Ở khu chợ Long Biên, nơi tập trung dân tứ xứ từ khắp nơi đổ về kiếm sống, khi trò chuyện với PV, mỗi người đều có một tâm trạng, nỗi niềm riêng. Họ bận rộn mưu sinh nhưng trong lòng họ lúc nào cũng hướng về gia đình, mong một ngày không xa nỗi lo cơm áo gạo tiền không còn nhiều nữa.
Giống như nhiều người phụ nữ làm nghề cửu vạn, bà Hoàng Thị Minh (56 tuổi, Hà Nam) làm nghề bốc vác thuê tại chợ Phùng Khoang đã được hơn 10 năm. Kể về nghề của mình, bà Minh cho biết: “Làm nghề bốc vác này mà không vất vả, trầy xước thì lại nhàn quá. Tôi nhớ, có lần vì cố kéo xe hàng, chất 10 thùng hoa quả lên xe khiến chân tôi không đứng vững, hai vai nặng trĩu. Mới đi được vài bước thì xe hàng lật, tôi ngã theo, cũng may hàng hóa của họ không bị làm sao, nhưng tay tôi trật khớp mất một thời gian dài. Giờ tôi không dám gánh, vác nặng nữa”.
Theo tìm hiểu của PV, họ thức trắng đêm cực nhọc là vậy, nhưng tiền công của mỗi người cửu vạn chỉ được tầm 100.000 đồng/ngày. Nếu hàng hóa nhiều thì số tiền được cao hơn, nhưng bù trừ lại các khoản ăn ở cũng chỉ dư vài triệu đồng/tháng.
“Con trai làm bốc vác có sức khỏe, chứ phụ nữ chúng tôi ban đầu chỉ đi gánh thuê, nhưng phải biết gánh hàng thì chủ mới thuê. Những ngày đầu mới ở quê ra, do không chịu nổi áp lực, nặng nhọc tôi đã khóc, đã muốn quay về, nhưng nghĩ đến các con, tôi lại cố gồng mình gánh những thùng hàng ngày này qua ngày khác”, bà Minh cho biết thêm.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Hoa (Nam Định) cho biết: “Tôi ở trọ trong cùng một dãy với các chị em khác, mỗi tháng mất 500.000 đồng tiền thuê trọ chưa tính tiền ăn. Chồng tôi ở quê chăn nuôi, đi làm thế này vất vả nhưng có tiền mặt luôn nên tôi dặn lòng mình phải cố gắng. Nhưng nhiều lúc nghĩ cũng thương chồng vì cả hai không được ở bên nhau”.
Cùng chung nỗi buồn với chị Hoa, chị Hà Thị Thu (Thanh Hóa) cũng cho biết, chị cảm thấy rất cô đơn mỗi khi đi làm và trở về căn phòng trọ: “Phòng trọ lạnh lẽo chỉ có bốn bức tường, đi làm về mệt chẳng muốn nghĩ nhiều, thế nhưng có thời gian rảnh là lại suy nghĩ mông lung. Giá như tôi được sướng như bao người khác thì vợ chồng đã không phải sống xa nhau”.
Nhìn những người phụ nữ luống tuổi phải oằn mình để kéo, gánh, bốc vác nhiều thùng hàng trong một lần chuyển mà có lẽ trọng lượng của nó gấp vài lần người kéo. Ai cũng phải thốt lên rằng “họ đang phải kéo... cả gia đình mình”.
Có nói chuyện, chúng tôi mới hiểu thêm được rằng, thực ra những người phụ nữ chân yếu tay mềm đang cố gồng mình lên để chống chọi với cuộc sống mưu sinh giữa phố phường chật hẹp. Vì thế, dù mồ hôi có thấm đẫm trên áo và đôi tay có chai sạn, thấm máu họ vẫn cố làm việc mỗi khi có xe hàng đến.
Cùng chủ đề:
Chuyện nghề 17: Những áp lực không tên của giáo viên mầm non
Chuyện nghề 18: Xin đừng gọi giáo viên mầm non là 'cô nuôi dạy hổ’
Mai Thu – Thanh Lam