Nghề giúp việc (ô sin) tưởng chừng nhàn nhã, dễ dàng, nhưng có vào nghề mới hay rằng, không có con đường nào dẫn tới thành công mà trải đầy hoa hồng. Để có được đồng tiền, những người giúp việc phải chấp nhận đánh đổi sự tự do, thời gian, thậm chí cả những giọt nước mắt tủi nhục. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bạn Hoàng Bảo Tr. (19 tuổi, Nghệ An), bị tật bẩm sinh từ nhỏ, hiện đang làm giúp việc cho một gia đình công chức ở phố Trần Quốc Hoàn cho hay: “Làm ô sin đủ cái khó khăn, nhiều khi lương lậu chẳng được mấy, vất vả, lại còn rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Đôi khi, mất cả thể diện”.
Cũng theo Tr., không ít lần nhà chủ mất tiền, họ cứ nghi oan cho cô lấy. Chỉ khi phát hiện ra cậu con trai quý tử của họ trong một quán internet, Tr. mới thực sự được minh oan.
“Dù mình nhiều lần giải thích, gia đình nghèo khó, túng thiếu, nhưng mình không bao giờ lấy tiền của nhà chủ. Mình biết nhà chủ ậm ừ, nhưng trong lòng vẫn nghi cho mình”, Tr. buồn bã.
Cũng theo Tr., ngoài việc bị mang tiếng oan, Tr. còn bị bạn bè đồng trang lứa coi thường. Mỗi lần cô về quê, có những người còn hỏi cô rằng: “Mày làm ô sin lương cao không? Mà sao không chọn bán hàng, hay chạy bàn cũng được, đi làm “đầy tớ” làm gì cho vất vả, lương được mấy đồng. Thế mày không định lấy chồng à”.
Đồng cảnh ngộ với Tr., chị Nguyễn Thị H. (37 tuổi, Sơn La) hiện đang làm giúp việc cho một gia đình khá giả ở Mai Dịch (Hà Nội). Mới xuống Hà Nội được hơn 1 năm, nhưng chị đã chuyển việc tới hai lần.
Chị H. kể: “Mới đầu, mình làm giúp việc cho gia đình có 4 người. Gia đình nhà chủ trả lương cao, nhưng họ khó tính, đòi hỏi cao. Chưa kể, ông chủ lại thường rượu chè, tính tình thất thường lắm. Bởi thế, tôi nhiều lần chịu oan ức khi bị bà chủ nghi ngờ có mối quan hệ mật thiết với chồng của bà”.
Cũng theo chị H., dù chị đã cố gắng làm hài lòng bà chủ nhưng vẫn bị nghi ngờ, thậm chí bà chủ còn tìm mọi cách để mắng mỏ, lấy cớ “hạ lương” của chị. Quá bất bình, chị H. xin nghỉ, sau đó trông trẻ cho một gia đình khác.
Có trò chuyện mới thấy được những vất vả mà những người giúp việc phải trải qua. Đó chỉ là phần bề nổi, còn nỗi niềm giấu kín của những giúp việc trẻ phải gánh chịu như bị gia đình nhà chủ mắng nhiếc, coi thường,... vẫn khiến không ít người trăn trở.
Xem thêm:
>> Chuyện nghề 20: Phút trải lòng của những nữ "cửu vạn"
>> Chuyện nghề 18: Xin đừng gọi giáo viên mầm non là "cô nuôi dạy hổ"
Thanh Bình