Từ chuyện người anh hùng cứu nhân độ thế
Theo Sử ký và truyền thuyết của những người dân vùng ven Hồ Tây thì ông họ Mục tên Thận, người Cương Thụy, Quảng Đức (ngày nay là những vùng ven Hồ Tây thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội-PV). Bố mẹ ông sống về nghề chài lưới. Ông tướng mạo khôi ngô, tính nhanh nhẹn, tháo vát lại thích học bùa chú của Đạo giáo. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã đi tìm thầy học pháp thuật, ngao du tới rất nhiều miền của đất nước. Các phép thần phù, bùa chú ông đều tinh thông cả, sau ông về dựng mấy gian nhà lá ở quê hương để sinh sống. Ngày ngày ông mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, đồng thời ra công tinh luyện phép thuật để cứu đời.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Ông Phạm Văn Thuận- Thủ Từ đình Võng Thị kể cho chúng tôi biết thêm về nhiều sự tích li kì khác. Chuyện kể rằng, cụ Mục (người dân nơi đây tránh gọi tên húy) là một lão ngư dân rất giỏi nghề sông nước. Một lần mưa bão mù mịt, thuyền của ông biệt tích bảy ngày. Ở nhà người ta đã lập bàn thờ để thờ cúng. Bỗng nhiên, sang ngày thứ tám, ông trở về với một thuyền chở đầy ắp người. Thì ra suốt mấy ngày mưa bão, nhiều thuyền của ngư dân bị trôi dạt khắp nơi, cụ Mục đã đi thuyền khắp mặt hồ để cứu người bị nạn. Đến lúc không thấy người nào trên mặt hồ nữa, cụ mới chèo thuyền trở về. Dân làng cảm đức của cụ đã góp tiền xây miếu thờ sống gọi là Mục Thận Từ.
Đền Sùng Khánh ngày nay.
Theo lời của Thủ Từ Nguyễn Văn Thuận, chiến công hiển hách nhất mà người dân nơi đây vẫn hay kể chính là hành động quăng lưới bắt hổ cứu Vua của cụ Mục. Khi ấy, vào thời vua Lý Nhân Tông, Thái sư Lê Văn Thịnh có kẻ nô tỳ người đất Đại Lý (nay thuộc Vân Nam, Trung Quốc) giỏi thuật bùa chú, có thể tạo ra sương mù và biến thân thành hổ báo. Vị thái sư dụ nó dạy mà học được phép ấy nên âm mưu hại chúa, nuôi lòng phản nghịch. Một hôm vua đi chơi trên hồ Dâm Đàm (nay là Hồ Tây) tự nhiên thấy sương mù đầy mặt nước, bốn bể mù mịt. Nghe có tiếng mái chèo tiến lại gần, vua Lý bèn lấy giáo ném xuống. Lát sau sương mù tan dần, chợt thấy trên thuyền rồng có một con hổ lớn, mọi người đều sợ xanh mắt, vua Lý bèn sai tên thị vệ truyền cho các thuyền chài xung quanh lại cứu. Mục Thận nghe tin, liền bói một quẻ thấy đó là một quẻ xâm phạm đến đế vương, lập tức phóng thuyền đến, tung lưới và đọc thần chú rằng: "Thiên la địa võng, mật bố tứ chi, thần quang thần quang, chiếu triệt vạn chi" (lưới trời lưới đất, lặng bủa bốn bề, thần quang thần quang, chiếu rõ chân tướng-PV).
Lời chú vừa dứt ông liền tung lưới bủa lên mình hổ. Lưới biến thành lưới sắt và con hổ hiện nguyên hình là thái sư Lê Văn Thịnh. Câu chuyện này không những chỉ tồn tại dưới những truyền thuyết dân gian mà được ghi chép lại trong các sách như: Việt điện u linh, Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư. Sau này cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều phân tích về sự kiện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ.
Song sử cũ ghi chép, nhờ đó mà Mục Thận được vua phong làm Kiêu kỵ tướng quân, sau phong đến Phụ quốc và ban cho Hồ Tây làm thực ấp. Đến đời Trần, ông còn được truy tặng là Thái úy, thụy là Trung Duệ, tước Vũ Lượng Công. Khi ông mất vua phong làm thượng đẳng phúc thần, sai lập miếu ở trong ấp để thờ cúng. Ông được tôn làm Thành Hoàng làng và thờ tại đình Võng Thị cho đến ngày nay.
Tuy nhiên trải qua gần 1.000 năm lịch sử, ngôi đình này cũng có số phận rất đặc biệt. Theo ông Phạm Văn Thuận thì trước kia đình Võng Thị tọa lạc trên một mảnh đất rất rộng, trải dài từ nền cũ đình hiện nay xuôi xuống theo ven Hồ Tây với tổng khuôn viên dài tới mấy trăm mét. Người dân nơi đây có câu ca rằng: "To nhất đình Võng, đẹp nhất đình So" là vì vậy. Trước đây mỗi cột đình ba bốn người ôm không hết, trước cửa lại có một hồ sen rộng nên cảnh vật rất hữu tình. Quy mô ngôi đình rất bề thế với gian đại bái, hậu cung và hai nhà tiền tế. Tuy nhiên trong thời gian chiến tranh, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến nên người dân đã phá và đốt hết đình, chùa. Vì thế ngày nay ngôi đình gần như không còn giữ được chút gì dáng vẻ ban đầu. Hiện nay người ta cho xây một hậu cung nhỏ bằng gạch để thờ cúng.
> Hãy cùng chung tay hành động vì một Việt Nam xanh
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ .
Đến thực hư câu chuyện vị Thái sư hóa hổ
Đây là truyền thuyết về một nhân vật lịch sử có thật nhưng lại được nhiều người ra những nghi vấn về mặt sử học. Người dân khu vực quanh Hồ Tây bao đời nay vẫn lưu truyền câu chuyện như vậy và họ tự hào về nó. Tuy nhiên vẫn cần phải có cái nhìn mang tính khoa học để giải thích về những sự kiện lịch sử bị che mờ đi bởi những yếu tố huyễn hoặc, không có thực. Và để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (Giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN) xung quanh câu chuyện đầy tính chất liêu trai này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: "Sự kiện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ hay còn gọi là "Vụ án hồ Dâm Đàm" là một truyền thuyết dân gian. Đã gọi là truyền thuyết thì đó là sự sáng tạo nghệ thuật dựa trên một cốt lõi sự thực lịch sử nào đó. Các từ thư Việt Nam như Việt điện u linh, Việt sử lược hay Đại Việt sử kí toàn thư đều ghi lại. Trong truyền thuyết này, cốt lõi lịch sử là các nhân vật và một số sự kiện có thật là: Lí Nhân Tông, Mục Thận, Lê Văn Thịnh; sự kiện Lê Văn Thịnh đắc tội với vua (đại diện cho triều đình), sự kiện Lê Văn Thịnh bị biếm đi Thao Giang là thực. Nhưng toàn bộ câu chuyện là truyền thuyết. Ở đây có hai điều cần lưu ý là: Việc dân gian sáng tạo truyền thuyết và việc người chép sử chép theo kiểu truyền thuyết".
Như vậy là câu chuyện trên được xây dựng xung quanh một sự kiện lịch sử có thật. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân vì sao Lê Văn Thịnh lại bị tội và bị đi đày. Nhưng có một sự thực là người ta gắn sự kiện này với một mô-tip quen thuộc trong dân gian là "người hóa hổ" hay "quan hóa hổ".
Nhà nghiên cứu cho biết: "Dân gian sáng tạo truyền thuyết, xưa cũng như nay, một trong những thủ pháp của họ là dựa theo những mô-típ có sẵn. Trong trường hợp này, mô-tip có sẵn nằm ở kho tàng tín ngưỡng văn hóa và văn học dân gian. Về truyền thuyết dân gian, trước sự kiện Lê Văn Thịnh "hóa hổ" hơn 5 thế kỉ và trước những sách sử Việt Nam chép sự kiện này hơn 800 năm thì kiểu mô-tip "quan hóa hổ" đã tồn tại trên chính vùng đất này và đã được ghi chép lại trong tác phẩm Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (khoảng thế kỉ V-VI). Về tín ngưỡng thì việc người đội lốt hổ, hóa trang thành hổ, kịch mục về hổ đã từng có hàng hơn hai nghìn năm trước trong văn hóa Trung Hoa và đặc biệt là văn hóa Phật giáo Ấn Độ, vốn là những thứ người Kinh tiếp xúc và tạo thành vốn văn hóa của mình rất sớm. Truyền thuyết là vậy, còn chép vào sử biên niên như Đại Việt sử kí toàn thư hay chép vào thần tích như Việt điện u linh thì không phải gì trong đó cũng là "sử thực". Vì rất nhiều lí do, người ta dùng huyền thoại, truyền thuyết để chép. Khi đọc sử thì phải có tư tưởng phê bình sử liệu, đây là một khoa học. Câu chuyện Lê Văn Thịnh hóa hổ tôi cho rằng đã được chép theo truyền thuyết dân gian vì nó có lợi cho các nhà Nho chép sử".
Bí ẩn còn sót lại của ngôi đình cổ Hiện nay tại đình Võng Thị còn một con rùa đá rất cổ. Trên lưng rùa là một tấm bia mà các chữ ghi trên đó đã mờ hết. Theo ông Thuận thì số phận con rùa đá này cũng rất đặc biệt. Trong thời kháng chiến nó từng bị xem là đồ bỏ và bị ném xuống Hồ Tây. Nhưng sau đó người dân vớt lên và mang về đặt tại đình Võng Thị ngày nay. Nhưng thông tin ghi trên bia đá thì không ai biết gì cả. Đến nay những thông tin đó vẫn là một bí ẩn cần được giải đáp. |
Phạm Thiệu