphone 5 ra hiệu kiểm tra thì mới tá hỏa rằng đó là ĐTDĐ rởm, hàng Trung Quốc có giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Anh N nghi ngờ rằng lần đầu tiên gã thanh niên thế chấp ĐTDĐ Iphone thật để tạo lòng tin, rồi sau đó lấy lại và nhanh tay tráo hàng rởm để lừa anh số tiền hai triệu đồng.
Một trường hợp tương tự xảy ra ở ngay trung tâm quận 1. Đó là trường hợp chị Đ.T.H.H (SN 1982, là nhân viên văn phòng). Chị H kể, đang ngồi ăn trưa ở đường Lê Thánh Tôn thì bất ngờ có một phụ nữ bán xổ số tầm hơn 30 tuổi, đi tới, rồi ngỏ lời nhờ chị H tắt hộ nguồn của ĐTDĐ hiệu Iphone 4S. Thực hiện xong thao tác đơn giản, chị H nhận được lời cảm ơn từ người phụ nữ. Sau đó người phụ nữ trình bày là vừa nhặt được ĐTDĐ trên ở ngay đường Nguyễn Du gần đó, đang muốn bán. Chị H hỏi, người phụ nữ ra giá “hai triệu”. Đã thực hiện thao tác tắt nguồn nên chị H biết là ĐTDĐ thật, tiếc hàng hiệu bán giá bèo nên chị H rút tiền mua luôn. Người phụ nữ cầm tiền rồi nhanh chóng rảo bước, một lúc sau chị H kiểm tra thấy ĐTDĐ có biểu hiện lạ, mở nguồn chị thấy cảm ứng bị chai, màu màn hình loang lổ, nghi ngờ hàng dởm chị H tấp vào cửa hàng ĐTDĐ gần đó kiểm tra thì mới biết chắc là mình đã bị lừa.
Những chiêu lừa xunh quanh ĐTDĐ Iphone còn muôn hình vạn trạng. Chính những người am hiểu nhất, trong nghề buôn bán ĐTDĐ cũng bị lừa. Anh Hiệp (SN 1987, trú tại quận Thủ Đức, hành nghề mua ĐTDĐ về tân trang bán lại) kể trường hợp anh bị lừa cay đắng. Lướt trên mạng, anh Hiệp thấy chủ nhân của ĐTDĐ hiệu Iphone 4S rao bán ĐTDĐ mới 99% chỉ với giá 6 triệu đồng nên liên lạc đặt mua. Đầu dây bên kia người thanh niên hẹn gặp ở địa điểm gần nhà anh Hiệp trao tiền - nhận hàng. Vừa gặp nhau, anh Hiệp yêu cầu người thanh niên đưa ĐTDĐ để kiểm tra biết là hàng thật. Người bán xin mượn lại ĐTDĐ để tháo ốp lưng với lý do “của người yêu tặng làm kỷ niệm”. Chỉ vừa nhận tiền, giao ĐTDĐ xong người thanh niên rồ ga phóng mất. Chưa đầy 1 phút sau anh Hiệp cầm ĐTDĐ thấy lạ, kiểm tra nhanh anh phát hiện hàng rởm, nhưng gã thanh niên lừa đảo đã biến mất dạng sau màn nhanh tay tráo ĐTDĐ.
Nhìn Iphone hàng dởm và hàng hiệu khó có thể phân biệt được.
Độc chiêu mua xe máy của những cao thủ lừa đảo
Mới đây, Công an quận 7 đã bắt giữ siêu lừa Trịnh Cẩm Tiêu (SN 1960, trú tại quận Tân Phú) để chuyển giao Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM để điều tra, xử lý theo thẩm quyền về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công an xác định Tiêu đã thực hiện hàng loạt cú lừa đảo ngoạn mục bằng chiêu thức mua xe gắn máy cao cấp. Đáng nói là Tiêu lôi kéo nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội với mình, nhưng khi điều tra công an xác định những người này cuối cùng cũng chỉ là nạn nhân, cũng bị Tiêu lừa tinh vi.
Đầu tiên Tiêu lên mạng Internet làm quen, tán tỉnh những phụ nữ đơn thân, tự giới thiệu là đã ly dị vợ, là Việt kiều Mỹ mới về nước.
Sau đó Tiêu lướt trên các báo rao vặt về nơi bán xe loại đắt tiền như SH, Dylan… rồi rủ người phụ nữ quen qua mạng đi xe đến đón mình. Để đòn lừa hiệu quả, Tiêu bố trí 1 xấp tiền ngoại tệ, cụ thể toàn đô la âm phủ bên dưới, chỉ có vài tờ tiền đô la thật nằm phía trên rồi bỏ vào cốp xe của người phụ nữ. Đến nơi mua xe, Tiêu giới thiệu người phụ nữ đi cùng, khi là vợ, lúc là người yêu. Yêu cầu người bán xe cho xem giấy tờ, Tiêu nhanh tay trộm lấy giấy tờ xe. Sau đó Tiêu đề nghị người bán giao chìa khóa thử xe. Do thấy có vợ hay người yêu ngồi đó nên chủ xe vui vẻ giao chìa khóa thì Tiêu phóng mất dạng. Người bán xe và người phụ nữ ngồi chờ mãi không thấy Tiêu quay lại, kiểm tra trong cốp xe thì bọc tiền đều là đô la… cho người âm. Có trường hợp Tiêu dùng người đi cùng là người xe ôm mà Tiêu hay thuê đi lại để tạo sự thân thiết cho kế hoạch lừa đảo và khi tiếp xúc với người bán xe thì giới thiệu là “em kết nghĩa”. Có trường hợp người đi cùng bị người bán xe cương quyết bắt phải bỏ 70 triệu đồng ra đền cho chiếc xe mà Tiêu đã lừa, điển hình như bà N.T.V ở huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Không chỉ lừa ở những người nhẹ dạ cả tin, các cao thủ lừa đảo tinh vi thông qua chiêu thức mua bán xe còn đến tận các cửa hàng xe máy để ra tay. Ông H.N.L (SN 1958, là chủ cửa hàng xe gắn máy cũ ở đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận) kể cách đây khoảng 3 tuần, có 1 người đàn ông khoảng gần 40 tuổi ăn mặc lịch lãm vào cửa hàng ông đặt mua xe. Tiếp xúc trực tiếp với ông L, người khách xưng tên là Quý ở quận Tân Bình, rồi đặt cọc 10 triệu đồng mua chiếc SH, có giá khoảng 80 triệu đồng, hẹn sẽ quay lại lấy sau, rồi có xin số điện thoại của ông L. Chỉ 3 ngày sau khi đặt cọc tiền, vị khách tên Quý xuất hiện nhưng dường như là có chủ ý từ trước khi canh chừng ông L vừa rời khỏi cửa hàng. Vừa vào, Quý nói oang oang “Anh L của tao đâu rồi! hôm nay đến lấy xe đây”. Nhân viên kỹ thuật tên T thông báo “sếp đi vắng”. Lập tức Quý móc điện thoại ra gọi, nói chuyện rất thân tình với ông L rồi chuyển máy cho anh T. Qua điện thoại ông L cũng nói rõ anh T giao xe cho Quý, nhưng nhớ cần trừ 10 triệu đồng tiền cọc. Sau đó Quý yêu cầu giao chìa khóa xe cho chạy thử. Tưởng Quý thân thiết với chủ vì chứng kiến cách trò chuyện nên anh T đáp ứng yêu cầu và không ngờ người khách tên Quý lái chiếc xe một đi không trở lại.
Trịnh Cẩm Tiêu - cao thủ lừa đảo bằng chiêu thức
mua xe gắn máy cao cấp.
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Huyền - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm lừa đảo - trộm cắp thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM thì hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo với rất nhiều chiêu thức tinh vi. Cụ thể chúng ăn mặc rất lịch sự, chải chuốt như những người giàu có, ăn nói nhã nhặn như dân có học thức. Để nạn nhân cảnh giác với những chiêu lừa này, Trung tá Huyền chỉ nói rõ, không nên tin vào những người mới quen biết, những người trò chuyện qua mạng Internet. Nếu là giao dịch mua bán thì phải xem hàng chắc chắn, cầm trên tay rồi mới giao tiền, phải là “tiền trao, cháo múc”. Nếu phát hiện có nghi vấn gì thì người dân, nạn nhân cần trình báo với cơ quan công an gần nhất để kịp thời can thiệp, ngăn chặn và xử lý.
Theo ANTĐ