Phải có thần kinh thép
Bác sĩ Dương Minh Tuấn (phòng Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM) cho biết, trung bình một ngày, một bác sĩ phải thăm khám cho hơn 100 người bệnh. Đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ và căng thẳng, chịu trách nhiệm sinh-tử của bệnh nhân, các y, bác sĩ luôn phải chiến đấu với chính bản thân mình để có thể đứng vững.
“Là bác sĩ phải quen với sự rèn luyện khắt khe, quen với những áp lực vô hình đè nặng lên từ rất nhiều phía, quen với những đêm thức trắng theo dõi bệnh nhân, những ngày bóp bụng chờ lương về để rồi lại thở dài suy nghĩ xem chi tiêu thế nào cho hợp lý. Những dịp lễ, Tết không thể về nhà hay ăn trọn vẹn cùng người thân một bữa cơm chỉ vì bận trực. Những nỗ lực cứu sống và chữa khỏi cho bệnh nhân thường được nhìn nhận như một trách nhiệm. Nhưng dù đã làm đúng chuyên môn, hết sức mình mà vẫn không cứu được bệnh nhân thì khi đó người nhà bệnh nhân vẫn lên tiếng đổ hết lỗi lầm lên bác sĩ. Rồi phải giấu đi tiếng thở dài chứng kiến bệnh nhân rời xa thế giới này mà bản thân không thể làm gì hơn...”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
“Khi còn đi học, sinh viên ngành y không có ngày nghỉ. Lịch học kín từ thứ Hai đến thứ Bảy. Chủ nhật phải thi và kiểm tra. Khi đi làm, ở bệnh viện 24/24h là chuyện bình thường. Vất vả, nhiều áp lực nhưng cho tới giờ phút này, tôi vẫn rất đam mê với nghề. Tình yêu với nghề giúp tôi vượt qua được tất cả khó khăn, coi đó là một phần tất yếu của công việc”, bác sĩ Tuấn bộc bạch.
Vì đặc thù công việc, điều kiện làm việc đóng kín trong bệnh viện nên cả hai bác sĩ trẻ Tuấn và Huy đều chưa có người yêu. Bác sĩ Tuấn cho biết, hồi mới vào TP.HCM, anh hẹn hò một vài lần nhưng đều không thành. Chủ yếu do bạn gái chia tay vì anh dành quá ít thời gian cho người yêu. Suốt ngày lấy lý do bận trực ở viện, ngày anh được nghỉ thì bạn gái đi làm, ngày bạn nghỉ thì anh đi trực hoặc thi thoảng huỷ hẹn sát giờ chỉ vì phải đi khám gấp. Anh chỉ biết xin lỗi sau mỗi lần như vậy.
"Ai khi yêu cũng cần được quan tâm chăm sóc, tôi không thể dành cho họ được những điều ấy như họ mong đợi, cũng không thể ích kỷ yêu cầu họ phải hiểu cho mấy lý do công việc rồi tính đãng trí của tôi, nên bị đá cũng là chuyện đương nhiên", bác sĩ Tuấn trải lòng.
Với bác sĩ Huy, anh cũng đã từng có một mối tình hồi học đại học, nhưng sau khi ra trường, người yêu anh về quê làm việc tại bệnh viện huyện, còn anh cũng vào làm tại bệnh viện tư nhân ở quê mình. Khoảng cách về không gian, rồi đặc thù công việc khiến anh và người yêu dần xa nhau. Đến giờ, anh chưa có nhiều thời gian để sẵn sàng cho mối quan hệ mới.
“Để duy trì và phát triển một mối quan hệ, cần có sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Tôi tin, người phụ nữ của tôi đang đứng đâu đó đợi tôi. Người sẵn sàng chờ tôi ở nhà với một bữa cơm, một người khiến tôi thấy bình yên mà quên hết mệt mỏi, một người có thể nhẹ nhàng giúp tôi trút hết âu lo mang theo mỗi ngày và một người luôn ôm chặt tôi mỗi khi tôi giật mình trong đêm khi tưởng có điện thoại hay tiếng còi cấp cứu”, anh Huy chia sẻ.
Theo hai bác sĩ trẻ, ngành nghề nào cũng có những khó khăn và vất vả riêng. Quan trọng là chúng ta đã lựa chọn con đường cho mình, thì dù có thế nào cũng phải làm cho thật tốt công việc của mình.
Xem thêm:
>> Chuyện nghề 29: Nghề thợ điện và những tai nạn bất ngờ
A.Y