LTS: Dù nắng mưa hay đêm tối, những người chạy xe ôm vẫn miệt mài với công cuộc mưu sinh của mình. Ngày ngày, họ vẫn đồng hành cùng chiếc xe máy, đứng trên các tuyến phố chờ khách. Có khi, cả ngày, họ không có nổi một chuyến xe… |
Cò kè bớt một thêm hai
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, anh Nguyễn Văn Công (có 10 năm chạy xe ôm tại bến xe Mỹ Đình) cho biết: “Tôi quê ở Hà Nam, lên Hà Nội làm việc được hơn 10 năm nay. Ban đầu tôi làm cửu vạn tại khu vực chợ Long Biên, chợ Phùng Khoang, nhưng sau này nhận thấy không thể bốc vác mãi được nên tôi đã mua một chiếc xe máy vừa tiền ra bến xe chở khách”.
Cũng theo anh Công, để có tiền mua được chiếc xe máy làm phương tiện mưu sinh, anh đã phải tiết kiệm một thời gian dài. Tuy nhiên, khi mua được xe, theo làm xe ôm anh mới thấu, nghề này cũng không đơn giản, dễ kiếm tiền.
Anh Công chia sẻ: “Mới đầu khi theo nghề, tôi khá bỡ ngỡ trong việc mời chào khách. Đôi khi, mình mời họ cũng không thèm đáp lại, có ngày, tôi không có một khách nào. Cũng nhờ sự hướng dẫn của các bác nhiều tuổi hơn, tôi hiểu ra rằng, mời chào cũng là một nghệ thuật. Mình phải chào sao cho khách hàng tin tưởng, chịu lên xe. Một nguyên tắc mà nghề xe ôm cần ghi nhớ: “Không được ngại ngùng, cần tạo sự tin tưởng cho khách”.
Cũng theo anh Công, anh quen với khu vực Mỹ Đình, nên chủ yếu đón khách ở bến xe, dù thế, lượng khách ngày càng ít hơn, khiến anh không khỏi lo lắng.
“Lượng khách ở bến xe Mỹ Đình khá đông, nên trước đây, anh em xe ôm chúng tôi cũng có thu nhập ổn định. Dậy từ 4h sáng khi xe vào bến, làm việc cho tới tận trưa, có khi cả ngày không có thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng hiện tại, do sự phát triển của khoa học công nghệ, các dịch vụ xe ôm, taxi hiện đại ra đời nên lượng khách đi xe ôm truyền thống ít dần, có ngày chỉ chạy được 2-3 chuyến. Chưa kể, bến xe Mỹ Đình đang quy hoạch lại, nên lượng xe khách giảm đáng kể, kéo theo khách hàng cũng thưa dần...”, anh Công trăn trở.
Khác với anh Công, chú Phạm Dũng (60 tuổi) đến với nghề xe ôm như một cái duyên, dù biết đây là nghề vất vả, nhưng với 10 năm kinh nghiệm chú Dũng vẫn quyết bám trụ.
Trò chuyện với PV, chú Dũng không giấu nổi trăn trở: “Trước đây, khách chủ yếu đi xe ôm nhưng ngày nay, khi có nhiều hãng taxi, xe ôm giá rẻ như Grabbike chuyên sử dụng công nghệ phục vụ khách, những người lái xe ôm già cả như chúng tôi chịu thua”.
Không ít lần chú Dũng gặp phải trường hợp khách trẻ cò kè giá từng nghìn đồng một. Khi chú giải thích, quãng đường từ đây tới điểm khách xuống khá xa, không như trên bản đồ chỉ, khách lại lấy cớ so sánh với các dịch vụ khác để đòi giảm. Khi đó, chú Dũng chỉ biết lắc đầu chấp nhận.
Cũng theo chú Dũng: “Nhiều khi, quãng đường dài, khách cũng chỉ trả có vài chục nghìn, chỉ đủ tiền xăng xe, chưa kể công sức mình bỏ ra để chở khách. Nói chung, đồng tiền kiếm được rẻ mạt lắm, nhiều khi còn phải chịu sự so sánh dịch vụ từ khách, khiến chúng tôi chán nản”.
Bất chấp để... mưu sinh
Do ngày càng vắng khách, nên những người làm nghề xe ôm cũng ngày càng khắc nghiệt với nhau để “tranh giành” miếng cơm manh áo. Thậm chí, sự phân chia lãnh thổ ngày càng rõ rệt, từ đó dẫn tới việc xô xát, đánh nhau.
Anh Nguyễn Văn Bình (32 tuổi, Nam Định) có 9 năm làm xe ôm cho hay: “Trong nghề xe ôm này cũng có luật ngầm, những bến xe, bến tàu, ngã ba, ngã tư đều có người bám trụ hết rồi, “đất có thổ công sông có hà bá” nên những người mới vào nghề phải thấu hiểu, tìm cách khắc phục”.
Cũng theo anh Bình, ngoài vấn đề phân chia lãnh thổ, anh em xe ôm cũng có quy định, không tranh giành khách của người khác. Ngày mới vào nghề, anh cũng đã nhận được bài học nhớ đời.
Anh Bình kể lại: “Tôi nhớ có lần vào sáng sớm, khi ấy những cánh xe ôm như chúng tôi cùng chạy ra bến xe để chờ khách xuống xe mời chào. Ban đầu khách xuống định đi xe của một người khác, nhưng thấy tôi nài nỉ họ đã đổi ý đi xe tôi, thế là người đó bức xúc quá đã mắng, rồi lôi tôi ra ngoài sân đánh khiến chân tay đau ê ẩm. Đó là bài học, tôi luôn tự nhủ mình phải ghi nhớ”.
Không chỉ có xe ôm nam, xe ôm nữ cũng rơi vào cảnh điêu đứng khi gặp phải những tình huống trớ trêu. Chị Phạm Thị Lan (36 tuổi, quê Nam Định) có khoảng thời gian 7 năm trên chiếc xe gắn máy cho hay, ngoài sự vất vả, còn có không ít khó khăn, nguy hiểm. Chị kể, không ít lần chị còn bị khách hàng mắng, chửi vì lỡ làm chậm lịch trình của họ.
Vì là nữ nhi lại yếu thế nên không ít lần chị Lan bị khách “bùng tiền”. “Có lần chở khách đi đêm, đến một nơi vắng vẻ khách nói vào nghỉ chân ở một quán ăn, khách gọi nhiều đồ ăn rồi sau đó đã lẩn mất, khi biết mình bị lừa thì đã quá muộn”, chị Lan buồn bã.
Cũng theo chị Lan, vì nữ nhi chạy xe ôm, lại có chút hình thức nên không ít lần chị bị chính khách hàng gạ gẫm, giở trò sàm sỡ. Khi đó, chị đã từng nghĩ sẽ bỏ nghề.
Nguy hiểm luôn rình rập nhưng những người lái xe ôm vẫn cần mẫn chở khách trên chiếc xe gắn máy. Có thể với nhiều người, xe ôm truyền thống đang dần mất đi “vị thế”, nhưng họ vẫn không ngừng hy vọng sẽ có những vị khách quen tìm đến...
Cùng chủ đề:
Chuyện nghề 23: Thâm cung bí sử chuyện 'nghề ô sin' thời công nghệ
Thanh Lam – Mai Thu