|
Có nói chuyện, tâm sự với chủ nhân của những quán trà đá chúng tôi mới biết được rằng, để kiếm được 3.000 đồng của khách họ phải cực nhọc đến mức nào.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Thúy (33 tuổi, Nam Định) cho biết: “Hai vợ chồng tôi lên đây mưu sinh, ban đầu tôi đi làm phụ hồ nhưng sức khỏe tôi yếu quá không theo được. Nhờ một số người bạn tìm kiếm mãi mới được chỗ bán trà đá tại cổng một trường đại học. Quả thực số vốn bỏ ra thì ít nhưng còn những khoản phí phụ mới cao. Hơn nữa, tại chỗ tôi bán có khá nhiều quán nước, mình mà không chọn được loại chè ngon hay pha hợp ý khách là hôm sau họ sẽ không bao giờ vào quán mình nữa”.
Cũng theo chịu Thúy, chị phải để ý và nhớ từng vị khách của mình thích uống trà loãng hay đặc, nóng hay đá, chỉ cần họ ngồi xuống là có nước uống ngay.
“Mưa hay nắng cũng phải dọn hàng ra để những “khách ruột” không đi sang quán khác. Có nhiều vị khách uống xong còn quên trả tiền, mình bị bận bán hàng cũng chẳng để ý. Hay có những hội sinh viên ngồi uống nước đến 11h đêm, mình cũng phải chờ họ, chẳng nhẽ lại đuổi khách về.
Hay nhiều đám thanh niên đầu xanh đỏ vào uống nước thì quát tháo, chúng trò chuyện với nhau được một lát thì quay ra đánh chửi nhau, vậy là bao cốc, ghế bay đi hết, biết bắt đền ai được chứ. Thú thực, ngồi nhiều người đau nhức lắm, bán được ít tiền thì lại mua thuốc thang”, chị Thúy chia sẻ.
Chúng tôi dạo quanh khắp các con phố Hà Nội đâu đâu cũng có các quán nước vỉa hè. Có mặt tại quán trà đá ở cạnh bến xe Mỹ Đình – Cầu Giấy chúng tôi được chị Hoàng Thị Vân (27 tuổi, Nghệ An) kể rằng, để có được chỗ ngồi bán nước tại đây chị phải bỏ ra khá nhiều công sức. Không những thế, tiền “đóng thuế” hàng tháng cũng phải có.
Khi chúng tôi thắc mắc vì sao chị không chọn chỗ khác mà ngồi, chẳng ai “đụng” gì tới mình thì chị cười: “Ở đây khách nhiều, mình chịu khó ngồi lê la kiếm vài đồng gửi về quê để ông bà đóng học cho các cháu. Có những hôm thời tiết nắng nóng 40 độ mình vẫn phải ngồi vì hôm ấy khách đông. Tôi ngất vài lần vì nắng quá. Cũng may có “đồng nghiệp” của mình giúp đỡ không thì chẳng thể về được nhà. Nhưng rồi hôm sau chúng tôi lại pha trà, rót nước mời khách, cứ kiếm được tiền là dù nắng mưa chúng tôi lại đi”.
Quả thực, không chỉ có chị Vân, chị Thúy mà còn rất nhiều người khác chọn nghề bán trà đá. Họ phải ngồi cả ngày ngoài đường, vất vả, khổ cực nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền họ cố gắng làm. Những ai biết đường rằng, khi ngoài đường ánh đèn đã tắt, trên phố chỉ còn vài ba tiếng rao hàng của cô bán ăn đêm thì họ cũng mới bắt đầu dọn hàng về và ngồi nhặt, đếm, những tờ tiền lẻ mà khách trả. Dù những đồng tiền đó nhàu nát nhưng vẫn được họ xếp cẩn thận và đó là những đồng tiền chân chính mà họ kiếm được.
Xem thêm:
>> Chuyện nghề 1: "Giấu" bằng cử nhân đi bán...trà đá
>> Chuyện nghề 2: Bán trà đá vừa nhàn thu nhập lại "khủng"
M.Thu – Thanh Lam