7 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép
Theo khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm:
1 - Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
2 - Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm.
3 - Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.
4 - Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
5 - Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.
6 - Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
7 - Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Tuy pháp luật quy định 7 trường hợp khi chuyển mục đích thì phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không phải người sử dụng đất có đơn xin phép chuyển là được phép chuyển, mà phải căn cứ vào 2 điều kiện.
Điều kiện 1, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện 2, nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Như vậy, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích cần xem vị trí thửa đất định chuyển có được phép chuyển hay không (xem tại kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được công bố công khai - trong đó có thông tin về khu vực đất được chuyển mục đích) và soạn đơn gửi cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi phải xin phép
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT hộ gia đình, cá nhân cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ như sau:
- Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1, nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Bước 2, Tiếp nhận và xử lý hồ sơ ban đầu. Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, phòng Tài nguyên và Môi trường phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 3, xử lý, giải quyết yêu cầu.
Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Bước 4, trả kết quả. Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời hạn thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất). Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
5 trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT những trường hợp sau đây được chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động:
1 - Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm.
2 - Chuyển đất trồng cây hàng năm khác (không bao gồm đất trồng lúa), đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm.
3 - Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm.
4 - Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đất thương mại, dịch vụ,…).
5 - Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Như vậy, chỉ trong những trường hợp trên thì người sử dụng đất mới được quyền chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy không phải xin phép (nghĩa là không cần viết đơn và phải có sự đồng ý của cơ quan Nhà nước bằng văn bản) nhưng vẫn phải đăng ký biến động.
Thủ tục đăng ký biến động đất đai
Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ, gồm:
- Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK.
- Giấy chứng nhận.
Khoản 3 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như sau:
Bước 1, nộp hồ sơ.
Theo khoản 2, 3 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ theo quy định sau:
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu (xã, phường, thị trấn).
Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã
- Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa ở cấp huyện.
- Nếu chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ như sau:
+ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai).
Bước 2, tiếp nhận và giải quyết. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận vào Đơn đăng ký; xác nhận mục đích sử dụng đất vào Giấy chứng nhận; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).
Bước 3, trao kết quả. Trao Giấy chứng nhận hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Hoàng Mai