Ở chuyện nghề 17, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả nghề giáo viên mầm non. Quả thực, mỗi nghề đều có những nỗi khổ riêng, nhưng đối với nghề giáo viên mầm non, bên cạnh sự nghiệp chăm sóc cho “thế giới ngày mai”, họ cũng phải chịu những ánh mắt gièm pha, dị nghị của nhiều người. |
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông liên tiếp xuất hiện thông tin về một số vụ việc cô giáo mầm non bạo hành trẻ ngay trong lớp học. Những câu chuyện này khiến dư luận hết sức phẫn nộ, lên án hành động của một bộ phận các cô giáo mầm non.
Chính tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” đã khiến những cô giáo mầm non chân chính, có lòng yêu thương trẻ gặp không ít khó khăn. Để lắng nghe những chia sẻ, cũng như tâm tư nguyện vọng của các cô giáo mầm non, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Hoàng Diệu L. (27 tuổi, đến từ Yên Bái), hiện đang là giáo viên tại một trường mầm non trên địa bàn Hà Nội.
Cô Diệu L. chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội chuyên ngành Mỹ thuật. Tôi không thể xin việc được đúng với chuyên ngành mà mình học. Khi ấy, thay vì lựa chọn về quê, tôi ở lại Hà Nội, để xin vào các trường tư thục dạy vì tôi nghĩ số lượng giáo viên mầm non đang thiếu nhiều như thế, xin việc ngành này ắt hẳn là rất dễ. Thật may mắn tôi xin được vào một trường tư thục với mức lương chưa tới 1,5 triệu đồng/tháng và tôi đã thoát khỏi tình trạng thất nghiệp”.
Cũng theo cô L. chia sẻ, lương thấp nhưng cô trông trẻ từ 3-5 tuổi. Ban đầu, cứ nghĩ yêu nghề hết mình thì ông trời sẽ không phụ lòng người, nên cô hăng say, tận tụy với công việc. Những đứa trẻ đến lớp một tay cô chăm sóc, nhiều người thắc mắc vì sao trẻ thế lại chắm trẻ khéo đến như vậy.
“Hàng ngày, tôi phải đi làm từ lúc 7h sáng để đến đón các con vào lớp, có con bố mẹ kịp cho ăn thì mình nhàn được chút, chứ bé nào lười ăn là các cô phải làm đủ trò mới chịu ăn”, cô L. chia sẻ.
Cô L. cho hay, không ít người cho rằng, công việc của một giáo viên mầm non không có gì vất vả, vì chỉ có cho các con ăn rồi chơi cùng. Nhưng quả thật, có làm mới biết, mọi việc không hề đơn giản.
Nói về khó khăn của nghề, cô L. cho hay: “Không ít hôm chúng tôi trực tới 8h tối mới về, người mỏi nhừ, chân tay rã rời. Chưa kể, có bé ăn xong lại nôn trớ ra hết người vì ho, sốt. Hay, có bé trong giờ hoạt động ngoài trời nghịch bị ngã, trầy xước tay chân, mà chúng tôi không kịp kiểm soát. Đến tối phụ huynh đón con về gọi điện hỏi, thậm chí là trách mắng cô vì không trông bé cẩn thận”.
Cứ làm như vậy được gần 4 năm, cô L. thấy nản nhiều lần muốn bỏ việc, mang tiếng là làm giáo viên mầm non dưới thành phố nhưng lương không đủ sống. Bao nhiêu năm đi làm không có tiền gửi về quê. Hơn nữa, cũng chẳng có thời gian mà đi chơi, giao lưu với bạn bè. “Khi đi làm tôi yêu một người cũng quê, nhưng yêu được hơn 1 năm thì chúng tôi chia tay chỉ vì tôi không có thời gian quan tâm tới bản thân huống chi là dành sự quan tâm ấy cho người yêu”, cô L. tâm sự.
Cũng như cô L., cô giáo Hoàng Thị H. (Hà Nội) từng có 4 năm theo đuổi nghề cho hay: “Mọi người cứ bảo giáo viên mầm non đi làm nghề hành chính 8 tiếng một ngày, nhưng ngoài thời gian trông các cháu, chúng tôi phải chuẩn bị bài học, đồ chơi cho các bé...”.
Cũng theo cô giáo H., lớp cô dạy rất đông, 2 cô giáo hàng ngày phải “chiến đấu” với 45 cháu nhỏ, nên rất căng thẳng, áp lực. Nhiều khi cảm thấy quá tải việc trông quản trẻ, chứ chưa nói đến giờ ăn ngủ vệ sinh cho các cháu.
“Nhiều phụ huynh tôn trọng giáo viên mầm non, nhưng có những người, con họ chỉ xước xát một chút, do bạn cấu là chỉ trích cô giáo rất khó nghe. Thậm chí có phụ huynh không nói gì với giáo viên mà gọi điện trực tiếp cho hiệu trưởng để kiện cáo, không để giáo viên có cơ hội giải thích. Bản thân tôi từng lấy nhầm ba lô với áo cho trẻ, thế mà phụ huynh đến nhà nói giáo viên vô trách nhiệm. Thấy vợ làm việc áp lực, chồng tôi bảo bỏ việc đi ở nhà chăm con nhưng tiếc công đi học nên cố gắng động viên chồng cho đi làm”, cô H. chia sẻ.
Cùng chủ đề:
>> Chuyện nghề 16: Câu chuyện dở khóc dở cười của công nhân hót rác
Hằng - Bích