Chuyện nàng công chúa bị ép duyên với vua Gia Long

Chuyện nàng công chúa bị ép duyên với vua Gia Long

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Trong số các "bóng hồng" của hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh (17621820), cuộc tình của ông với công chúa Ngọc Bình đã đi vào ca dao. Tuy nhiên, ít ai biết được người vợ có tên Ngọc Bình ấy đã bị ép duyên nên mới phải lấy vua Gia Long.

Gia Long là vị vua có công khi thống nhất Việt Nam sau gần 300 năm chia cắt và chiến tranh kể từ thời Nam - Bắc triều tới hết thời Tây Sơn (1527-1802); trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương.

Gia Long làm vua từ năm 1802 đến 1820, được đánh dấu bằng việc chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam với cương thổ rộng lớn nhất lúc bấy giờ, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan; mở đường cho các ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam thông qua việc mời họ giúp nhà Nguyễn xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Cơ đốc...

Nguyễn Phúc Quân có tước phong là Quảng Oai Công (có sách chép là Quảng Uy Công) là con trai trưởng của công chúa nhà Hậu Lê là Ngọc Bình với hoàng đế Gia Long. Tình duyên của cha mẹ Quảng Oai Công là một câu chuyện rất đặc biệt, khởi đầu từ những diễn biến chính trị mạnh mẽ diễn ra từ năm Tân Dậu (1801).

Đó là vào cuối tháng 4 năm Tân Dậu (1801), vua nhà Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản chống đỡ không nổi quân của Nguyễn Phúc Ánh phải bỏ chạy ra Bắc, nhiều gia quyến không theo kịp bị kẹt lại, trong đó có người vợ trẻ Lê Thị Ngọc Bình và một số cung nữ. Chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh tiếp tục cho quân truy đuổi, bắt được và đem xử chém vua quan triều Tây Sơn.

Lại nói về công chúa Ngọc Bình, khi bị bắt mới 19 tuổi, Nguyễn Phúc Ánh thấy nàng trẻ đẹp, diễm lệ, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha, nên rất ưng ý mới quyết định lấy làm vợ. Các cận thần đứng đầu là Lê Văn Duyệt kịch liệt phản đối vì cho rằng "thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của giặc". Thế nhưng, do rung động trước người đẹp, vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả, ông trả lời bề tôi rằng: "Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?".

Pháp luật - Chuyện nàng công chúa bị ép duyên với vua Gia Long

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trong sách "Quốc sử di biên" của một cận thần triều Nguyễn là Phan Thúc Trực có đoạn chép: "Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) loan giá đức Thế tổ (tức vua Gia Long- TG) đến kinh thành Thăng Long... nhân dân hào mục bắt được gia quyến Nguyễn Quang Toản và đem dâng lên nhà vua... Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua".

Lê Thị Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được Gia Long sắc phong làm Đệ tam cung Đức Phi, đứng thứ ba sau hai bà Thừa Thiên cao Hoàng hậu họ Tống (mẹ hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu họ Trần (mẹ hoàng tử Đảm, sau là vua Minh Mạng). Có lẽ vì bị cưỡng ép hôn nhân nên tâm trạng của Ngọc Bình khó có thể vui vẻ được. Vì thế, trong dân gian còn lưu truyền câu ca như nói lên tâm sự ở tình cảnh éo le của công chúa Ngọc Bình như sau:"Mất chồng rồi lại lấy chồng/Mặt nào còn sống ở trong cõi đời?".

Luật nay: Cưỡng ép kết hôn là phạm tội

Thực tế cho thấy, quan niệm về hôn nhân thời xưa là sự sắp đặt của cha mẹ. Người con chỉ có nghĩa vụ tuân theo mệnh lệnh đó. Đồng thời, chế độ thời xưa quyền hành thường tập trung ở một người đứng đầu thường là vua, cho nên ý của vua là mệnh lệnh bắt buộc phải thực hiện. Sử sách ghi lại, trước khi lấy vua Gia Long, công chúa Ngọc Bình từng có một đời chồng là vị vua triều Tây Sơn. Thực tế thì nàng không muốn kết hôn với vua Gia Long, nhưng vì bị ép buộc phải lấy, nên Ngọc Bình không thể không đồng ý.

Nếu như vụ việc đó xảy ra vào thời nay thì hành vi ép duyên của Gia Long đối với công chúa Ngọc Bình có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự hiện hành đã dành hẳn một chương quy định về các tội xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình.

Theo đó, Điều 146 quy định về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ như sau: Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần... hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Tường Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.