Nghề giúp việc (ô sin) tưởng chừng nhàn nhã, dễ dàng, nhưng có vào nghề mới hay rằng, không có con đường nào dẫn tới thành công mà trải đầy hoa hồng. Để có được đồng tiền, những người giúp việc phải chấp nhận đánh đổi sự tự do, thời gian, thậm chí cả những giọt nước mắt tủi nhục. |
Người ta vẫn đùa nhau nghề giúp việc là nghề “vun vén hạnh phúc” cho gia đình người khác. Họ không chỉ lo nội trợ, rửa bát, quét nhà, mà còn chăm con cái, chăm sóc người già... cho gia đình nhà chủ. Họ phải làm sao để nhà chủ luôn trong tình trạng gọn gàng, đẹp đẽ nhất. Vất vả là thế, nhưng người ngoài nhìn vào vẫn cho rằng, nghề này nhàn nhã: “Việc nhà ai chẳng làm được, chuyện thường thôi, chẳng qua vì không có thời gian để làm”, nhưng có tìm hiểu mới hay, nghề giúp việc cực khổ trăm đường.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, chị Phan Thị Th. (SN 1986, Phú Thọ) cho hay: “Tôi xuống Hà Nội làm giúp việc được gần 3 năm nay, dù công việc khó khăn, vất vả, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Bởi hiện tại, nợ nần gia đình tôi lên gần 200 triệu đồng, nếu tôi không làm thì không có tiền trả nợ”.
Theo lời kể của chị Th., chị và chồng cưới nhau được 7 năm, khi bé thứ hai được 2 tuổi, chồng chị bị ung thư phổi. Kinh tế gia đình từ chỗ đủ ăn, trở nên túng thiếu. Chạy vạy khắp nơi vay mượn chỉ đủ tiền nằm viện cho chồng. Khoảng 8 tháng, chồng chị qua đời, để lại con nhỏ và bố mẹ già, từ đó, mình chị bươn chải lo cho cả gia đình.
Với số nợ vay khi chạy chữa cho chồng, chị Th. phải xuống Hà Nội xin việc làm. Nghe lời mẹ đẻ (từng làm giúp việc cho một gia đình giàu có ở Hà Nội), chị xuống Hà Nội xin làm ô sin cho ngôi nhà trước đây mẹ chị từng làm.
Chị Th. kể: “Mỗi tháng ngoài ăn uống, mình tích được 3 triệu đồng gửi về để bố mẹ chồng nộp tiền học cho các cháu. Bản thân mình cũng không mua sắm gì nhiều, chỉ mặc đồ cũ và mua thêm vài bộ quần áo rẻ tiền”.
Cũng theo chị Th., ngày nào chị cũng dậy từ 5h sáng, chuẩn bị bữa sáng, đi chợ, quét nhà. Nói chung, công việc cứ thế lặp đi lặp lại. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn bởi chưa quen với việc nhà.
“Mới đầu, ngày nào cũng dậy sớm, lau dọn nhà cửa từ tầng 1 lên tầng 5, có lúc mình cảm thấy kiệt sức, không đủ tỉnh táo để làm việc khác nữa. Cũng may, bà chủ thấu hiểu, động viên, mình đã vượt qua được khó khăn ban đầu ấy”, chị Th. chia sẻ.
Chưa kể, thời gian đầu xa con, chị Th. nhớ các bé quay quắt, có đêm nằm khóc ướt gối. Con chị tuổi còn nhỏ, sớm phải xa mẹ, chị vẫn nhớ: “Ngày biết mẹ xuống Hà Nội làm, cả hai đứa ôm mẹ khóc tu tu, thương con, nếu không đi làm, lấy tiền đâu để trả nợ, còn tiền học phí của con nữa”.
Khác với chị Th., chị Nguyễn Hoàng H. (40 tuổi, Lục Bình, Hà Nam) với hơn 10 năm làm người giúp việc, cũng không giấu nổi sự xót xa. Chị H. cho biết, vì chỉ học hết cấp I, lại không xin được việc làm ổn định, nên chị chọn làm nghề giúp việc.
Chị H. chia sẻ: “Mình không may mắn như người khác, khi làm giúp việc cho một gia đình khó tính, lại còn phải chăm sóc cho cụ già 90 tuổi, nằm liệt giường. Ngày nào cũng tất bật dậy từ 5h, làm tới 7h mới được nghỉ ngơi, ăn sáng xong lại dọn dẹp, lo bữa ăn trưa, rửa mặt cho cụ... Chưa kể, những lúc cụ đi vệ sinh nồng nặc, mình phải chùi rửa... Nói chung, dù trả lương cao hơn những ô sin khác, nhưng đôi khi cũng muốn bỏ nghề vì cảm thấy mệt mỏi”.
Cũng theo chị H., chủ nhà của chị kỹ tính, trả lương cao, nên yêu cầu của họ rất khắt khe. Chị H. buồn rầu: “Thường thì giúp việc chỉ được 4-4,5 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn uống rồi. Nhưng mình chăm sóc cụ già liệt giường, lại lo hết việc nhà, cũng được 5-6 triệu đồng/tháng. Bù lại, mình phải có trách nhiệm hơn, từ việc chăm người già, dọn dẹp nhà cửa. Nói chung, chủ nhà bảo gì, phải làm việc đó, mình trái lời, người ta không thích”.
Chồng mất 13 năm nay, lại là người phụ nữ có chút nhan sắc, nhiều lần, các con chị khuyên mẹ nên đi bước nữa, chị H. vẫn lưỡng lự.
“Có đôi người cùng quê, lên Hà Nội làm việc, người ta ngỏ ý muốn được xây đắp hạnh phúc với mình. Họ cũng khuyên tìm việc mới để tiện về qua lại, tuy nhiên, mình học vấn không có, lại thiếu hiểu biết, làm được việc gì bây giờ? Làm nhân viên bán hàng, mình cũng quá tuổi rồi, còn làm việc khác, liệu thu nhập có đảm bảo cho mình nuôi con, nuôi mẹ già ở quê”, chị H. bày tỏ.
Thế là chị H. đành tạm gác hạnh phúc riêng của bản thân, vì thời gian làm việc “kín lịch”, chưa kể, chủ nhà không cho chị ra ngoài quá 1 tiếng/ ngày. Chị đành chấp nhận “độc thân” để đảm bảo thu nhập, lo cho gia đình.
Xem thêm:
>> Chuyện nghề 22: Góc khuất sau nghề làm đẹp cho người nổi tiếng
>> Chuyện nghề 20: Phút trải lòng của những nữ "cửu vạn"
Thanh Bình