Hai năm trở lại đây, cụm từ “shipper” đang trở nên phổ biến, có người vui miệng còn ví đây là nghề “xe ôm cao cấp”. Nhận thấy đây là nghề không cần bằng cấp, lại thu nhập khá, nên nhiều bạn trẻ đổ xô theo nghề. Tuy nhiên, bước chân vào họ nhận thấy, đây không phải là mảnh đất màu mỡ, mà là môi trường của sự cạnh tranh, lừa lọc thậm chí “tiền mất, tật mang”. |
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, bạn Lê Văn Khoa (SN 1996, Đông Anh) cho hay: “Mình nhận thấy đây là nghề đòi hỏi sự nhanh nhạy cao, thậm chí có chút am tường về công nghệ, địa lý. Với bất kỳ shipper nào mới vào nghề, cũng phải nếm trải đủ cung bậc cảm xúc: Bàng hoàng, vui, buồn và nhận thấy nếu muốn theo nghề phải có bản lĩnh”.
Khoa giải thích, nghề shipper là nghề tự phát nên người làm nghề không được ai hướng dẫn, cũng như không qua trường lớp nào, vì thế rủi ro trong nghề rất cao.
Chàng trai 9X chia sẻ: “Bạn mình cũng làm nghề này, bảo thu nhập khá nên mình hưởng ứng ngay. Chẳng ngờ mới vào nghề, không thông thạo đường đi lối lại, không ít lần mình bị lạc đường, trễ hẹn, bị khách hàng chửi ầm lên. Có người còn nhất quyết trừ tiền ship, thậm chí còn bị chính khách hàng “bỏ bom” không chịu nhận hàng,... Tính đi tính lại, tháng đầu tiên mình lỗ, không đủ tiền xăng xe, ăn trưa. Mình bị như thế khoảng 5-7 lần. Khi đó, mình nản lắm, chỉ muốn bỏ nghề thôi”.
Cũng theo Khoa, có lần chàng trai nhận ship hàng từ bến xe, do chưa có kinh nghiệm, ship hàng với giá 30.000 đồng, nhưng không tìm hiểu trước, ra tới bến xe mới hay, giá cả bèo bọt, nhưng chở hàng cồng kềnh.
“Hôm đó, mình thấy cực lắm, đường đi nhiều ổ gà, nhiều lần hàng hóa đổ xuống cả đường. Thậm chí, thấy mình chở đồ cồng kềnh, cảnh sát cơ động còn gọi lại nhắc nhở, có lúc còn bị dọa phạt tiền... Mình nghĩ, công sức bỏ ra nhiều, rủi ro cao mà tiền ship bèo bọt thật không xứng đáng. Từ đó, mình rút kinh nghiệm khi chọn đơn hàng, thỏa thuận tốt mới nhận”, Khoa nhớ lại.
Có lần, Khoa còn gặp phải khách hàng “lầy” khi nhận hàng xong, còn không chịu trả phí ship, thậm chí, khi đồng ý trả còn cò kè bớt 10.000 nghìn đồng, khi không đồng ý lại bảo bớt 5000 đồng “lấy lệ”. Khi đó, Khoa chỉ còn biết gật đầu chấp nhận.
Khác với Khoa, bạn Minh Phúc ( SN 1993, thành viên của cộng đồng Ship tìm người, Người tìm Ship) cho hay: “Với những người mới vào nghề chưa quen đường thì quả thật là vấn đề nan giải, có những bạn đen hơn còn bị dính phốt của chủ hàng lừa. Chẳng hạn như, có kèo giữa người mua và bán, khi họ thỏa thuận nói rằng có món đồ đắt tiền cần chuyển gấp với giá cao, khi đó, ship cứ nghĩ kèo này “tốt” nên sẵn sàng đặt cược một khoản tiền cho món đồ đắt đó. Kết cục, khi chuyển hàng tới nơi, gọi cho khách không được, còn gọi lại cho chủ ship lại thuê bao. Kiểm tra hàng mới hay là hàng “giả””.
Minh Phúc cũng từng rơi vào cảnh trớ trêu khi “suýt” mất trắng 17 triệu đồng khi nhận chở tóc giả cho một Salon tóc có tiếng.
Minh Phúc kể: “Vì hàng có giá trị nên người ta bắt mình phải đặt số tiền cược lớn, khi chở tóc đến nơi, gọi cho khách hàng thì lại thuê bao. Chưa kể, quay về đòi tiền còn bị chủ Salon tóc nói: “Em thông cảm giùm, số tiền đặt cược chị vay tạm dùng việc khác, chị sẽ trả em vào hôm sau”.
Khi đó, mình cứng họng, vỡ lẽ bị lừa… Về sau, do mình cứng rắn, hết lần này lần khác đòi, thậm chí bảo rằng sẽ báo công an, người ta mới chịu trả, nhưng chia ra trả thành nhiều lần, mỗi lần vài triệu đồng, hiện tại họ vẫn còn nợ mình 4 triệu đồng”.
(Còn nữa...)
Xem thêm:
>> Chuyện nghề 24: Trăn trở của những người chạy xe ôm truyền thống
Thanh Bình